(VOV5)- Cái màu mốc rất quê, vô cùng thân thuộc với mắt người kia là cái màu hiện về từ vô thức, từ thủa còn thơ với tôi, với không ít người trời sinh đa cảm, mẫn cảm, bố mẹ là nông dân, sinh ra từ làng quê vùng châu thổ sông Hồng.
Tôi được mời dự cuộc rượu quê vui tất niên giản dị tại nhà ông Phụng - một cựu chiến binh người làng Đông Trù, bên trong đê Mai Lâm, phía ngoài đê là con sông Đuống chảy qua thơ kinh bắc Hoàng Cầm.
Qua Lộc Hà - Mai Lâm quê nhà văn “Tắt Đèn” Ngô Tất Tố là tới Đông Trù-Đông Hội nên ngày xưa đất kinh bắc với quê tôi cùng huyện Từ Sơn, xem như láng giềng. Đã quá lâu tôi không có duyên may nào để ghé qua vùng này.
Lượn xe máy qua những cung đường quen thuộc đất cát đạn ngày xưa nay toàn ...tòng bê tông, thấy đâu đâu cũng thị trường hóa thành phố thị, cũng đủ loại hàng quán, cũng tầng thấp tầng cao, cũng xe siêu trường siêu trọng xe sang xe hèn lao qua lao lại rối mắt người cao tuổi... Tự dưng thấy màu quê, “bức tranh quê” xưa nơi nào cũng phai nhạt như nhau.
Trong cái tâm thế hoài cổ ... cổ cổ ấy của người sắp qua sáu con giáp tuổi, vừa chạy xe hết con ngõ nhỏ, bước chân vào khuôn viên nhà ông bạn cựu chiến binh mới biết nhau gần đây ở làng Đông Trù, thấy ngay mảnh vườn xanh dăm bảy luống đất mát mắt đủ loại rau , có hai giàn bầu treo trĩu quả, có mặt ao thả cá lạnh lẽo nước ... trong veo gợn sóng, có hàng cây cảnh hoa lá trên hiên, ai cũng vui lây với chủ nhà này đang hưởng cảnh điền viên đúng nghĩa.
Thấy “khách xa gặp lúc mùa xuân chin” như câu thơ tả tình tuyệt vời của Hàn Mặc Tử, là tôi đây, cứ loanh quanh với chậu cúc mốc, ông chủ cười cười “cái anh cúc mốc này chơi lá thôi”. Màu lá mốc trắng chả lấy gì ... sang trọng, mỹ miều mà tự dưng cứ thấy quen quen, thích ngắm thế thôi.
|
Cây cúc mốc khi đã được người chơi tạo dạng thế - Ảnh: nguoiduatin.vn |
À mà phải rồi, cái màu mốc rất quê, vô cùng thân thuộc với mắt người kia là cái màu hiện về từ vô thức, từ thủa còn thơ với tôi, với không ít người trời sinh đa cảm, mẫn cảm, bố mẹ là nông dân, sinh ra từ làng quê vùng châu thổ sông Hồng. Đấy là màu váy áo của bà nội bà ngoại, của mẹ, của chị ta, của cô, dì, thím, mợ, của bà con hàng xóm láng giềng, cái màu của vải nâu đã phai bạc bởi nắng mưa dầu dãi tháng năm. Thấy màu cây cúc cảnh mà như thấy ... người muôn năm cũ ! Tôi một tay cắp chiếu một tay túm váy bà nội lon xon chạy theo chân bà tóc trắng như mây lên chùa Chợ Vòng trên đê sông Ngũ Huyện Khê ngày xưa có thời trên bến dưới thuyền.
Nói không quá lời, cái màu mốc của vải nâu bạc nắng bạc gió trên đồng đất, trong chợ búa, trong những khuôn viên nghèo cả làng cả nước tưởng đâu đâu cũng như nhau, toàn một cảnh mái rạ sân đất lam lũ mưu sinh thường nhật quanh vườn quanh ao quanh bếp đậm màu thời xưa trung cổ... cái màu trắng mốc ấy nhìn từ góc độ văn hóa nhân sinh có thể coi như là biểu tượng không lời của nét xưa làng quê Việt suốt trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm con trâu đi trước cái cày theo sau kéo nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng đi lên. Tưởng tượng mà xem, hàng triệu triệu người mẹ Việt, người phụ nữ Việt trong suốt trường kỳ lịch sử phong kiến trung cổ đã mặc áo nâu, mặc váy nâu bạc màu giống như màu cúc mốc trên cánh đồng, trong xóm làng Việt cổ cho tới mãi cuối thế kỷ 20. Giờ đây màu vải mốc ấy mới phai dần dần.
Từ liên tưởng vẩn vơ như thế, người viết lại nhớ đến bài thơ Mẹ Mốc của cụ Tam Nguyên Yên Đổ nói về một người đàn bà nhan sắc rơi vào vũng bùn khổ lụy nhưng giữ đến cùng phẩm tiết của mình trước cuộc đời lầm lội tối tăm: “Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa - Làm thế để cho qua mắt tục – Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc - Tâm trung thường thú tự kiên kim”-bất chấp thế gian mai mỉa vẻ ngoài rách rưới, lấm lem, không cần đẹp như ngọc đẹp, chỉ cần lòng kiên trung giữ vững tiết hạnh như vàng mười, quyết không bao giờ thay đổi cả! Ngụ ý của ông quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên giữ giá “thiên lương” lánh đời phàm tục thực dân phong kiến tao loạn, loạn chuẩn sang hèn, xấu tốt, dở hay, thấy thật rõ ở câu bình nghị Mẹ Mốc “Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết !” Và “so danh giá ai bằng mẹ Mốc!”. Mẹ Mốc thời cụ Nguyễn Khuyến “cáo quan về vườn Bùi” nơi có “Năm gian nhà cỏ thấp le te-ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”, nơi khách đến nhà chỉ biết tự trào “ao sâu nước cả khôn chài cá - vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”,” Đầu trò tiếp khách trầu không có- Bác đến chơi đây ta với ta...” như là hình ảnh biểu trưng của một nhân cách tiết tháo “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của người Việt…