Tầm cỡ cuộc thi thơ của báo Văn nghệ khiến cho sự kiện “chung kết” sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn yêu thơ.
Có thể thấy bất ngờ, vui mừng nhưng biết mình biết ta là tâm thế, cảm xúc chung của các tác giả được nhận giải lần này.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải B. - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân. |
Nguyễn Thị Kim Nhung là một trong số những tác giả trẻ có sáng tác được đánh giá cao trong cuộc thi kéo dài hai năm qua của báo Văn nghệ. So với tuổi đời, nhận thức về giải thưởng của chị khá chín chắn. Mục tiêu đầu tiên đặt ra của Kim Nhung khi tham gia cuộc thi, như chị chia sẻ, chưa phải là giải thưởng. Có lẽ vì thế, cách nhà thơ trẻ này nói về tác phẩm và giải B cuộc thi thơ Báo Văn nghệ vừa nhận được cũng khá điềm tĩnh. Vốn tham gia cuộc thi với tâm thế là một người trẻ muốn được trải nghiệm, mong rằng tiếng thơ của mình đóng góp được vào sự phong phú đa dạng của giọng điệu thơ trên báo Văn nghệ. Chị cho rằng nhận giải báo Văn nghệ là điều bất ngờ vì đây là một tờ báo hội tụ nhiều tác giả uy tín và tên tuổi. Trên số báo Văn nghệ gần đây nhất có in lại bài thơ “Biên giới” trích trong chùm thơ được giải của Nguyễn Thị Kim Nhung. Chị thú thực rằng chưa phải bài thơ bản thân ưng ý nhất vì bài thơ đó không đại diện cho giọng thơ của cá nhân chị. Nhưng bên cạnh đó vì là một người viết mặc áo lính nên đề tài biên giới cũng là đề tài Nguyễn Thị Kim Nhung trăn trở, một phần mà chị muốn khai thác kiếm tìm trong sáng tác của mình.
Bài thơ “Biên giới” có thể được Ban chung khảo đánh giá cao nhất – Về cả đề tài và ý tưởng trong chùm thơ đoạt giải của nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung. Thế nhưng, như chị đã nói, đó chưa phải là sáng tác mang đậm phong cách sáng tác của mình. Kim Nhung gọi tên bài “Dần sáng” như một “đính chính” lại về tiếng thơ của mình.
Đồng giải C với Nguyễn Thị Kim Nhung, tác giả Châu Hoài Thanh đến từ Vũng Tàu cũng gửi thơ dự thi Báo Văn nghệ với không thật nhiều tham vọng. Bởi hơn ai hết, chị hiểu rõ về “cái mênh mông của người làm thơ” cũng như “tuổi nghề” còn ít ỏi của bản thân.
Cả Nguyễn Thị Kim Nhung và Châu Hoài Thanh đều sáng tác thơ bắt nguồn từ cảm xúc câu chuyện của chính bản thân mình. Còn với Tác giả Tòng Văn Hân ở Điện Biên, anh gắn cảm xúc cá nhân với tập tục của cộng đồng, làng bản; từ đó, tìm thấy ý nghĩa trong sáng tác của mình. Anh bày tỏ niềm tự hào được quảng bá những nét đẹp về văn hoá của dân tộc mình khi viết về những sinh hoạt thường ngày, những nét đẹp trong bản làng dân tộc Thái của mình. Sáng tác thơ của Tòng Văn Hân đã được cộng đồng làng bản sử dụng, chuyển tải thành các bài hát dân gian theo điệu dân gian Thái trong các sự kiện như là ngày hội đại đoàn kết dân tộc, ngày hội thể thao văn hoá của bản, của xã, các sự kiện trong đám cưới, lên nhà mới của người Thái. Giải B cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ với Tòng Văn Hân là một động lực để khuyến khích tích cực tìm tòi thêm những nét đẹp trong cộng đồng để chuyển tải thành những bài thơ hay hơn nữa.
