Đạo diễn Lê Lâm và những bước đi mở đường

(VOV5) - "Tôi muốn chứng minh ở hải ngoại Việt kiều có thể làm phim Việt Nam chứ không bắt buộc làm phim Pháp hoặc ngoại quốc".

PV: Thưa đạo diễn Lê Lâm, câu chuyện của ông từ việc được cha gửi đi du học ở Pháp, học toán, học trường mỹ thuật, đồng thời tốt nghiệp thạc sĩ toán học, rồi bỏ tất cả để rẽ ngang theo nghề điện ảnh, hẳn là cũng có những dấu ấn không thể quên?

Đạo diễn Lê Lâm: Tôi tốt nghiệp thạc sĩ toán, nhưng học xong không hành nghề gì cả. Tôi muốn bay nhảy. Đầu óc nghệ sĩ thấm nhập vào mình rồi. Tôi báo tin với bố là bỏ nghề toán, thì bố từ tôi. Bố tôi không chấp nhận điều đó, vì bố gửi đi sang Pháp để thành tài mà! Tôi có dạy toán trung học một năm để kiếm tiền sống, dạy một năm thì tôi nghĩ không phải nghề của mình rồi! Nhưng trước khi vào điện ảnh thì tôi cũng chịu khó, ham mê đi coi phim rất nhiều, rồi lúc đó những khán giả thường đi xem với nhau làm quen với nhau, là những sinh viên trường Điện ảnh Pháp, bàn chuyện với họ thì tôi có hiểu biết sâu sắc hơn về điện ảnh. Năm 1975 vừa là năm giải phóng đất nước, vừa là năm tôi vào nghề điện ảnh một cách chuyên nghiệp. Tôi không học trường nào cả. Tôi tập luyện, hành nghề, làm phụ tá cho các đạo diễn Pháp. Vừa làm được tiền lương vừa được học hỏi luôn. Lúc vào nghề tôi cũng 24, 25 tuổi, cũng lớn rồi.

Đạo diễn Lê Lâm và những bước đi mở đường - ảnh 1Đạo diễn Lê Lâm trong buổi giới thiệu phim Công binh Đêm dài Đông Dương tại L'Espace Hà Nội  năm 2016. - Ảnh Nho Quân/ Báo Tuổi trẻ

Tôi làm 4 năm, đến năm 1979 thì nghĩ: thôi học đủ rồi. Tôi viết kịch bản Long Vân Khánh Hội, đệ trình Cục điện ảnh Pháp, vì Cục có tài trợ cho kịch bản xứng đáng. Long Vân Khánh hội được Cục điện ảnh Pháp tài trợ. Tôi bỏ luôn nghề phụ tá, nhảy vào nghề đạo diễn. “May” là phim thành công, được cử đi LHP Cannes, Venice… đi vòng quanh thế giới. Tôi cũng không ngờ thời đó toàn phim màu, mà tôi làm phim đen trắng lại được thành công ngay. Phim chiếu năm 1981, là phim đầu tiên nói tiếng Việt trên màn ảnh Châu Âu (gọi là tư bản ngày xưa đó, vì thời đó khối Liên Xô vẫn còn). Vì phim của ta chỉ cử đi liên hoan ở khối xôviết cũ và Đông Âu. Trong khi đó phim của tôi được đi chiếu ở cả Mỹ, nên gây ấn tượng.

Việc ông là người mở đường cho nhiều hoạt động hợp tác điện ảnh Việt Nam giai đoạn sau 1975 và điện ảnh Châu Âu, thì nhiều người trong nghề đã biết. Nhưng từ đâu mà có mối lương duyên giữa ông và giới điện ảnh trong nước?

Đạo diễn Lê Lâm: Năm 1982 tôi được báo chí phỏng vấn nhiều. Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp biết. Lần đầu tiên chính phủ nghe nói đến mình, mời tôi về giới thiệu phim Long Vân Khánh Hội cho anh em Việt Nam. Lúc tôi về năm 1982 chính phủ hỏi anh có dự án nào không, thì có dự án đã viết xong rồi, đã được tiền trợ cấp là “Đế chế tàn vụn”. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh của mình, chính phủ cho phép một phái đoàn Pháp – phái đoàn của một nước tư bản - làm phim truyện quay ở Việt Nam. Đây là phim truyện dài còn Long Vân Khánh Hội là phim ngắn. Năm 1982 tôi về quay thì 1983 phim được cử đi dự chính thức LHP Venice, rồi LHP Berlin… rồi cũng đi vòng quanh thế giới. Gây dư luận lắm. Ở Pháp khoảng mấy chục tờ báo viết về phim. Báo Nhân loại của Đảng Cộng sản Pháp khen ngợi nhiều, có một bài điểm báo rất quan trọng.

Đạo diễn Lê Lâm và những bước đi mở đường - ảnh 2 Bìa đĩa phim Đế chế tàn vụn của đạo diễn Lê Lâm.

