Dịch giả Trần Thiện Đạo - Người đồng hành với sự hoàn mỹ của việc dịch thuật

Nhà phê bình - dịch thuật Trần Thiện Đạo sinh 1933, sống và làm việc tại Paris, Pháp. Ông còn có bút hiệu khác là Trần Mai Lan, (Mõ Làng Văn -tên chung với nhiều nhà văn khác-) từng là một trong những cây bút chính của Tạp chí Văn (tạp chí xuất hiện từ 1964-1975). Tạp chí này là một bán nguyệt san văn học có vị trí khá quan trọng trong sinh hoạt văn học miền Nam tại Sài Gòn. Trần Thiện Đạo đã dịch nhiều tác phẩm quan trọng của các tác giả văn học hiện sinh như  Albert Camus, Jean Paul Sartre và nhiều tác giả khác. ..đồng thời ông cũng viết nhiều tiểu luận, phê bình rất sắc sảo. Nhớ lại thời làm báo Văn, ông cho biết: “Tạp chí Văn thu hút mọi đường hướng văn học, không phân biệt nhờ “tinh thần trung lập và thái độ cởi mở, nhắm tới thành phần độc giả ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ, tiêu chí mà ban biên tập đã tự mình đặt ra ngay từ đầu. Vì thế nên có rất nhiều độc giả. Làm nên tờ Văn là anh Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao hơn là tôi. Nhiệm vụ chính của tôi là lo một vài số đặc biệt về nhà văn này hay nhà văn khác, và cũng chuyên về các nhà văn Tây Âu.”

Dịch giả Trần Thiện Đạo - Người đồng hành với sự hoàn mỹ của việc dịch thuật  - ảnh 1
Những năm tháng qua, tuy ở Pháp, nhưng Trần Thiện Đạo vẫn theo dõi tình hình dịch thuật trong nước và tham gia một số hoạt động văn học ở Việt Nam. Ông đã viết nhiều bài phê bình về hoạt động dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, cũng như có nhiều sách khảo cứu được in ở quê nhà.
 
Phải nói rằng, sống và học ở Pháp, đắm mình trong môi trường văn hóa Pháp, Trần Thiện Đạo đã tự vạch cho mình một con đường thẳng lý tính, là cách phê bình thẳng thắn, sự phản biện khoa học cần thiết không xa lạ với văn hóa Tây phương, nhưng dễ làm mếch lòng những người đã quen với cách thức phê bình đầy cảm tính trong đời sống văn hóa Việt lâu nay. Ví như, sau khi chỉ ra những sai sót (rất dễ bị cho qua) về cách dịch từ một bài báo thể thao của Pháp ra tiếng Việt, Trần Thiện Đạo khẳng định: “Trở lên trên là mấy sai sót vạch ra từ năm ba câu dịch, trích trong bài luận ngắn của một nhà văn Pháp không bình dân cũng không cầu kì, không dễ hiểu cũng không lắt léo. Các sơ hở này cho thấy dịch văn là một công việc trần ai, đòi hỏi ở đương sự rất nhiều công sức và kiến thức. Ngoài việc phải thông thạo và sành sỏi ngoại ngữ, chớ không chỉ biết nó là đủ. Một dịp để chúng ta suy ngẫm về tình trạng dịch thuật hiện hành”.

Trần Thiện Đạo là một dịch giả hết sức khắt khe với chính mình cũng như với công việc dịch thuật nói chung, bởi với ông, dịch nghĩa là phải tôn trọng tác giả, tôn trọng văn phong đặc thù của từng nhà văn: “Tôi quan niệm một dịch giả là một con khỉ - con khỉ với cái nghĩa nếu tác giả văn phong như thế nào, thì tôi phải dịch cho ra đúng văn phong như thế.  Diễn lại không chỉ đúng hành động, tư tưởng của tác giả, mà còn phải đúng cả trong cái bầu không khí của thời tác phẩm được viết ra. Ví dụ như khi tôi dịch Albert Camus, một nhà văn vốn có văn phong hết sức thu hút độc giả. Nhưng thời ông còn trẻ, có lúc ông viết những câu văn hết sức lủng củng. Cái khó của người dịch như tôi thời đó, là cũng phải cố tình dịch lủng củng giống như nguyên bản. Thành ra, khi tôi đọc một số bài phê bình nói: Dịch giả dịch hay, dịch có dấu ấn của mình... -  Nói như thế, với tôi, là không đúng! Nếu có dấu ấn nào chăng, thì đó phải là dấu ấn của tác giả, chứ không thể là dấu ấn của dịch giả. Dịch giả phải là người phục vụ tác giả, chứ không phục vụ mình. Thành ra đức tính quan trọng nhất của người dịch giả là: khiêm tốn, phải biết giấu mình trong tác phẩm được dịch.”

Đọc các tác phẩm Pháp dịch sang tiếng Việt thời gian gần đây, Trần Thiện Đạo nhận xét nhìn chung số người dịch hay, chính xác vẫn chỉ chiếm thiểu số. Phần đông dịch giả thường là dịch theo kiểu sát từng chữ. “Nếu đúng ý thì không thành vấn đề, nhưng có nhiều câu họ dịch không đúng ý hoặc dịch sai ý.” 

Không sợ mếch lòng người dịch, để người đọc, may ra, có thể có niềm vui với những bản dịch thực sự tốt, Trần Thiện Đạo không ngại là quả cầu gai phê bình, khi dọn vườn cho công việc dịch thuật tiếng Pháp. Như ông đã từng một lần trả lời báo chí “Bởi vì nếu chúng ta thường xuyên làm tròn sứ mạng của nhà phê bình, thì nói riêng về ngành dịch thuật, chắc đã không thể có mặt trên thị trường chữ nghĩa xứ này, loại sách dịch cẩu thả và sai bét”.


Tác phẩm Trần Thiện Đạo
Xuất bản trước 1975

Trên dưới 10 tác phẩm (tiểu luận, phê bình, dịch thuật)
Xuất bản sau 1975
Sa đọa, Giao cảm bề trái và bề mặt (Albert Camus), Kín cửa (Jean – Paul Satre), Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc (cảo luận), Cửa sổ văn chương thế giới (tiểu luận, phê bình), Văn nghệ - Những nụ cười giòn, Văn nghệ - Những tiếng cười giòn, Cái tật khôn chừa..




Phản hồi

Các tin/bài khác