Thoạt đọc, tùy bút của Chu Văn Sơn thấy mỗi tác phẩm đều gắn liền với một địa danh cụ thể, những tưởng đó là du ký. Nhưng đọc sâu vào từng trang viết, hóa ra vẻ ngoài du ký kia chỉ là cái cớ để cho kẻ viết phơi trải những cảm và nghĩ bời bời của mình về cõi sống, về cái Đẹp đó đây trong cõi sống này. Cái áo khoác du ký kia không át được một cốt lõi thể loại chưa bao giờ bị rắn lại, đó là tùy bút. Nhất là với những người viết có tài, tùy bút luôn được triển nở, biến hóa, mang những sắc hương khác lạ.
Nhà văn, nhà giáo Chu Văn Sơn |
Có thể hình dung mỗi tùy bút của Chu Văn Sơn là mỗi “cuộc yêu”. Vâng, đó là một quan hệ yêu, nghĩa là có kẻ yêu và kẻ đáp đền. Tác giả của mỗi tùy bút đã đem lòng yêu dâng lên đối tượng mà mình bị quyến rũ, phụng thờ. Đến lượt, đối tượng thụ nhận tình yêu cũng đã đọc thấy ở kẻ yêu một lòng yêu to lớn, chân thành, nên đã hào hiệp đền bù. Đền bù bằng con chữ. Con chữ của một Chu Văn Sơn tùy bút.
Một tình yêu thực sự bao giờ cũng rất thông minh. Nó biết phát hiện ra những điều mà kẻ bên ngoài không đọc ra, không thấy được. Đâu đó vẫn thường nghe nói “Tình yêu mù lòa”. Có thể đúng vậy. Nó dẫn người ta đến những sự mê lú. Nhưng phần lớn con người ta khi yêu là kẻ vô ơn, không thừa nhận sự mách bảo thông sáng của tình yêu ban tặng cho con người. Tình yêu dạy con người biết tri nhận thế giới theo cách của những phát hiện. Nó làm nên sự bỡ ngỡ. Như thể lần đầu tiên, một cái nhìn trinh nguyên, nhung tuyết. Một nỗi ngạc nhiên. Chẳng phải đó là sự đáp đền đẹp đẽ nhất của tình yêu mang lại đấy sao!
Chu Văn Sơn về cơ bản là một kẻ duy mỹ. Với nghiên cứu phê bình, anh sắm vai săn tìm, phát hiện cái Đẹp trong những áng văn. Đến lượt tùy bút, anh thủ vai kiếm tìm và biểu đạt cái Đẹp ngoài cõi sống.
Theo bước chân tùy bút Chu Văn Sơn, người đọc ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp Angko kỳ vĩ, động cựa, nơi chung sống của các đối nghịch: Con người và thần linh, Kỳ vĩ và tinh xảo, Giáo gươm và điệu múa, Đá và cây, Khoảnh khắc và vĩnh cửu. Nhiều người đã tới Angko, trong đó có tôi, kẻ viết bài này. Nhưng phần lớn chúng ta đi mà không thấy. Hoặc thấy không nhiều/không hết/không đích đáng. Có lẽ thấy những cái đích đáng chỉ có thể thuộc năng lực của số rất ít người. Chu Văn Sơn đọc ra trong từng đại cảnh, với mỗi tiểu tiết, trong từng hình khối, với mỗi hoa văn… những lớp nghĩa phì nhiêu đã ẩn náu đời đời như những mật ngữ, như thách đố. Những phát hiện của Chu Văn Sơn như thể cấp thêm, trao thêm cho kỳ quan Angko những hơi thở mới, những tiếng nói thầm thì mới. Kỳ quan Angko trong tùy bút Chu Văn Sơn là một cái Đẹp sinh nghĩa, năng sản nghĩa.
Chu Văn Sơn nhất quán trong việc phát hiện và biểu đạt cái Đẹp: Cái Đẹp là sự chung sống của các đối cực. Điều này cho thấy anh suy tư về cái Đẹp theo cách nó chính là sự sống, được là sự sống, ngược lại với tư duy tĩnh, phiến diện, ngưng đọng. Bản thân mỗi sự sống trên thế gian này bao giờ cũng là một cấu trúc tế vi, dung chứa các cặp đối nghịch, mỗi cặp tương tranh tương tác với chính nó và với những cặp đối nghịch khác theo một cách nhiệm màu nào đó để làm nên sự sống, duy trì sự sống. Vẻ đẹp của sự sống chỉ có thể được phát lộ trong một sinh thể sống động như vậy.