Đồng hạng với chùm thơ của tác giả Tòng Văn Hân là chùm ba bài lục bát của tác giả Nguyễn Văn Song ở Hưng Yên. Anh cho biết mình cũng sáng tác, viết nhiều thể loại nhưng có lẽ cảm quan của mình về cuộc sống phù hợp với thể thơ lục bát. Cùng là lục bát nhưng chùm ba bài được giải của Nguyễn Văn Song là ba màu sắc rất riêng. Thuộc ba đề tài khác nhau. Bài “Từ ngày lên phố” là cảm hứng thế sự về những điều anh chứng kiến trong cuộc sống, từ những day về sự thay đổi của làng quê, của việc làng quê lên đô thị và những vấn đề tranh chấp đất đai trong những gia đình gây tổn thương mất mát. Bài “Gọng vó đầu làng” là cảm hứng về thân phận con người, bắt nguồn từ một cái gọng vó có thực và ám ảnh với tuổi thơ của tác giả. Bài “Từ ngày cha mất” nghiêng về cảm xúc thật của Nguyễn Văn Song. Anh cũng chia sẻ bản thân theo dõi và khá ấn tượng với những bạn dự thi khác. Ví dụ như chùm thơ của tác giả Mai Thìn viết về đề tài biên giới, liệt sĩ rất xúc động hay tác giả Tòng Văn Hân viết về văn hoá nếp sống sinh hoạt của người dân tộc Thái rất mộc mạc giản dị, thấm những triết lý sâu sắc và nhân văn.
Phân bậc thứ hạng là công việc của Ban chung khảo chấm giải. Thế nhưng, cảm xúc của những người đoạt giải cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ không bị tác động quá nhiều về vấn đề nhìn lên trông xuống. Với hai tác giả Huỳnh Thúy Kiều và Hà Hương Sơn, điều quan trọng nhất là họ đã có một cái nhìn vào tác phẩm của mình, của đồng nghiệp. Tác giả Huỳnh Thúy Kiều cho biết chị rất xúc động khi được vinh danh ở một trong những cuộc thi trên tờ báo Văn nghệ uy tín. Mặc dù giải thưởng không lớn nhưng Huỳnh Thúy Kiều cho rằng đây là một bước đệm mới để cho bản thân bứt phá hơn nữa trong quá trình sáng tạo thơ ca. Chị có theo dõi khoảng 400 bài thơ dự thi đăng tải trên báo Văn nghệ và thấy bất ngờ ở cuộc thi này có những tác giả mới được vinh danh và thơ cũng rất bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Theo tác giả đến từ miền Tây, điều này cũng chứng tỏ quy luật tự nhiên tre già măng mọc, hiện nay một thế hệ sáng tác mới đang bứt phá, thí dụ như tác giả Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Kim Nhung.
Còn với tác giả Hà Hương Sơn, sinh viên khoa Viết văn – Báo chí – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, cảm xúc trong anh “lâng lâng”. Cuộc thi này theo chia sẻ từ ban tổ chức thì có tới hơn 1 vạn bài thơ và hơn 3500 tác giả dự thi, vì thế Hà Hương Sơn cho rằng mình may mắn được qua vòng sơ khảo, vào chung khảo có giải. Anh cũng hi vọng sau cuộc thi sẽ tiếp tục sáng tác nhiều hơn nữa để có một hành trình thơ bền bỉ. Cũng theo tác giả Hà Hương Sơn, theo dõi một vài tác giả trong cuộc thi này, anh ấn tượng với thơ Nguyễn Thị Kim Nhung với những vần thơ tinh tế về câu từ, ngôn ngữ.
Phát hiện, nêu danh một số gương mặt bước đầu đã có những một giọng thơ – Đó là kết quả nhãn tiền. Điều mà chung kết cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam làm được, rộng hơn là hoàn thành bài kiểm tra về thực tế giá trị, ảnh hưởng và lực lượng sáng tác thơ. Làm rõ ra phần nào cục diện quãng dài những năm qua còn mờ tỏ xem ra cũng là một kết quả đã được ghi nhận