(VOV5) - Ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, giúp khán giả thế giới hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gương mặt nổi bật của dòng phim tác giả thời kỳ đầu
Nhắc tới ông là nhắc tới những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam như “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hà nội Mùa đông 1946” “ Trở về ““Đừng đốt” v.v…...
Cùng với các bộ phim, ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, giúp khán giả thế giới hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình - một đất nước không chỉ có đạn bom, máu và nước mắt mà còn rất nhiều những khát vọng, sáng tạo, cùng những giá trị văn hóa ngàn đời. Ông là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh những ngày làm phim - Ảnh tư liệu/Nguồn: Báo Tuổi trẻ |
Tự nhận mình đến với điện ảnh muộn, không được đào tạo chuyên nghiệp mà phần lớn tự học, song ngay từ bộ phim “Thị xã trong tầm tay” (1983), đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã bộc lộ một cá tính nghệ thuật sâu sắc, thể hiện qua góc nhìn về chiến tranh, cách khai thác số phận con người đặt trong thử thách khắc nghiệt của thời đại, đặc biệt đi sâu vào đời sống nội tâm với bao dằn vặt, giằng xé giữa thiện và ác, cái trong sáng cao cả và cái tầm thường thấp hèn.
Một bộ phim về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bối cảnh chính là thị xã Lạng Sơn hoang tàn đổ nát bởi trận tấn công của kẻ thù năm 1979. Những khung hình chân thật giàu sức lay động, ám ảnh. Trên nền không gian - thời gian đó, những câu chuyện, những vấn đề thuộc về đời sống và nội tâm nhân vật được khắc họa đầy day trở. “Thị xã trong tầm tay” không chỉ là một tác phẩm về chiến tranh mà còn là câu chuyện của lòng người, của tình người trước thử thách mang tính bước ngoặt, hơn thế đó là câu chuyện mang tính thời đại, khi số phận cá nhân bị phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố như lý lịch và định kiến xã hội.
Sau thành công của “Thị xã trong tầm tay”, đạo diễn Đặng Nhật Minh xác định cho mình một hướng đi: “Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động”. Ông đã trung thành với nguyên tắc làm việc ấy cho đến bộ phim cuối cùng: “Ở nước ta cũng có nhiều đạo diễn tự viết kịch bản nhưng tôi là người triệt để hơn cả. Lý do tại sao tôi phải làm như vậy? Vì tôi nghĩ một bộ phim phải làm từ cảm xúc cá nhân, thể hiện dấu ấn cá nhân. Vậy nên không có cách nào khác là phải tự viết kịch bản. Tôi có thói quen khi có cảm xúc là trút luôn trên giấy thành truyện ngắn. Nếu viết kịch bản thì lâu lắm, mỗi lần duyệt một kịch bản mất 2-3 năm. Từ những truyện ngắn đó, khi có điều kiện tôi viết thành kịch bản phim”.
Diễn viên Lê Vân trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" |
Vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản, thậm chí nhiều bộ phim còn được chuyển thể từ chính truyện ngắn của mình – nét riêng ấy góp phần không nhỏ tạo sự thống nhất về mặt biểu đạt trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông nhấn mạnh: “Dấu ấn trong bộ phim là dấu ấn đạo diễn. Mặc dù có sự đóng góp của nhiều thành phần như diễn viên, quay phim, họa sỹ …vv.., nhưng người đạo diễn quyết định thành bại của bộ phim. Phim hay là do đạo diễn mà dở cũng là do đạo diễn, không thể đổ lỗi cho ai cả. Tôi muốn khi khán giả xem những phim do tôi đạo diễn, họ nhận ra đây là phim của Đặng Nhật Minh”.
