(VOV5) - Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang trong quá trình "chờ đợi" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm giữa vùng Kinh Bắc, tranh dân gian Đông Hồ mang giá trị văn hoá, lịch sử to lớn nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Tranh Đông Hồ sử dụng kỹ thuật in bằng ván khắc gỗ. Tính chất thủ công truyền thống thể hiện ở màu sắc. Nhằm lưu giữ, phát huy di sản mỹ thuật này, Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây phối hợp tổ chức chuỗi các hoạt động triển lãm và hội thảo để góp phần giúp nhanh chóng tiến trình hoàn thiện hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nằm giữa vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh Đông Hồ hội tụ tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị… Tranh Đông Hồ là một loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời, được cộng đồng người dân nơi đây sáng tạo, kết tinh, phát triển và tồn tại cho đến nay.
Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được các cấp, các ngành quan tâm khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện đang hoàn tất hồ sơ trình lên tổ chức UNESCO để được xếp hạng di sản văn hóa thế giới.
Ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Hiện nay hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ đang đi vào những giai đoạn cuối cùng để trình lên Hội đồng di sản Quốc gia thẩm định. Để làm hồ sơ này có rất nhiều hoạt động khác nhau. Thông qua triển lãm, hội thảo, tư vấn của chuyên gia trong và ngoài nước, chúng ta sẽ hoàn thiện hồ sơ về tranh dân gian Đông Hồ và trình lên Hội đồng di sản vào tháng 12/2019. Tất nhiên hồ sơ trình lên UNESCO sẽ mất thêm thời gian nữa nhưng chúng tôi nghĩ rằng thông qua những hoạt động này và sự quan tâm của công chúng đến hồ sơ này, chúng ta sẽ thành công khi trình lên UNESCO”
Tại Hội thảo Quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và UBND tỉnh Bắc Ninh, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh rằng đây là “dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất ở Việt Nam”. Tranh được in bằng tay và có thể sản xuất số lượng lớn. Giấy dó in tranh dai và bền, được phủ điệp tạo độ cứng xốp, màu sắc in tranh là màu tự nhiên.
|
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, trong chặng đường khôi phục lại và duy trì dòng tranh Đông Hồ cho đến hôm nay không thể không nhắc đến công của hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Quả. Đối với Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ông là người đã tìm mua và lưu giữ các bản khắc cổ từ các gia đình trong làng và cùng gia đình duy trì dòng tranh dân gian Đông Hồ. Nghệ nhân tâm sự: “Tôi nghĩ quan trọng nhất là đầu ra, nhà nước nếu quảng bá, thế giới biết đến, tìm về mua tranh chắc chắn dòng tranh Đông Hồ sẽ phát triển. Còn nếu để tự làm như gia đình tôi, vẫn phải cố gắng giữ lấy nghề nhưng không đảm bảo được đời sống. Cho nên khó khăn bây giờ ở chỗ làm thế nào Nhà nước quan tâm, động viên thì chắc chắn tranh Đông Hồ sẽ gìn giữ được”.
Đặt trong bối cảnh xã hội đương đại, theo ý kiến nhiều chuyên gia, tranh Đông Hồ có thể có những sự thay đổi nhỏ, phù hợp với thị hiếu hiện đại nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống cốt lõi. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, làng Đông Hồ chia sẻ thêm: "Hiện nay tranh dân gian Đông Hồ cũng có sự thay đổi nhưng thay đổi nhưng thay đổi ở mức độ như thế nào để không mất đi giá trị truyền thống là cần thiết. Và chúng ta thay đổi theo nhu cầu thực tiễn của xã hội. Ví dụ, tranh bây giờ các nhà treo khổ to hơn ngày xưa nên cần làm tranh to hơn... Vấn đề là các nghệ nhân phải kết tinh vào các sản phẩm, không mất đi những giá trị truyền thống”.
Toàn cảnh hội thảo |
Tranh dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường. Nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, đầu ra cho tranh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề cũ. Vì vậy việc bảo vệ giữ gìn nghề làm tranh dân gian là vấn đề cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Để mỗi dòng tranh có thể tồn tại trong xã hội đương đại, các gia đình làm tranh phải sống được bằng nghề đó. Chính vì vậy chúng tôi quan tâm đến việc tập huấn và bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng làng tranh. Đồng thời phối hợp với Bộ VH-TT-DL tuyên truyền về những giá trị đặc trưng của tranh để những người làm tranh sẽ luôn sống được bằng nghề”.
Các bước tạo nên bức tranh Đông Hồ |
Về lâu dài tỉnh Bắc Ninh cần phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp các tour tuyến du lịch văn hoá tâm linh và du lịch làng nghề. Đồng thời một số đại biểu cho rằng ứng dụng tranh Đông Hồ không phù hợp gây phản cảm, hiệu ứng mỹ thuật thấp, do vậy cần nâng cao vai trò công tác quản lý văn hoá trong các sản phẩm mỹ nghệ ứng dụng tranh Đông Hồ. Tin rằng với những nỗ lực hiệu quả và thực chất, dòng tranh dân gian này sẽ luôn được "sáng bừng trên giấy điệp" (thơ Hoàng Cầm).