Theo cách nhìn ấy, Chu Văn Sơn bao giờ cũng thấy ở trong mỗi sự vật, mỗi khung cảnh chất chứa nhiều đối nghịch của những cạnh khía, chiều kích khác nhau. Anh thấy ở Đà Lạt có một vùng ôn đới trong lòng nhiệt đới, Đà Lạt xứ sở của Trịnh Ca mà theo lẽ thông thường phải là ở Huế… Mấy ngày dừng chân ở Đầm Vạc, anh lại nhớ/nghĩ về cò, những phận cò gắn liền với tuổi thơ, với mối hiểm họa rình rập… Đặc biệt, trong Sơn Đoòng là những cặp song hành: Báu vật và huyền thoại, Đá và nước, Bóng tối và ánh sáng, Sự sống và cái chết, Hữu hạn với vô cùng, Chinh phục và thất bại, Giới hạn và vượt thoát… Trong các tùy bút, rộng ra trong cái viết nói chung, Chu Văn Sơn luôn có một niềm thích thú khi thầm kín, lúc công khai nhìn các đối tượng thẩm mỹ của mình như một phức hợp, phức hợp mà nhất thể, nhất thể trong đa dạng/đa cực. Cách nhìn này giúp anh phát hiện vẻ đẹp tinh tế, giàu có của cuộc đời và nghệ thuật. Một cách nhìn đơn phiến vừa là sản phẩm của một nhãn giới nghèo nàn, vừa chứa chấp những định kiến làm bưng bít những khả năng đọc ra các miền nghĩa ẩn tàng của đối tượng.
|
Tuy nhiên, tất cả những luận bàn về cái nhìn trên kia sẽ không là gì hết nếu không có một lòng yêu, niềm thiết tha với sự sống, với cuộc đời. Ngòi bút chỉ có thể cất lên một cách đẹp đẽ nhất, lộng lẫy nhất khi anh đem cái lòng yêu phổ vào cảnh vật, phổ vào sự sống. Yêu và biết cách yêu chẳng phải là một phẩm hạnh cao nhất của con người đó sao!
Chu Văn Sơn đã sống trải đời sống này, đã xem đời mình như một ơn huệ mà sự sống ban tặng. Nên anh nhìn thiên nhiên như một kẻ chịu ơn. Bao nhiêu lòng yêu trút cả vào trang viết. Mỗi tùy bút của anh như một cuộc yêu. Nơi đó anh trong vai một bạn tình tri kỷ nồng sâu với danh thắng, kỳ quan, từ cái lớn như Sơn Đoòng, Angko đến cái nhỏ nhất là những bông lau, những vạt lau, những “Phận hoa bên lề” vô danh mà kiêu hãnh. Phận hoa bên lề như một ngụ ý thăm thẳm về kiếp sống người.
Vẫn thường nghe nói: Cái Đẹp vốn mong manh. Nói thế hẳn là rất đúng, nhưng do được nói đến quá nhiều, nên đã trở thành sáo ngữ.
Nhưng ở Chu Văn Sơn, điều này là có thật: Trong cõi yêu mê đắm của anh đối với cái Đẹp, đâu đó vẫn vẩn lên một nỗi bất an, có khi mơ hồ, có khi hiển hiện. Đó là những cái Đẹp lâm nguy. Sự lâm nguy này đến từ nhiều phía. Khi đặt cái Đẹp đối diện với vĩnh hằng, đó là sự nhỏ bé, hữu hạn, vô thường, đầy bất trắc. Sự tàn hủy của Tạo hóa diễn ra một cách lặng lẽ, kiên nhẫn mà hậu quả khôn lường. Còn khi cái Đẹp đối diện với con người, đó là sự tàn phá của chính con người do muôn vàn lý cớ: ngu dốt, đói ăn, hèn nhát, kiếm chác lợi lộc bằng mọi giá… Nhưng nhìn từ phía chủ thể người viết, nỗi bất an còn có thể đi ra từ một ám ảnh mơ hồ rằng sẽ đến lúc cái Đẹp rời bỏ nhân gian vĩnh viễn, không lý do, không lưỡng lự, theo cách rất vô tình. Đây là một thứ tâm lý có thật, biểu hiện sự bất lực của con người trước cái Đẹp. Ai đó nói rằng: “Cái Đẹp làm ta tuyệt vọng” hẳn là có cái nghĩa như thế. Nó vĩnh viễn không thuộc về ta. Nhận ra điều đó, con người vừa thấy được vị thế khiêm tốn của mình vừa có thái độ khiêm cung trước cái Đẹp. Tuy nhiên, trong cuộc yêu, nếu người đang yêu không mang chủ đích sở hữu, không thấy cần sở hữu thì đó là một cảnh giới của một tình yêu lớn.