Tài năng và nghiêm khắc – nghiêm khắc đến khắt khe, khắt khe với chính mình, đồng thời đòi hỏi rất cao ở người cộng tác, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng cười vui khi một quay phim trẻ tâm sự rằng: “mỗi lần làm phim với chú Minh đều phải gồng mình lên, căng mình lên, vì chú đòi hỏi rất cao”. Cũng vì đòi hỏi cao đó mà nhiều quay phim, diễn viên, họa sỹ khi cộng tác với ông đều được vinh danh qua những giải thưởng cá nhân tại các Liên hoan phim Quốc gia.
Làm phim để khẳng định cái đẹp
NSND Đặng Nhật Minh luôn quan niệm làm phim là để khẳng định cái đẹp. Nếu có nói đến mặt tiêu cực cũng là để tôn lên mặt tích cực. Ông đặc biệt quan tâm đến giá trị nhân văn của tác phẩm. Vì thế trong phim của ông ít xuất hiện nhân vật phản diện, mưu mô, thủ đoạn. Đa phần là những con người có bản tính lương thiện, tâm hồn trong sáng, cao thượng. Ví dụ như phim “Mùa ổi” (Năm 2000), nhân vật ông Hòa mang tính cách con người thuần khiết, tượng trưng cho cái thiện, bản năng thiện không bao giờ bị mất đi. Các nhân vật nữ trong phim của ông cũng vậy, giản dị giữa đời thường mà nhân hậu, vị tha. Ông quan niệm người phụ nữ hiện thân cho cái thiện, cái đẹp. Quan niệm ấy chi phối cách lựa chọn diễn viên của ông. Ông tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên, nhuần nhị, không phô trương.
Trong một thời gian dài, khi nền văn học nghệ thuật nước nhà rất lưu ý tới đề tài và nhiệm vụ phản ánh thì đạo diễn Đặng Nhật Minh lại không quan tâm lắm tới cái vỏ bề ngoài ấy. Ông có quan điểm rất rõ ràng là mình làm cái gì viết cái gì phải xuất phát từ mối quan tâm của chính mình, không làm theo sự quan tâm hay yêu cầu của người khác. Thế nên ông tránh được những phim theo trào lưu.
“Có một dạo tất cả đổ xô vào Nam làm phim về thành phố, nhất là sau khi Sài Gòn được giải phóng, với hy vọng bối cảnh đô thị lạ lẫm xa hoa sẽ hấp dẫn lắm. Thế thì tôi ngược lên Lạng sơn, làm phim “Thị xã trong tầm tay”. Khi người ta làm về thành phố tôi lại làm về nông thôn, như phim “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”. Khi người ta về nông thôn tôi lại ra thành phố, như các phim “Mùa ổi”, Trở về”. Cho nên tôi không bao giờ lặp lại mình, cũng không a dua theo trào lưu nào cả. Cảm xúc của chính tôi dẫn dắt cho tôi làm phim”. – Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức xứ Huế, người mẹ dịu dàng xinh đẹp mang dòng máu hoàng tộc, cha là bác sỹ cả đời theo đuổi sứ mệnh trị bệnh cứu người, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh còn một niềm khắc khoải, đó là chưa làm được bộ phim về cha của mình, giáo sư ĐặngVăn Ngữ. Song ông cũng tự an ủi, rằng kịch bản phim ông đã hoàn thành, coi như thực hiện một bộ phim trên giấy.
Cả cuộc đời làm nghệ thuật, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã vượt qua nhiều rào cản, không ngừng rèn giũa tài năng và vốn sống, khát khao thực hiện những tác phẩm mang vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ, hướng về Tổ quốc và nhân dân. Giờ đây, ở tuổi ngoài tám mươi, đi lại có phần chậm chạp, nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn, chính xác, ông tự nhận thấy mình đã có những đóng góp nhất định cho điện ảnh nước nhà nhưng số lượng phim ông thực hiện còn hơi ít (hơn 10 đầu phim kể cả phim tài liệu và phim truyện). Mong cho bộ phim “Hoa nhài” – bộ phim khép lại sự nghiệp đạo diễn của NSND Đặng Nhật Minh đang được một công ty tư nhân làm hậu kỳ - sớm hoàn thiện, đến với những người yêu điện ảnh.