(VOV5) - Cô vẽ cũng như Cô nói chuyện. Đều bộc lộ đúng những gì cô có tận đáy lòng. Mà chỉ là vì cô muốn tự hội thoại với mình, ai nghe ai thấy thì thành cuộc sẻ chia tự nhiên, thế thôi.
Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ vừa tạ thế, khi bà bước qua 100 tuổi trời. Nữ họa sĩ thành danh trong làng hội họa Việt từ thập niên 70 của thế kỷ 20.
Sinh ra trong một gia đình viên chức khá giả nên từ nhỏ, bà đã được học tiếng Pháp. Với thiên tư thông minh, có tài năng và rất ham học hỏi, bà xác lập chỗ đứng vững chắc trong giới mỹ thuật Việt, dù đến với hội họa khá muộn - khi đã lập gia đình và có 5 người con – trong đó có đạo diễn phim hoạt hình, NSND Phạm Minh Trí.
Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ từng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, con trai của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và họa sĩ Nguyễn Thị Khang, đã có những năm tháng được gần gụi với họa sĩ Minh Mỹ – một người bạn tâm giao của hai đấng sinh thành.
Những dòng hồi ức của họa sĩ Trịnh Lữ về Cô Minh Mỹ - hồi ức từ những năm tháng máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, tàn phá Hà Nội, đánh sập căn nhà 108 Quán Thánh của gia đình ông...
Nghe âm thanh câu chuyện tại đây qua giọng đọc họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ:
Những năm 1968-1971, gian khổ và đặc biệt nhất trong đời, cũng là những năm tôi được gần gụi nhất với Cô Minh Mỹ - người vẫn gọi mẹ tôi là “Chị Khang”; và từ đó đã coi Cô là một người thân đặc biệt của mình. Quả thật, các Cô Mộng Bích, Thanh Ngọc, Ái Ngà, Giáng Hương…và cả cô Thơm vợ bác Phạm Viết Song cũng toàn gọi mẹ tôi là “Chị Khang”, nhưng tôi chỉ có duyên được ở với mẹ và gần Cô Minh Mỹ những năm bom đạn ấy, nên trong ký ức, Cô Minh Mỹ là một đốm sáng sinh động hơn cả.
Nghĩ cũng buồn cười, cười đến rớm nước mắt, vì hễ cứ nghĩ đến Cô Minh Mỹ là tôi nhớ ngay đến dáng người thanh cao của cô đang bước nhanh dọc theo dẫy hầm trú ẩn công cộng để vào túp nhà của mẹ con tôi tận trong cùng mảnh đất tại 14 Lê Quý Đôn, vừa đi vừa gọi to “Chị ơi, chị có lấy lông lợn không?” Hôm ấy tôi đang đóng một cái chuồng gà bằng những thanh gỗ nhặt từ đống đổ nát trên khu nhà bị bom ở Quan Thánh. Nghe tiếng cô mà chả hiểu tại sao cô lại hỏi mẹ có lấy lông lợn không? Nhìn thấy tôi cứ ngớ mặt ra mà không dám hỏi, Cô mới bảo “Lông lợn bón cây bón rau đều tốt lắm Tuấn ạ, mẹ đang trồng khoai lang với xu hào ven hầm đấy thôi, cháu sang bên kia với cô mà đem về cho mẹ…” Chả là vì gần nhà cô và “nhà” mẹ con tôi, ngay bên kia đường, có cái lò sát sinh vẫn chuyên giết lợn, cứ ba bốn giờ sáng là tiếng lợn bị chọc tiết kêu gào thảm thiết. Mà cô thì quen đám đao phủ lợn ở đó, muốn lấy lông lợn thì bao nhiêu cũng được. Nhưng tôi bảo “Cô ơi, cháu nghe tiếng lợn kêu kinh lắm. Cháu không bón rau bằng lông lợn đâu cô ạ…”