Lúc làm Đế chế tàn vụn, tôi có nộp cho chính phủ ta qua Bộ Văn hóa và Cục điện ảnh một dự án về cách làm sao trong tương lai hợp tác với điện ảnh quốc tế Tôi nói cách Việt Nam tiếp đãi đoàn phim ngoại quốc như thế nào, muốn phát triển điện ảnh Việt Nam thì phải biết hợp tác với điện ảnh quốc tế. Mà thời đó phim tôi là phim châu Âu đầu tiên được quay vì tôi là người Việt, Lúc tôi nộp dự án đó, Pháp chuẩn bị cho ba phim bom tấn Điện Biên Phủ, Người tình và Đông Dương. Từ đó Bộ Văn hóa Pháp thưởng tôi Huy chương Hiệp sĩ văn nghệ sĩ vì công trình của tôi đã mở đường cho điện ảnh Pháp về Việt Nam, là phim đầu tay. Những phim truyện bom tấn mà Việt Nam cho quyền quay ở Việt Nam là ba phim đó.

Thưa ông, báo chí thường nhắc tới câu chuyện ông là đạo diễn tiên phong mở đường cho điện ảnh Việt kiều làm phim về Việt Nam, tại Việt Nam…

Đạo diễn Lê Lâm: Phim của tôi năm 1983 dự LHP Venice, thì năm 1993 ra mắt phim Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng. Ngay lúc phim ra mắt, Trần Anh Hùng đã trả lời báo Pháp rằng “Không có Lê Lâm thì không có Mùi đu đủ xanh”. Vì tôi đã mở đường cho điện ảnh của Việt kiều, tức là tôi muốn chứng minh ở hải ngoại Việt kiều có thể làm phim Việt Nam chứ không bắt buộc làm phim Pháp hoặc ngoại quốc. …

Ông cũng là người giới thiệu nhiều phim Việt đến với khán giả Pháp. Như gần đây nhất, ông cũng vừa bắc cầu đưa bộ phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tham gia dự thi LHP Tour lần thứ 17 tại Pháp

Đạo diễn Lê Lâm: 1981 phim của tôi quay. Nhưng cũng năm 1981 tôi là người đầu tiên giới thiệu phim Việt Nam ở LHP Nantes. Lúc đó tôi lấy 3 cuộn phim của Phạm Kỳ Nam là phim Chom và Sa, đi LHP Nantes, thuyết phục họ chiếu. Tôi lấy micro dịch trực tiếp từ màn ảnh. Năm 1982 khi tôi về nước quay Đế chế tàn vụn thì được biết bác (Phạm Văn) Khoa đang quay phim Chị Dậu và đang dựng phim. Tôi làm cầu nối giữa Ban tổ chức của LHP Nantes và Cục điện ảnh Việt Nam để chọn phim của bác Khoa đi. Phim Chị Dậu của bác Khoa là phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được Huy chương vàng ở Châu Âu. Từ đó trở đi một cầu nối được liên lạc giữa các LHP Pháp và Cục điện ảnh Việt Nam. Năm 2015 tôi tự cử phim Lạc giới của Phi Tiến Sơn do Mai Thu Huyền sản xuất và đóng vai chính, dự LHP Tours. LHP Tours tin cậy tôi, nói phim anh Lâm chọn thì chắc là tốt, nên phim đó dự LHP năm 2015. Đó là phần tôi gắn bó với điện ảnh Việt Nam ngay từ những năm 80. Cái đó từ bổn phận của mình là đạo diễn: làm phim, nhưng mình cũng phải quảng bá điện ảnh Việt Nam trên màn ảnh Châu Âu.

Xin cảm ơn đạo diễn Lê Lâm về cuộc trò chuyện này.

Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Ông du học Pháp từ năm 1966 tại trường Bách Khoa (École Polytechnique) theo chương trình học bổng. Ông là đạo diễn Việt  kiều đầu tiên làm phim về Việt Nam sản xuất và công chiếu tại Châu Âu.

Bộ phim “Đế chế tàn vụn”, của ông vừa được trình chiếu tại Café Thứ 7, 3A Ngô Quyền, Hà Nội vào thứ năm 11/5,  là bộ phim đầu tiên của Châu Âu được phép quay ở Việt Nam năm 1982 và phim nói tiếng Việt đầu tiên dự thi giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice năm 1983. “Đế chế tàn vụn” là bộ phim trong chùm ba phim của đạo diễn Lê Lâm về đề tài Đông Dương, cùng với  “20 đêm và 1 ngày mưa” (2006)  và “Công binh đêm dài Đông Dương” (2012).


Tin liên quan

Phản hồi

Bùi Đức Tầm

Tôi có cộng tác phim Đế chế tàn vụn với Đaọ diễn Lê lâm ( Bộ phận chủ nhiệm) . Rất thích phong cách làm... Xem thêm

Các tin/bài khác