Đạo diễn Lương Đình Dũng: Chúng ta cần một Ủy ban phát triển điện ảnh quốc gia

(VOV5) -"Bất cứ một bộ phim Việt Nam nào vào được Liên hoan phim quốc tế mà có đến 5 quốc gia tham gia, thì tôi nghĩ đó là niềm vui, dù niềm vui đó là niềm vui lớn hay nhỏ."
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Chúng ta cần một Ủy ban phát triển điện ảnh quốc gia - ảnh 1Đạo diễn Lương Đình Dũng - Ảnh: FBNV

Ngay từ những năm chiến tranh, điện ảnh nước nhà đã có tác phẩm tham dự các Liên hoan phim thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Sang thời đổi mới, nhà làm phim có cơ hội tiếp cận với nhiều Liên hoan phim hơn, nhất là khi bước vào thế kỷ 21, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội, họ càng ý thức được vai trò, tầm quan trọng khi đưa phim ra thế giới.

Nếu thế hệ đạo diễn 6x, 7x còn vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, thì đến thế hệ 8x, 9x hiện nay, khả năng cập nhật, tiếp cận ngày càng chủ động, không chỉ dừng lại ở những Liên hoan phim vừa và nhỏ mà còn hướng tới các Liên hoan phim lớn.

Câu chuyện về điện ảnh Việt tại các Liên hoan phim cũng là chủ đề trò chuyện cùng đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng...

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
PV: Vâng thưa đạo diễn Lương Đình Dũng. Ấn tượng của anh về một số tác phẩm điện ảnh Việt ghi dấu ấn tại các Liên hoan phim quốc tế trong thời gian gần đây?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Đầu tiên phải nói rất là ấn tượng về bộ phim Bên trong vỏ kén vàng. Bộ phim có một tầm nhìn có tính con người. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời. Bộ phim thứ hai mà tôi khá thích, là bộ phim Ròm. Và còn nhiều bộ phim nữa, ví dụ Song Lang cũng là một bộ phim đáng yêu, cũng mang lại dấu ấn. Cũng có nhiều bộ phim mà ngay lập tức tôi không nhớ, nhưng mà là những khoảnh khắc rất ấn tượng của phim Việt Nam, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng là cái tạo ra cho điện ảnh Việt Nam tiếng nói tại quốc tế. Bởi vì mọi người biết là có những liên hoan phim đến 30 nghìn - 50 nghìn bộ phim tham dự. Nhiều khi vượt qua vòng một đã khó lắm rồi, vào vòng 2 rồi vòng cuối cùng cũng là điều kinh khủng.
PV: Có ý kiến cho rằng được giải tại các liên hoan phim nhỏ thì cũng không đáng kể đâu, không có gì phải làm to chuyện. Ý kiến của anh về việc này như thế nào?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nói dài một chút. Mọi vĩ  nhân đều từ một đứa trẻ. Bất cứ một bộ phim Việt Nam nào vào được Liên hoan phim quốc tế mà có đến 5 quốc gia tham gia, thì tôi nghĩ đó là niềm vui, dù niềm vui đó là niềm vui lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên là, cũng nên sòng phẳng với nghề nghiệp. Mình được đến đâu nói đến đó. Như lần đầu tiên tôi sang Tây Ban Nha xong, về tôi buồn. Sao mà liên hoan phim tổ chức rất là buồn cười. Không phải Liên hoan phim quốc tế nào tổ chức cũng tốt. Nhưng sau đó tôi sang những nơi khác, tôi biết rằng thực sự đó là một cuộc chơ  thế giới. Các bộ phim mà đã đấu ở những Liên hoan phim hạng A ấy, thì phải vượt qua hàng nghìn phim. Các đạo diễn trên thế giới như Lucas chẳng hạn, hay Seven Stenberg, hay Lý An... Những đầu óc đó là những đầu óc bậc thầy. Họ cũng sẽ bắt đầu từ những liên hoan phim nhỏ, lớn dần. Nên nhiều khi ở Việt Nam chúng ta hay nói chê các bộ phim rằng phim này làm liên hoan phim. Đó là một câu nói rất độc đoán và thiếu tính xây dựng. Bởi vì khi tham dự một Liên hoan phim quốc tế, ít ra họ phải vươn tới một cái tầm khác. Mà hiện nay Việt Nam chúng ta chỉ biết đến một số lượng liên hoan phim, còn những liên hoan phim cực kỳ lớn: Ví dụ Liên hoan phim Chính phủ Ấn Độ GOA lớn khủng khiếp,.. còn nhiều các liên hoan phim khác nữa.
PV: Thưa đạo diễn Lương Đình Dũng, việc tham dự các liên hoan phim quốc tế, bên cạnh những thuận lợi thì những cái khó khăn cũng mở ra rất nhiều. Tiền có phải là điều khó khăn nhất đối với các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Chúng ta thấy đạo diễn Bong Joon-ho cũng giống như các đạo diễn Hàn Quốc, họ trưởng thành trong các liên hoan phim. Và bây giờ chúng ta mới nhìn thấy quả chín. Kết quả của nó, thậm chí là chiến lược của Chính phủ.