Chu Văn Sơn đến Sơn Đoòng, sợ một ngày sẽ cho làm cáp treo, sẽ phô trương sức mạnh công nghệ để chinh phục kỳ quan theo cách nào đó. Về chốn Thanh An, người viết cũng lại sợ đến lúc nơi đây sẽ biến thành khu du lịch xô bồ, nhốn nháo, nơi những kẻ phàm phu tục tử vấy bẩn lên vùng nước non thanh sạch kỳ thú này. Trong tùy bút “Ở Đầm Vạc viết về Cò” nhói lên một hình ảnh gây đau độc giả - những chiếc lông chim rớm máu bị tay người tàn sát: “Liệu năm mươi năm sau, rặng cây này có còn nữa không, hay chúng cũng phải chịu chung số phận với cây đa đồng Màng của tôi ? Và ngày ấy tôi trở lại, liệu dưới mỗi gốc kia có còn vãi trắng những lớp phân cò, hay chỉ còn thấy những mớ lông lả tả ven đầm, mà khi nhìn kĩ, mỗi chân lông hãy còn nguyên một giọt máu?”. Có phải không, con người dường như ngày càng ác hơn, hung hãn hơn so với trước kia, với ngày xưa?
Nỗi bất an trong đời sống thực tại ngày hôm nay ngày càng lớn. Nó đến do những đổ vỡ niềm tin của con người mà thành... Yêu đấy mà lo đấy! Trong ái có ưu. Tùy bút Chu Văn Sơn là tiếng lòng ưu ái của con người hiện đại, thuộc thì hiện tại, bây giờ, ở đây. Đó là những khoảnh khắc hiện sinh mang nỗi phức cảm ngổn ngang đồng hiện.
Tôi cứ nghĩ thể tùy bút rất kén người viết. Dường như nó chỉ trao thân gửi phận cho những nhà giàu chữ, hay chữ. Giàu chữ mới có thể đủ để trang trải những cảm xúc, những suy nghiệm ngồn ngộn của mình. Giàu chữ mới có thể dựng lên những khung cảnh của sự sống và cái đẹp ngoại giới, biến nó thành sự sống và cái đẹp của nội tâm. Giàu chữ mới có thể “đua tranh cùng Tạo hóa” trong những trang miêu tả. Nhưng chỉ giàu không thôi, nếu không biết tinh luyện, không biết dùng khéo, kỳ công thì có khi lại thành kẻ nhiều lời, thậm chí rậm lời. Người hay chữ là người biết dụng chữ một cách đích đáng, vừa vặn, không thừa không thiếu, không thể thay thế. Được như vậy kể ra không dễ chút nào! Nhưng tinh thần của người nghệ sĩ ngôn từ chân chính bao giờ cũng mang trong mình những ý hướng ấy.
Đọc tùy bút Chu Văn Sơn thấy tác giả là kẻ giàu chữ, hay chữ, tài hoa trong chữ. Chữ của anh rất đỗi phong nhiêu. Có cảm giác anh chưa bao giờ tỏ ra túng chữ, cạn chữ. Các chữ xác lập những khái niệm, thuật ngữ mà anh làm chủ. Nhiều chữ đi ra từ kho ngôn ngữ dân gian, cơ hồ như bị bỏ quên, được anh phù phép làm cho mới lại, trao cho một sinh mệnh mới, một đời sống mới. Lại có những chữ do anh sáng tạo, mới mà độc. Do tư duy sắc bén, những cách thiết tạo các cặp đối lập trong việc định danh những suy niệm, suy cảm, tri nhận của mình về sự sống thực tại và đời sống nội tâm hết sức chính xác, điêu luyện. Tôi hoàn toàn có thể tiến hành một thống kê về bảng từ vựng mang tên Chu Văn Sơn tùy bút, nhưng xét thấy công việc này bạn đọc có thể làm được. Tôi chỉ muốn nói rằng, trong nghề, đôi khi người viết được sống trong trạng thái hoan lạc ngôn từ, thậm chí thăng đồng ngôn từ. Những tùy bút “Angkor- những đối cực của cái đẹp”, “Sơn Đoòng”, “Kiếp tượng nhà mồ”, “Phận hoa bên lề”, “Ở Đầm Vạc viết về cò” là những cơn mưa hoa chữ. Chữ hoan ca cùng cái Đẹp. Chữ thăng đồng cùng cái Đẹp. Trong tay người nghệ sĩ, chữ cũng hiện lên như một quyền năng của cái Đẹp. Những tùy bút này, chính là bản hòa ca của cái Đẹp song trùng: Cái đẹp thực tại và Cái đẹp ngôn từ.