Bây giờ nghĩ lại mới thấy thấm thiá nhiều điều: một tiểu thư đài các lớn lên giứa kinh thành Hà Nội, một nữ hoạ sỹ có danh tiếng, vào thời loạn lạc bom đạn, nhà đất cứ bán dần, rồi đến cả những đồ “tế nhuyễn, của riêng tây”, rồi thấy lông lợn ở lò sát sinh cũng thành một món không thể bỏ phí… Thấy bà chị đồng nghiệp trồng rau trên nắp hầm trú ẩn cũng nghĩ ngay ra cách tận dụng món lông lợn ấy, săng sái sang tận nơi hỏi “Chị ơi chị có lấy lông lợn không?” Vẻ mặt của Cô Minh Mỹ lúc ấy vẫn còn y nguyên trong tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Cô quý tôi lắm. Thấy tôi bỏ ngang đại học về giúp mẹ thu xếp chỗ ở: ban đầu thì đạp xe vào chùa Lủ xin bà bác làm sư thầy ở đó cho trái nhà tranh cạnh bếp nhà chùa, rỡ ra đèo về dựng lại cho mẹ khỏi phải ở dưới hầm ẩm ướt. Rồi xin xỉ than của nhà bán nước sôi bên cạnh, tôi vôi trộn với xỉ đóng thành từng viên gạch cho đến khi đủ xây mấy bức tường áp vào tường hàng xóm thành một túp nhà 15 mét vuông. Ngói lợp cũng nhặt nhạnh từ nhà đổ Quan Thánh về, mỗi chuyến xe đạp đèo được 7 viên, cho đến khi đủ lợp kín túp nhà… Hàng rào ngoài phố thì nhặt sắt ở bãi thải ngoài bờ sông, không xa lắm, về đan ken vào nhau thành rào. Cô bảo “Cô chưa thấy ai như cháu, cháu làm con rể cô nhé…” Rồi cô đưa một cô con gái sang lúc túp nhà đã “xây xong”. Mỹ Anh rất ít lời, chỉ hay cười không thành tiếng, mà lúc cười thì có một vẻ thông minh sâu thăm thẳm. Tôi và Mỹ Anh đã ngồi vẽ nhau một đôi lần. Mà chả bao giờ nói gì về tranh của nhau. Cũng chả bao giờ nói chuyện gì khác ngoài những câu hỏi han về bố mẹ và anh chị em của nhau. Chắc hai đứa chúng tôi chưa mắc nợ gì nhau trong tiền kiếp. Tôi không có duyên làm con rể Cô.
Nhưng Cô Minh Mỹ thì biết hết những việc tôi làm trong mấy năm ấy. Kể cả việc tôi học tiếng Anh bằng cách nghe trộm đài, với một cái radio nát bét cứu được từ khu nhà đổ Quan Thánh. Mẹ tôi bảo “Cô Minh Mỹ yêu con lắm…” Giờ nghĩ lại, đúng là chỉ có Cô Minh Mỹ là người khen tôi vẽ có tình cảm, nói ra lời hẳn hoi. Thấy tôi lọ mọ học tiếng Anh, Cô còn khích lệ, nói nhỏ với tôi là “Cô có một người trong gia đình làm phát thanh viên ở một nước nói tiếng Anh đấy…”
Họa sĩ Trịnh Lữ đến thăm Cô Minh Mỹ Tết năm 2022. " Cô khoe ảnh thời trẻ của cô mà!" - Ảnh: tư liệu họa sĩ Trịnh Lữ |
Những lần đến thăm cô khi tôi đã qua tuổi 70, tôi vẫn nhận ra vẻ mặt đặc biệt của cô như lúc cô vừa đi vừa gọi hỏi “Chị ơi chị có lấy lông lợn không?” Yêu thế chứ! Cách nói vừa như thích khoe thời tuổi trẻ mà vẫn như trẻ thơ của Cô, tôi nghĩ, chính là cái âm thanh bản thể của cô. Cái âm thanh ấy đã nâng đỡ Cô qua những năm tháng đầy nghịch cảnh của thời cuộc, hiển hiện thành những nét vẽ trên lụa của cô, luôn có một vẻ đằm thắm mà không thành thâm trầm, say sưa mà không thành bi luỵ. Cô vẽ cũng như Cô nói chuyện. Đều bộc lộ đúng những gì cô có tận đáy lòng. Mà chỉ là vì cô muốn tự hội thoại với mình, ai nghe ai thấy thì thành cuộc sẻ chia tự nhiên, thế thôi.
Cô ơi, cô đã ân hưởng trọn tuổi trời. Cháu thật sự hạnh phúc khi thấy cô được vợ chồng Trí và các em trong nhà chăm sóc cô với tình yêu không gì sánh được của Tình-Mẫu-Tử.
Cháu biết chắc Cô đang vãng sanh cực lạc. Đức Như Lai có nói “trong vô lượng kiếp, ai cũng từng là người thân của nhau.” Chắc Cô cháu mình đã từng như vậy trong tiền kiếp. Cháu sẽ gặp lại Cô, cùng với Bố, Mẹ cháu… Chả cần phải hẹn, Cô nhỉ.