(VOV5) - Nguyễn Thị Kim Hiền thuộc thế hệ những bạn đọc mà tuổi thơ từng được sống thấm đẫm trong bầu không khí nhân ái của những cuốn sách thiếu nhi Nga.
Dịch giả của mảng văn học Nga hiện đại hiện nay rất hiếm. Các dịch giả lớn tuổi đa phần chuyển sang công việc khác. Họ cũng thiếu thông tin về văn học Nga. Hiện nay một khó khăn nữa là có những tác phẩm chất lượng cao, dịch công phu thì lại khó bán. Dịch giả làm việc chủ yếu vì yêu văn học với mong muốn truyền bá văn học Nga về Việt Nam, bởi thực tế nhuận bút dịch rất thấp so với các công việc khác.
Trong cộng đồng người Việt có một tổ chức của các nhà văn nhà thơ, dịch giả có tên là Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga. Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch hội này cho biết: “Chúng tôi có một mảng giới thiệu văn học Nga đối với độc giả để giới thiệu những tác phẩm dịch từ văn học tiếng Nga ra tiếng Việt. Người có công đầu trong việc này là nhà thơ Hồ Quốc Vỹ. Người thứ hai là chị Nguyễn Thị Kim Hiền. Chị Hiền hiện nay là cây dịch số 1 của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.”
Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền |
Là người đã chuyển ngữ các tác phẩm nổi tiếng như “Trở về Eden” (của Rosalind Miles), “Vườn Thú Hollywood” (của Jackie Collins), “Tiếng cười trong bóng tối” (của Vladimir Nabokov), “Sonechka” (của Ludmila Ulitskaya), Pháo đài trắng của Orhan Pamuk, giải Nobel năm 2006, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền vốn tốt nghiệp Đại học sư phạm Lipetsk, Liên bang Nga, hiện làm việc biên dịch, hiệu đính ở Đài phát thanh tiếng nói nước Nga. Chị thường dịch cho Trang văn học của các tạp chí tiếng Việt ở Nga như Đất nước, Người bạn đường và có thời gian còn kiêm nhiệm nhiệm vụ trực trang thường trực cho tạp chí Người bạn đường của hội:
"Công việc dịch thuật là việc làm mà tôi yêu thích và đã làm từ thời mới tốt nghiệp. Ở trường Đại học sư phạm Xuân Hòa thì tôi đã có truyện dịch đăng ở tạp chí Sáng tác mới của Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phú. Sau đấy, quyển tiểu thuyết đầu tiên mà tôi dịch và được xuất bản ở Việt Nam là Trở về Eden ( cùng Lê Xuân Sơn và Trần Quang Sơn). Sang Nga tôi vẫn tiếp tục dịch. Có lần bác Thúy Toàn sang nghe tin có một cô dịch Nobokov - là một nhà văn có tác phẩm hay nhưng chưa được dịch ở Việt Nam nên tôi đã mày mò dịch - Không hiểu sao bác Thúy Toàn Bác biết rồi tìm đến. Tôi có nói với bác sách này rất là hay nhưng khó lắm, cần phải có sự hỗ trợ của chuyên gia Nga. Bác Thúy Toàn liên hệ với trường xin cho tôi vào học khóa nâng cao trình độ, nghĩa là lớp dành cho các nhà văn đã có tên tuổi rồi nhưng người ta muốn học thêm. Tôi học hai năm dịch dịch được tác phẩm "Tiếng cười trong bóng tối" của Nabokov, lần đầu tiên xuất bản trên Tạp chí văn học nước ngoài, sau đấy Nhà xuất bản Văn học in lại." - Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền chia sẻ.
Mảng văn học Nga đã thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng có thời gian bị chững lại. Kim Hiền thuộc thế hệ những bạn đọc mà tuổi thơ từng được sống thấm đẫm trong bầu không khí nhân ái của những cuốn sách thiếu nhi Nga. Những Timua và đồng đội, thôn Tiểu Bắc. Đẩu cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karich và Valia….nhưng rồi có một thời gian dài văn học thiếu nhi Nga nói riêng và cả nền văn học Nga nói chung ít được giới thiệu ở Việt Nam. Nguyễn Kim Hiền kể, điều chị trăn trở là độc giả cũng thiếu cả những thông tin về văn học Nga.
|
Trong số những sách Kim Hiền đã chuyển ngữ, nếu cuốn cá sấu Ghana và các bạn được giới báo chí trong nước coi như việc mở đầu cho sự trở lại của dòng văn học thiếu nhi Nga từng vang bóng một thời ở Việt Nam thì cuốn Sonechka của Ludmilla Unichskaia do chị dịch cũng được coi như đánh dấu sự trở lại của văn học hiện đại Nga Việt Nam: "Tôi rất yêu văn học Nga. Khi đọc được quyển gì hay thì rất muốn chia sẻ với người khác với những người không biết tiếng Nga ở trong nước, cho nên cứ bỏ công dể dịch" - Chị nói.
Gần đây nhất, chị cùng dịch giả Phan Xuân Loan đã dịch tác phẩm văn hoc đương đại Nga Nhật ký mẹ chồng (của Maria Metlitskaya, do NXB Phụ nữ ấn hành). Nguyễn Thị Kim Hiền nói chị rất mừng khi có một số nhà xuất bản, công ty truyền thông, nhà sách Việt Nam rất quan tâm đến mảng văn học Nga. Hiện có một số lượng lớn tác phẩm đáng dịch và giới thiệu, dù lượng dịch giả văn học Nga không còn nhiều nhưng chị vẫn tin rằng văn học Nga sẽ khởi sắc tại Việt Nam, bởi đó vẫn luôn là một nền văn học lớn đầy tính nhân bản.