Không dừng lại ở chữ, tùy bút Chu Văn Sơn có một cách nói, một giọng nói rất riêng. Khi một ý tưởng mới xuất hiện, anh ít khi chịu bằng lòng dừng lại. Anh thường xoay trở, truy tìm, đào bới, ngắm nghía từ nhiều phía, làm phát lộ nhiều vỉa nghĩa mới. Điều này chỉ có thể có được từ hai khả năng: một bộ óc thông minh, và một tâm niệm về tính không toàn triệt/hoàn kết của thực tại. Trong tư duy, một mặt luôn cần sự ráo riết, mặt khác lại ý thức được cái bất toàn, bất tận ngôn của biểu đạt. Điều này khác với chủ nghĩa chiết trung mà không ít trường hợp là sự thỏa hiệp, cầu an. Chu Văn Sơn bằng nỗ lực cao nhất, cố gắng đi hết giới hạn tri nhận có thể mà vẫn không bị rơi vào quyết định luận đơn giản.
Những cật vấn đến độ. Những tri túc cần thiết. Nhờ thế, nhiều câu văn tùy bút Chu Văn Sơn đạt đến vẻ đẹp của sự minh triết.
Hãy đọc chậm đoạn văn này để thấy những điều tôi vừa nói ở trên hẳn được bảo chứng: “Tôi hết sức ngỡ ngàng, khi biết, trong lễ bỏ mả trước đây, trai gái còn được tự do giao hoan nữa. Bằng cái nhìn hôm nay, dễ thấy việc đó thật kỳ quặc. Nhưng, tập tục này hẳn có triết lí của nó. Phải chăng giao hoan trong cái giờ phút thê lương ấy trên mặt đất cô liêu này, là một hành vi an ủi, hành vi chống lại sự chết ? Là lời tuyên chiến tức thì của cái sống với cái chết? Là cách ăn miếng trả miếng với cái chết? Phải chăng bằng cách ấy, người xưa muốn chống lại quyền uy ngang ngược của hư vô? Rằng hư vô cướp đi sinh mạng này thì con người sẽ khởi tạo ngay những sinh linh khác? Hư vô giáng xuống chốn này cái buồn chết thì con người sẽ tạo sinh những niềm vui sống? Có phải họ muốn nói: đại ngàn không phải là cõi chỉ có hư vô ngự trị, mà còn là cõi con người ngự trị? Thật hoang sơ mà cũng thật thâm thúy. Riêng việc chống đối bằng gửi ân ái giao hoan vào tượng gỗ dựng quanh nhà mồ thì vẫn là tập tục bền gốc, truyền mãi đến ngày nay” (Kiếp tượng nhà mồ).
Tôi cho rằng tùy bút Chu Văn Sơn, ở những đỉnh cao là sự kết tinh sâu sắc của ngọn nguồn cảm hứng to lớn và tri thức thâm hậu về Mỹ học, Triết học và Văn hóa đã được nghiệm sinh. Bộ ba tác phẩm “Angkor- những đối cực của cái đẹp”, “Sơn Đoòng”, “Kiếp tượng nhà mồ” đã vượt lên để đứng vào hàng tuyệt bút...
Sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhà văn, nhà giáo Chu Văn Sơn vừa tạ thế vào ngày 18.4 vừa qua ở tuổi 58, để lại nỗi tiếc thương sâu sắc cho nhiều bạn nghề và thế hệ học trò đã từng có dịp tiếp xúc ông ngoài đời hay qua trang viết. Một người văn với những con chữ tài hoa, đồng thời được cho là một nhân cách sống, nhân cách làm nghề đáng trọng. Sau 35 năm đứng trên bục giảng và 30 năm cầm bút, ông đã để lại các công trình nghiên cứu có giá trị. Và còn có một Chu Văn Sơn tuỳ bút trong tập sách cuối cùng vừa kịp xuất bản của ông, có nhan đề: “Tự tình cùng cái Đẹp”. Bài viết là lời giới thiệu của nhà phê bình Văn Giá, một bạn nghề chí cốt của tác giả.