(VOV5) -“Đào, phở, piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” là hai phim nhà nước đặt hàng bất ngờ thông báo tham gia cuộc đua phòng vé phim tết Giáp Thìn 2024 vào những ngày sát Tết.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Sau hơn 10 ngày công chiếu, những tưởng bị lép vế so với các bộ phim được quảng bá rầm rộ trước đó nhưng “Đào, Phở, Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đang trở thành hiện tượng lạ khi liên tục “cháy vé” trong những ngày qua. Thậm chí, vào một số thời điểm trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia ngừng hoạt động vì lượng khán giả truy cập mua vé tăng mạnh. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đã có một số rạp nhận phát hành phim "Đào, phở và piano" là Beta Media và Cinestar. Các đơn vị này nhận phát hành miễn phí và nộp toàn bộ doanh thu về cho Nhà nước.
Anh Trần Hùng cho biết: “Khi xem phim tôi thực sự quá xúc động, từng thước phim khắc hoạ giai đoạn lịch sử của quân dân Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến. Đào, phở, piano dễ dàng chiếm được cảm xúc của khán giả bởi kịch bản chặt chẽ, diễn xuất tuyệt vời của diễn viên".
Bối cảnh phim Đào, Phở và Piano |
Khán giả Phạm Thảo nói: “Khi xem mình thấy rất cảm xúc. Tình cảm thiêng liêng của những con người yêu đất nước khiến cho mình đồng cảm. Mình là người Hà Nội, là người Việt Nam, khi xem bộ phim về lòng yêu nước được làm một cách chỉn chu và tử tế thì sự đồng cảm đến rất dễ dàng, khẳng định là một bộ phim hay”.
Không thể mua vé phim “Đào, Phở và Piano” qua trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia, nhiều khán giả đã phải đến rạp từ sáng sớm để mua vé. Bộ phim đang trở thành đề tài nóng hổi trên các trang mạng xã hội, được khán giả đón nhận nhiệt tình bởi sự chỉn chu trong kịch bản và thông điệp bộ phim muốn truyền tải.
Có thể khẳng định “Đào, Phở và Piano” đã tạo nên hiện tượng chưa từng có đối với một bộ phim đề tài lịch sử do nhà nước đặt hàng. Theo Box Office Việt Nam, tính đến sáng ngày 20/2, phim thu về hơn 500 triệu đồng, một con số khá ấn tượng đối với một phim Nhà nước chiếu có bán vé tại một rạp duy nhất. Với 18 suất chiếu trong ngày và hơn 3.000 vé bán ra, tỷ lệ lấp đầy phòng chiếu của Đào, Phở và Piano rất lớn, đến 90% ở mỗi suất chiếu.
Theo ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, những ngày qua trung tâm phải liên tục nâng suất chiếu phim “Đào, Phở và Piano” để đáp ứng nhu cầu của khán giả: “Hiện nay do đang quá nhiều suất chiếu, đương nhiên trung tâm cũng tăng một số suất chiếu của phim "Đào, phở, piano". Cả hệ thống đang bị quá tải, nhiều suất chiếu và mỗi suất chiếu gần như full khách. Hiện nay đang full vé, trung tâm cũng tiếp tục có những giải pháp để tăng suất chiếu để phục vụ khán giả trong những ngày tới”.
“Đào, Phở và Piano” lấy bối cảnh trận chiến đông xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội. Câu chuyện theo chân chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và chuyện tình với nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh thủ vai).
Khi những người khác đã di tản lên chiến khu, họ quyết định cố thủ lại mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt.
Bên cạnh đó, bộ phim còn là câu chuyện của người họa sĩ già; vợ chồng ông bán phở đam mê cặm cụi, chú bé đánh giày luôn nhớ về ngày tháng cũ bình yên, ước ao có một chiếc mũ cảm từ quân.
Mỗi nhân vật mang theo một số phận, câu chuyện riêng. Điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh, cũng như cái chết đã đoán định.
Với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, phim không chỉ quy tụ dàn diễn viên thực lực như NSƯT Trần Lực, Doãn Quốc Đam, NSND Trung Hiếu, Thuỳ Linh… mà bối cảnh, phục trang còn được ê kíp đầu tư chỉn chu, nghiêm túc. Đoàn làm phim đã dành gần nửa năm để thi công, thiết kế một khu phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với các cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, toa tàu điện… cùng bối cảnh chiến lũy năm xưa. NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn bộ phim “Đào, phở, piano” và hoạ sỹ Viết Hưng, thiết kế mỹ thuật phim cho biết: “Những năm tháng qua, dựng cảnh trong phim bị mai một đi, chúng ta chọn những cái gì đó dễ dàng và rẻ tiền. Bộ phim này là sự đầu tư rất lớn của hãng và là tâm huyết của anh em thiết kế”.
“Khi chọn cảnh, chúng tôi đã đến rất nhiều nơi nhưng không có chỗ nào đáp ứng đủ, cả ê-kíp mới dẫn tới quyết định là phải dựng lại từ đầu, với một con phố khoảng 100 m2 từ một sa bàn mô hình tỷ lệ 1/40 lên tỷ lệ 1/1. Đây là thách thức cho tất cả ê kíp lẫn nhà sản xuất. Khi dựng lên một con phố lớn như thế thì trong khi làm có những lúc cần tới 60- 70 người”.
Đánh giá cao kịch bản cũng như tâm huyết của đoàn làm phim “Đào, phở và piano”, đạo diễn Đào Thanh Hưng cho rằng: “Đào, phở và piano thực sự là một bộ phim đẹp, một thiên anh hùng ca dành cho người Hà Nội. Bộ phim này không chỉ đầu tư về mặt bối cảnh mà tôi còn thấy đây là sự tâm huyết của cả ê kíp sản xuất mà đứng đầu là đạo diễn Phi Tiến Sơn, sự chỉn chu đến từ các bộ phận như đạo cụ, hóa trang, phục trang, khói lửa này... Về nội dung phim, đây là cách kể chuyện rất thông minh và mới mẻ, lấy 24 giờ để kể một câu chuyện phim trong ngày cuối cùng, những người cuối cùng trước khi Hà Nội hoàn toàn bị chiếm đóng. Những con người ấy bằng nhiều lý do đã chọn ở lại với Hà Nội, vì đơn giản đó là mảnh đất mà tất cả họ đều yêu thương, khiến cho người xem hồi hộp không biết là ai, hay là khi nào người nào sẽ phải nằm xuống”.
Phim hay là lý do đầu tiên để khán giả ra rạp, sau những tín hiệu vui của “Đào, phở và piano”, những bộ phim về đề tài chiến tranh, do Nhà nước đặt hàng hoàn toàn có thể tiếp cận rộng rãi đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Điều này còn cho thấy, người trẻ không thờ ơ với các đề tài lịch sử, chỉ cần các bộ phim điện ảnh được thực hiện nghiêm túc, chỉn chu và có cách tiếp cận mới lạ.