(VOV5) - Sau gần 40 năm, hài cốt của danh họa Mai Trung Thứ, người Việt Nam ở Pháp đã được đưa về Việt Nam, đúng với ước nguyện của danh họa và gia đình.
Ngày 20/02, chính quyền xã Tân Tiến, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng và gia tộc họ Mai Trung đã tổ chức lễ truy điệu cố họa sỹ tại quê nhà, với sự tham dự của đại diện đông đảo cơ quan chính quyền, Bộ, ngành trung ương và địa phương cũng như người dân quê nhà.
Ảnh: Phương Trần/quehuongonline
|
Danh họa Mai Trung Thứ (1906 – 1980) quê ở làng Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng là một họa sỹ nổi tiếng, một nhân sỹ yêu nước. Ông là một trong bốn danh họa thuộc nhóm tứ kiệt của nền hội họa Việt Nam Phổ - Thứ - Lựu – Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).
Năm 1936 – 1937, sau khi tham gia triển lãm tranh tại thủ đô Paris và đạt nhiều giải thưởng cao, họa sĩ đã ở lại Cộng hòa Pháp tu nghiệp. Phần lớn cuộc đời Mai Trung Thư sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông.
Danh họa Mai Trung Thứ trong phòng vẽ của ông ở Vanves, 1964. |
Ông nội danh họa là Mai Trung Quế, tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền tri phủ phủ Điện Biên, tỉnh Sơn La (cũ) được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự Sử. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh.
Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện... Đây là trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương do Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, Tardieu là một nghệ sĩ đồng thời là một nhà sư phạm giỏi, một trí thức Pháp tiến bộ.
Trong những năm theo học, lúc đầu Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh của Mai Trung Thứ nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này.
Một bức tranh vẽ trẻ em của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được UNICEF in vào bưu thiếp. |
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại nơi đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông đã nở rộ. Hàng loạt các tác phẩm lụa của ông ra đời mà nhân vật trong tác phẩm của ông là những cô gái Huế dịu dàng, những khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Trong thập niên 1930, cùng với một số hoạ sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới.
Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài...
Bức tranh Mẫu tử của họa sĩ Mai Trung Thứ |
Không chỉ là danh họa nổi tiếng, Mai Trung Thứ cũng là một trong số những người làm điện ảnh Việt Nam thế hệ đầu. Ông đã có công lao lớn trong việc ghi lại một số thời khắc lịch sử của đất nước.
Năm 1946, ông gửi về nước bộ phim tài liệu ông quay được với nhan đề 'Sức sống của 25.000 Việt kiều tại Pháp' do chính ông đứng tên hãng sản xuất là Tân Việt. Bộ phim sau đó được chiếu rộng rãi trên các rạp ở Hà Nội.
Cũng năm 1946, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Cộng hòa Pháp. Khi đó, họa sĩ Mai Trung Thứ là Giám đốc hãng phim Tân Việt đã được cử đi cùng Bác Hồ 4 tháng để quay phim, ghi lại các hoạt động của Hồ Chủ tịch trên đất Pháp. Năm 1975, nhà danh họa đã tặng lại cho Đảng và Nhà nước Việt Nam những thước phim quý giá này. Đó là những thước phim ghi lại chân thực hình ảnh Hồ Chủ tịch sau khi giành được độc lập, tự do cho đất nước được đón chào nồng nhiệt trong vòng tay nhân dân Pháp và hàng chục vạn Việt kiều. Những thước phim đã trở thành tư liệu lịch sử duy nhất về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp. Những bộ phim tài liệu quý giá của ông như 'Hồ Chủ tịch tại Pháp' hay 'Hội nghị Fontainebleau 1946' đã giúp ích rất nhiều trong việc cung cấp tư liệu lịch sử cho các nhà làm phim tài liệu ở Việt Nam cũng như quốc tế sau này.
Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong đó có nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông) theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó.
Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Thi hài của ông được an táng dưới chân một ngọn núi cách thủ đô Pháp không xa.
Sau gần 40 năm, hài cốt của danh họa Mai Trung Thứ, người Việt Nam ở Pháp đã được đưa về Việt Nam ngày 18/02/2019, tại khu lăng mộ của dòng tộc Mai Trung, đúng với ước nguyện của danh họa và gia đình.