(VOV5) - Trong cuộc đời làm điện ảnh của mình, đạo diễn Nguyễn Thước đã góp một tiếng nói cho dòng phim tài liệu có lời bình, với những đề tài xã hội vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước |
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước là một tên tuổi trong lĩnh vực phim tài liệu nước nhà. Nhắc đến ông, người ta nhớ đến những tác phẩm điện ảnh hướng đến đề tài nóng vẫn còn nguyên tính thời sự, trong bối cảnh đất nước chuyển mình, với những quan niệm đổi thay giữa cái cũ và cái mới. Đó là phim tài liệu “Cỏ xanh im lặng”, câu chuyện về người anh hùng Hồ Giáo, sống cuộc đời thanh bạch, tận tụy, cần mẫn bên đàn trâu của nông trường; Đó là phim tài liệu “Nếu chỉ còn một ngày để sống” kể về 3 thanh niên chịu án tù oan và câu chuyện tình yêu vượt qua mọi định kiến.
Bên cạnh những câu chuyện về thân phận con người, đạo diễn Nguyễn Thước cũng dành sự quan tâm đến những vấn đề nóng của xã hội qua các bộ phim tài liệu “Chất xám”, “Đất lạnh”, “Sự nhọc nhằn của cát”, “Những công dân @”… đều là những góc nhìn chân thực của ông với mỗi số phận, cuộc đời trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập.
Mặc dù đã có rất nhiều bộ phim về người anh hùng Hồ Giáo nhưng chỉ sau khi đọc thông tin ông Hồ Giáo về hưu lần thứ 2, ở tuổi 80, đạo diễn Nguyễn Thước đã tự nhủ mình phải làm một bộ phim về con người đặc biệt này. Thế nhưng, hai lần duyệt kịch bản đã thất bại. Hơn một năm sau đó, nghe tin trại trâu Hành Thuận (Quảng Ngãi) nơi ông Hồ Giáo làm việc giải thể, đàn trâu ông chăm sóc được chia về cho các hộ nông dân, đạo diễn Nguyễn Thước quyết tâm thực hiện ý tưởng làm phim về anh Hồ Giáo của mình, với tiêu đề “Cỏ xanh im lặng”, thể hiện sự ngậm ngùi, đơn độc của một người lao động chân chính trước những đổi thay của xã hội.
"Tôi đọc trên báo có thông tin là tỉnh Quảng Ngãi sẽ giải tán đàn trâu ấy, chia hết cho nông dân. Có lẽ đối với ông Hồ Giáo đó là cú sốc lớn. Cả đời ông đã chăm đàn trâu ấy, mang lại bao nhiêu ý nghĩa cho những người nông dân nghèo. Khi ông nghỉ thì lập tức đàn trâu cũng bị giải tán. Điều ấy khiến tôi không thể không động lòng. Tôi cũng rất băn khoăn và vô tình nói chuyện với một cô học trò, lúc ấy đang làm ở kênh truyền hình Quốc hội. Chính chị cũng là người viết kịch bản và cùng làm với tôi phim “Nếu chỉ còn một ngày để sống”. Tôi đã nói những băn khoăn và những ước muốn của mình về một bộ phim về anh Hồ Giáo trong tương lai. Có lẽ những cảm xúc của tôi cũng đã mang đến cho chị sự hào hứng và chị ấy tha thiết muốn được thử sức. Chị đã ra kịch bản “Cỏ xanh im lặng” và nhanh chóng được duyệt năm 2013 và hoàn thành trong năm đó. Đây cũng là bộ phim cuối cùng trong cuộc đời làm phim của tôi." - Đạo diễn Nguyễn Thước kể.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước (bên phải) và Anh hùng Lao động Hồ Giáo. - Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Bộ phim đã mang về giải Bông sen Bạc cho đạo diễn Nguyễn Thước và đoàn làm phim. Đây cũng là bộ phim mà Nhà báo Nguyễn Thuận Huế- Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh nhớ mãi khi nhắc đến NSND Nguyễn Thước: "Hình ảnh đàn trâu như thế nào, hình ảnh về người anh hùng trong đời thực… đó là những hình ảnh rất chân thực. Và tất nhiên đó là cả bề dày tư liệu. Nếu người làm phim tài liệu không lưu trữ được hình ảnh, không theo thì làm gì có những bộ phim dành suốt cuộc đời chỉ để theo một nhân vật. Gọi được chất của phim tài liệu, thì những nỗ lực của thầy Thước đã cho ra đời những tác phẩm đáng để học, đáng để mình ngưỡng mộ."
Nếu như “Cỏ xanh im lặng” và “Nếu chỉ còn một ngày để sống” đề cập những con người bình dị, trước những đổi thay, biến cố cuộc đời thì “Đất lạnh”, “Chất xám” lại là hai tác phẩm tiêu biểu về vấn đề những mâu thuẫn trong phát triển nông nghiệp nông thôn, những bất cập của nền giáo dục.
Nhưng dù ở góc tiếp cận nào, theo đạo diễn Lê Hồng Chương thì Nguyễn Thước luôn dẫn dắt người xem bằng xúc cảm của mình: "Phim nào của anh cũng đưa cảm xúc vào, chứ không chỉ thuần là bộ phim chính luận. Tất cả những phim như “Chất xám”, “Đất lạnh” đều làm về những đề tài nóng của xã hội, nhìn theo cách riêng của tác giả với xúc cảm chứ không phải chỉ phân tích để rồi ra một kết luận nào đấy. Cái nhìn xuyên suốt qua xúc cảm chứ Thước không tính toán một cách cụ thể việc đưa cái này, cái kia vào để gây kịch tính."
Để cho cảm xúc dẫn dắt và để cho hiện thực như những gì vốn có, kinh nghiệm làm phim của đạo diễn Nguyễn Thước đã truyền lại cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, Trung tâm phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam, khi anh thực hiện những phim tài liệu chính luận mang hơi thở cuộc sống: "Thầy rất quan tâm, hay điện thoại hỏi thăm về những đề tài tôi sắp làm, chuẩn bị làm, những ước mơ, hoài bão, những đề tài tôi đang theo đuổi mang hơi thở cuộc sống. Trong những cuộc trò chuyện ấy, nghe đến đâu thầy góp ý trực tiếp cho tôi. Đặc biệt với dòng phim tài liệu chính luận thì phải tôn trọng sự thật, mang hơi thở cuộc sống vào. Vì chỉ có những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, những sự thật, tình cảm của các nhân vật mới giúp cho phim tài liệu của mình có sức sống, truyền tải đến người xem."
Có thể nói, trong cuộc đời làm điện ảnh của mình, đạo diễn Nguyễn Thước đã góp một tiếng nói cho dòng phim tài liệu có lời bình, với những đề tài xã hội vẫn còn nguyên tính thời sự