Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng

(VOV5) -  Chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm đam mê mãnh liệt trong cuộc đời cầm máy, đồng thời cũng là sự tôn kính, tình cảm sâu nặng của Trần Hồng  đối với một vị tướng tài của đất nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Hoàng Sang:

“Tìm nét đẹp đời thường trong hình tượng Đại tướng của nhân dân” là lý do mà trong suốt hơn 20 năm, Nhà báo, Đại tá Trần Hồng, cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chụp hình. Bằng tình cảm trân quý của mình và qua những góc máy, Đại tá Trần Hồng đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất, bình dị nhất của vị Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng - ảnh 1Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của Nhà báo, Đại tá Trần Hồng. Ảnh: TTXVN

Căn phòng nhỏ trên tầng 2, số 3, phố Đường Thành, Hà Nội, là nơi Đại tá Trần Hồng lưu giữ những bức ảnh, những tác phẩm quý giá của mình, trong đó có hàng ngàn bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng tấm ảnh được ông ghi chép, lưu giữ cẩn thận… Ông chia sẻ tốt nghiệp khóa 1, chuyên ngành nhiếp ảnh trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), năm 1973, trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân. Cũng trong năm này, lần đầu tiên ông được tiếp cận và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “người lính nhiếp ảnh” Trần Hồng đến tận nhà riêng của Đại tướng xin được chụp ảnh, bộ phận thư ký - giúp việc nói cần có giấy phép và được phép. Thoáng thất vọng, ông định ra về thì tình cờ Đại tướng xuất hiện và bảo "cứ để cậu ấy vào".

Từ đó, ông được đến nhà Đại tường thường xuyên và lần lượt những tấm ảnh của ông về Đại tướng lần lượt ra đời: "Tôi vốn thích chụp chân dung và cơ duyên lại được chụp chân dung một vị lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam nên lúc làm việc say sưa một cách “kinh khủng”. Tôi nghĩ chính vì sự say mê đó mà lọt vào ánh mắt của Đại tướng… Có một lần ông hỏi: Sao em lại chụp ảnh anh nhiều thế? Chứng tỏ ông đã quan sát rất là lâu, rất là nhiều… Tôi cũng trả lời lại là: Thưa Đại tướng, tại sao Đại tướng lại cho tôi chụp nhiều ảnh như vậy?"

Với Đại tá Trần Hồng, chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cả một niềm đam mê mãnh liệt trong cuộc đời cầm máy, đồng thời cũng là sự tôn kính, tình cảm sâu nặng của ông đối với một vị tướng tài của quân đội nhân dân Việt Nam: "Khi trong ống kính của tôi có Đại tướng, tôi dồn hết tấm trí để quan sát, quan sát để làm sao chụp được những khoảnh khắc mà mình ưng ý nhất. Đó là khoảnh khắc của một con người vĩ đại nhưng lại biểu hiện những trạng thái, tình huống rất bình dị làm cho người xem không có khoảng cách, cảm giác rất gần gũi… Dung nhan, diện mạo, cung cách rất gần gũi, người nào gặp Đại tướng chỉ sau vài giây là cảm nhận được sự ấm áp của người. Ông có thể lắng nghe ý kiến của mọi người trong đủ giai tầng xã hội và tôi muốn chụp được khoảnh khắc, tinh thần ấy của Đại tướng."

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng - ảnh 2Bữa cơm của hai vợ chồng Đại tướng do Đại tá Trần Hồng chụp năm 1994. Ảnh: TTXVN

Đại tá Trần Hồng chia sẻ lần đầu tiên được chụp ảnh Đại tướng, ông đã vô cùng xúc động và tự hào, bởi mình có cơ hội được gặp, được chụp ảnh về vị Tướng tài ba của dân tộc, người mà ông luôn kính trọng, nể phục và biết ơn, bởi những gì Đại tướng đã làm cho đất nước, cho dân tộc. Sau này, khi ông có nhiều thời gian được tiếp xúc, được trò chuyện và được chụp ảnh Đại tướng nhiều hơn, thì tình yêu trong ông càng lớn dần lên theo năm tháng.

Trong mắt ông, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người hoàn hảo và mang trong mình phẩm cách mà người đời mong ước, đến cả kẻ thù của ông cũng phải nể trọng, kính phục, hướng tới và ca ngợi, tôn thờ vị tướng huyền thoại của Việt Nam: "Chụp ảnh ông khó nhất là bởi ông là một người vĩ đại, đặc biệt là những người nước ngoài nói đến Đại tướng là nói đến tài nghệ quân sự của ông, ai cũng khẳng định điều đó. Nhưng có một điều là ở góc độ nào cũng toát lên phẩm chất con người, văn hóa Việt Nam… Vì vậy chụp ảnh Đại tướng ở góc độ nào, trò chuyện với ai thì đều cảm thấy gần gũi."

Trong suốt những năm tháng chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều kỷ niệm cùng nhiều bức ảnh “để đời” khiến ông ghi nhớ, khắc sâu: "Kỷ niệm về Đại tướng rất nhiều, nhất là đối với một người mà tôi mến mộ, kính trọng, đặc biết là sự biết ơn…nhưng tôi lại nhớ nhất những kỷ niệm không hẳn là buồn, đó là những lần tôi làm không vừa lòng Đại tướng và khi ông nói lại với tôi thì đó là một bài học đáng nhớ. Như một lần tôi muốn chụp Đại tướng như một người bình thường nhất, có nghĩa là ông không mặc quân phục nhưng điều đó rất khó.

Tôi đã theo ông rất nhiều nhưng những khoảnh khắc để chụp ông khi mặc thường phục và nhiều lần chụp được những khoảnh khắc như vậy thì ông bảo: Cậu chụp sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam như thế này không được… Với người làm báo những bức ảnh ông bình dị như vậy lại rất đáng quý… Khi tôi đưa những bức ảnh này cho Đại tướng, ông bảo ảnh rất chân thật, vậy là đạt rồi. Sự chân thật là cái mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôn trọng nhất. Ông luôn nói sự thật, sự thật và sự thật là quy luật, là bản chất của sự việc… nên những người làm báo như cậu phải theo đến tận cùng của sự thật."

Trong 12 cuộc triển lãm ảnh chân dung của Nhà báo Trần Hồng, có đến 8 cuộc triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có 1 cuộc triển lãm tại Ba Lan diễn ra vào tháng 7/2018. Mong ước của ông là mở nhiều cuộc triển lãm hơn nữa để chia sẻ những khoảnh khắc ấy với bạn bè quốc tế về một người Việt Nam, không chỉ bằng những tấm ảnh chân thật không một chút chỉnh sửa, còn bằng cả những câu chuyện ở phía mặt sau của những bức anh. Dù Đại tướng đã đi xa mãi mãi, nhưng hình ảnh Đại tướng vẫn luôn trong trái tim tôi và mọi người dân Việt Nam, rạng rỡ, tươi cười và luôn là tượng đài tinh thần vững chắc,

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác