(VOV5)- Với vẻ phức tạp của Xúc xắc tình yêu, với chút trăn trở của Yêu người ở bên ta, Khao khát của em lại là một tác phẩm đầy nữ tính nữa của Emily Giffin. Một câu chuyện giản dị nhưng kích thích độc giả khám phá những gì chúng ta thực sự cần trong cuộc sống.
Câu chuyện tập trung vào hai người phụ nữ, Tessa và Valerie. Đó là hai người phụ nữ có số phận khác biệt, chưa từng quen biết dù sống trong cùng một thị trấn nhỏ vùng ngoại ô Boston, nhưng cuối cùng lại gặp nhau ở một giao điểm không ai ngờ.
|
“Sâu sắc, xúc động, hé lộ hàng lớp khát vọng ẩn sâu của người phụ nữ” – đó là những gì The Arizona Republic nhận định về tác phẩm này. Khao khát của em – câu chuyện về hai người phụ nữ xa lạ có cùng một sợi dây liên kết, một người đàn ông mà cả hai cùng yêu thương. Một mối quan hệ tay ba, được nhìn qua lăng kính cảm xúc của hai người phụ nữ. Tessa không thể ngờ, rằng đã hủy hộn vào phút chót để đến với một tình yêu mà cô cho là định mệnh, nay cuộc hôn nhân lại đi vào lối mòn đến thế. Còn Valerie sững sờ nhận ra, chính tai nạn của con trai lại đưa cô đến với một mối quan hệ mới, làm nảy sinh những rung động tưởng chừng đã chết từ lâu. Tuy có hai hoàn cảnh khác nhau song cả hai người đều có chung một khao khát: khao khát hạnh phúc, khao khát được yêu thương. Nếu như không được đặt vào tình huống éo le, họ đã có thể trở thành những người bạn tốt của nhau.
Truyện có một kết cấu rất đặc biệt, hai nhân vật Tessa và Valerie lần lượt xuất hiện xen kẽ qua từng chương, trong đó có hai người kể chuyện với những điểm nhìn thay đổi lần lượt. Thứ nhất là điểm nhìn bên trong qua lời kể của Tessa (xưng tôi). Thứ hai là điểm nhìn zéro với người kể chuyện giấu mặt khi kể về nhân vật Valerie, thực chất là sự khúc xạ điểm nhìn bên trong của nhân vật Valerie. Hai người phụ nữ, hai số phận, hai cuộc đời như hai đường thẳng mà cuối cùng cũng giao nhau. Nhưng Emily Giffin không phải là người kể chuyện đơn thuần mà là người tâm sự thấu hiểu. Những suy ngẫm nội tâm của cả Valerie lẫn Tessa được miêu tả sắc nét và rất thực. Cuộc đấu tranh nội tâm của Tessa khi phát hiện ra quan hệ bất chính của chồng hẳn sẽ khiến nhiều độc giả thương cảm. Cách cư xử của Valerie có thể khiến người ta căm ghét, nhưng cũng có những tiếng thở dài cảm thông. Sự hỗn độn của những cảm xúc – Giffin có vẻ thích điều đó và đã xử lí nó khá tốt. Trong chuyện tình tay ba này, có yêu thương, có ghen tuông, có đau khổ, có phản bội, nhưng nó không phải là một cuộc chiến, và không có kẻ chiến thắng. Với chi tiết ngoại tình vạch sẵn, Giffin có thể dễ dàng đứng về phía một nhân vật nào đó. Nhưng không. Thay vào đó, cô để xen kẽ giữa quan điểm của Tessa và Valerie, ngòi bút của cô như lưỡi dao sắc bén giải phẫu thông minh tâm lí của họ, phơi bày ra mặt giấy để người đọc tự cảm nhận. Là một tiểu thuyết chick-lit, truyện tập trung vào hai nhân vật nữ chính, trong khi người đàn ông – Nick xuất hiện khá mờ nhạt, chủ yếu qua lời thoại và lời kể của hai nhân vật nữ. Anh như một bản phác thảo trên một tờ giấy, đặt giữa Tessa và Valeria – những bức tranh sơn dầu đầy màu sắc.
Emily Giffin là một trong những nhà văn Chick-lit hàng đầu hiện nay. Cô là tác giả của những tiểu thuyết lãng mạn vô cùng ăn khách như Xúc xắc tình yêu (Something borrowed), London ngày nắng hạ (Something blue), Yêu người ở bên ta (Love the one you’re with) hay Khao khát của em (Heart of the matter). Tất cả đã có ấn bản tiếng Việt do Cty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam phát hành.
Chick - lit là khái niệm được dùng để chỉ thể loại văn học dễ đọc, mang tính giải trí, viết về những phụ nữ trẻ trong lứa tuổi 20. Phong trào sáng tác truyện chick-lit bắt đầu từ giữa những năm 90 với sự xuất hiện của Bridget Jones's Diary (Helen Fielding). Về thể loại văn học này, có nhiều nhận định khác nhau. Trước một số ý kiến cho rằng, chick lit chỉ là các tác phẩm rẻ tiền, mang tính giải trí, câu khách bằng những trang bìa bắt mắt, Emily Giffin khẳng định: “Thật thiển cận và hẹp hòi khi coi tất cả những cuốn sách có trang bìa hồng hồng, lãng mạn đều mang nội dung tương tự nhau. Điều quan trọng mà chúng ta phải nhớ là chất lượng mới chính là yếu tố quyết định sự khác nhau giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, ngay cả khi chúng nằm trong cùng một thể loại”.
(theo CNN)
|
|
Khao khát của em không phải cuốn sách dành cho người thích những câu chuyện lãng mạn, hay có tính cao trào, nhiều nút thắt mở. Ở đó ta sẽ thấy cuộc sống gia đình gần gũi như chi tiết Tessa phát điên lên vì dỗ con gái ăn hay mấy bà nội trợ cứ âm thầm cạnh tranh xem ai hạnh phúc hơn, những xung đột khi hai vợ chồng không thể hiểu nhau, những sai lầm khi đánh mất mình trong một giây yếu lòng, tất cả, tất cả những kịch bản đó đều có thể xảy ra với bất kỳ ai trong đời thực. Cái kết của câu chuyện có thể coi là viên mãn với một số người, cũng có thể xem là khiên cưỡng với một vài người khác. Nhưng điều quan trọng là trong cuộc hành trình gần năm trăm trang sách ấy, độc giả được bầu bạn với một người tâm sự thấu hiểu chứ không phải một người kể chuyện đơn thuần, như đã nói ở trên./.