PV: Cả một lộ trình dài..

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Rất là khủng. Điện ảnh Nhật nhiều lần đoạt giải Liên hoan phim Cannes nhưng mà họ cũng ít quảng bá. Tôi cảm giác đó không phải là ngành chính mà Nhật phát triển. Nhưng đối với Hàn Quốc, một cơ hội thôi, thắng LHP Cannes phim đầu tiên, gần như cả đất nước vào cuộc, hay là một góc rất lớn nào đó trong bộ máy vào cuộc (Ở Nhật thì không. Họ lặng lẽ). Và tôi nghĩ rằng sau phim Ký sinh trùng, thương hiệu của họ đã mạnh hơn, thậm chí là thu hút Netflix đầu tư mấy trăm triệu USD, trở thành một thương hiệu điện ảnh châu Á; ngoài ra, còn nâng cao rất nhiều tinh thần giá trị của điện ảnh từ thương mại, chính trị xã hội đều nâng cao. Nhưng mà họ có những Quỹ phát triển. Bởi vì bản thân nó giống như cái mầm non thì chúng ta cũng phải che chắn, chúng ta phải hỗ trợ ít ra nó lớn lên một chút thành cây.

Hiện nay, Việt Nam không có Quỹ đó. Và cũng không có một  Ủy ban Phát triển điện ảnh một cách tập trung. Tất nhiên, tiền thì chẳng phải trong lĩnh vực điện ảnh, ai cũng phải lao động kiếm tiền, khó khăn cả thôi. Tôi thấy nếu được, thì chúng ta cần có một cái Quỹ. Còn tất nhiên các đạo diễn phải vật lộn, bởi vì nếu anh không vật lộn, anh sẽ không có sự trưởng thành một cách khắc nghiệp. Ra thế giới cũng thế thôi, thậm chí như Australia chẳng hạn, tôi làm việc với một đạo diễn đã từng làm phim Hollywood - anh xếp hàng 7 năm mới đến lượt. Trên thế giới cũng vậy. Nhưng mà họ lại có một cái Quỹ, có một sự ủng hộ, có chiến lược. 

Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ trả lời cái nào là đúng nhất. Đầu tiên chúng ta nên có một Ủy ban phát triển điện ảnh quốc gia. Chúng ta phải có một Quỹ đầu tư. Còn quá trình, quy trình để các đạo diễn, thậm chí như bản thân tôi, để tiến đến các quỹ đó, chúng ta cũng phải đi những lát cắt chuyên nghiệp để tiến đến đó.

PV: Vâng ý của anh Lương Đình Dũng cũng là ý của nhiều người khác, mong muốn chúng ta phát triển điện ảnh sẽ đi từ cái gốc và có một sự gọi là tất cả cùng vào cuộc. Bây giờ có lẽ chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên trong một lộ trình như thế. Còn hiện nay các nhà làm phim độc lập của Việt Nam - nói riêng các nhà làm phim độc lập - khi đưa tác phẩm của mình ra với các liên hoan phim thế giới, tôi cảm thấy họ cô đơn và sự tự phát rất là nhiều

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Thực ra chúng ta đã bỏ đi rất nhiều cơ hội. Đầu tiên chúng ta phải xác nhận đây là sự tự phát là đúng. Và nó trong nền kinh tế nước ta hiện tại, thì  sự tự phát này cũng giống các quốc gia khác. Khi chúng tôi tham dự liên hoan phim quả thực là rất cô đơn. Ví dụ như các nước khác chẳng hạn, nếu được chọn đi tham dự Oscar,  phải có một khoản tiền hỗ trợ cho các nhà làm phim đến quốc gia đó để quảng bá. Nhưng ví dụ, chúng ta có một bộ phim đến Mỹ. Chúng ta không có tiền quảng bá, không có tiền để đăng bài. Mỹ làm điện ảnh công nghiệp, không có xin cho và cũng không có cơ hội may mắn ở đó nhiều, mà phải là thực lực,  thì chúng ta không có cái đó, Thậm chí khi tôi đoạt giải ở Iran (phim Cha cõng con), giải phim châu Á xuất sắc, tôi được một sự long trọng ngoài khả năng suy nghĩ của tôi, thậm chí được một khoản tiền rất lớn. Họ ra tận sân bay. Về Việt Nam thì dùng một từ là đi Gbab về trong lặng lẽ. Tôi cũng không kỳ vọng ai đón tiếp, cũng chẳng cần gì cả. Nhưng đối với các thế hệ điện ảnh sau, các em trẻ, cần cho họ một cái tinh thần. Vì như thế thì họ sẽ làm và cống hiến cho điện ảnh Việt Nam nhiều hơn rất nhiều xã hội hiện nay.

Xin cảm ơn đạo diễn Lương Đình Dũng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác