Heidi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Johanna Spyri (1827 - 1901), một cây bút văn học thiếu nhi Thụy Sĩ.
Khi quyết định chuyển ngữ Heidi, dịch giả Nguyễn Bích Lan thực sự mong muốn đi tìm những món quà ở-trẻ-thơ; với chị, cuốn sách không chỉ “dành cho trẻ em” mà ngược lại, chính nhân vật cô bé Heidi đã trao tặng chị, tặng bạn đọc biết bao món quà đáng giá: cái nhìn sáng trong, chẳng vướng vào định kiến; niềm nhiệt huyết, quyết tâm khi bắt tay làm mọi sự; tính trung thực... và đặc biệt, lòng tin – lòng tốt. Từng lời nói, từng hành động của cô bé ấy như đều ẩn chứa năng lượng vui vẻ, khả năng xoa dịu, có thể chữa lành đâu chỉ cho bạn bè đồng trang lứa mà còn cho người lớn, người già, cho cả người thành đạt lẫn người từng thất bại.
Mở đầu tác phẩm, chúng ta mau chóng bắt gặp hình ảnh bé Heidi rất hiếu động, yêu tự do: “Thế rồi Heidi bỗng ngồi thụp xuống, cởi phăng đôi giày ống và tất khỏi chân. Nó tháo chiếc khăn choàng màu đỏ dày cộp ra, tiếp đến cởi cúc chiếc váy đẹp nhất của mình […] Nó cởi cả hai chiếc váy, đứng đó với độc chiếc váy lót trên người, vẫy vẫy tay trong không khí đầy vui thích. Sau đó, nó xếp váy áo thành một đống gọn gàng rồi chạy nhảy tung tăng theo Peter và đàn dê”. Dường như hành động đó gợi đến mong muốn trút bỏ “gánh nặng” – có như vậy con người mới được nhẹ nhõm theo đuổi niềm vui, niềm hạnh phúc. Ắt hẳn độc giả sẽ cảm thấy ấn tượng với cảnh dì Detie mắng mỏ Heidi: “Heidi, mày làm cái quái gì thế hả? Trông bộ dạng của mày kìa! Mày đã làm gì với những cái váy? Khăn đâu? Và còn đôi giày ống dì mới mua cho mày để đi tới đây, với đôi tất dì đã đan cho mày nữa?” song cô bé vẫn bình thản trả lời: “Cháu không cần chúng”.
Cũng trong chuyến đi của dì Detie nhằm mục đích trả Heidi cho ông nội (bác Alp), bằng một cách gián tiếp chúng ta đều biết ông là người đầy bí ẩn và khó tính:
“Thế rồi một hôm chúng tôi nghe nói ông đã bỏ lên núi sống, không xuống dưới này nữa. Ông thực sự đã ở trên núi từ ngày đó đến nay, như người ta nói, vì bất hòa với Chúa và con người”.
Nhân vật bác Alp gợi cho độc giả cảm giác “sờ sợ”, nhưng Heidi thì chẳng hề tỏ ra run rẩy, hoang mang, em “chạy thẳng tới chỗ ông và chìa bàn tay nhỏ bé ra” để nói lời chào: “Chào ông nội”. Khi trí óc lẫn tâm hồn không bị đóng khung, Heidi thoải mái làm quen với người ông sau nhiều năm xa cách, nhanh nhẹn khám phá môi trường sống mới, thậm chí còn hăng hái giúp ông sửa soạn bàn ăn tối. Ngay trong đêm đầu tiên mà Heidi ngủ trên núi, hình ảnh cô bé đáng yêu, bình an như thiên thần đã khiến tâm trí tưởng chừng cằn khô của bác Alp bỗng chốc được tưới mát: “Nó ngủ say dưới lớp ‘chăn’ dày, một bên má hồng áp vào bàn tay nhỏ mũm mĩm, và với vẻ hạnh phúc ngời ngời trên khuôn mặt ngây thơ của nó ông đoán chắc hẳn nó đang mơ một giấc mơ đẹp”.
Đời sống trên núi cao khó khăn đủ bề, nhưng Heidi chưa bao giờ coi đó là sự thiếu thốn, khắc nghiệt – cô bé luôn hướng đến những điều sẵn có, tự nhiên mà theo cô thì thật đủ đầy, tươi mới. Heidi chạy ào lên đồng cỏ với Peter (cậu chăn dê), ngồi xuống giữa thảm hoa “hà hít mùi thơm”, bắt đầu ghi nhớ tên từng con dê tinh nghịch, rồi tới buổi chiều tà cô bé đắm chìm vào “đám cháy” hết mực huy hoàng: “Đó là cách mặt trời tạm biệt những ngọn núi…”
Dịch giả Nguyễn Bích Lan (bên phải) giới thiệu về cuốn Heidi tại sân khấu Hội sách Hà nội. - Ảnh: Nam Huy |
Càng đọc truyện thì chúng ta càng hiểu rằng, dĩ nhiên, Heidi không chỉ trải nghiệm mà em còn hòa nhập, kết thân, tạo nên bao nhiêu mối dây gắn bó – với cảnh vật, với con vật, và con người. Hẳn ai cũng sẽ nhớ cảnh bầy dê chen chúc đua nhau chạy lại chỗ Heidi, nhớ chi tiết Heidi hứa cho Peter phần ăn của cô bé miễn là cậu không được đánh con Finch, con Bông Tuyết hay bất cứ con dê nào, hay nhớ phân đoạn cô bé thấp thỏm đi thăm người bà già yếu, mù lòa của Peter:
“Heidi thích đi thăm ai đó lắm, vậy nên sáng hôm sau điều đầu tiên nó nói là, ‘Ông ơi, hôm nay cháu phải đi thăm bà của Peter. Bà đang mong cháu đến...’”
Chính khi trao gửi tình yêu thương trong sáng, không bị giới hạn, Heidi đồng thời khiến cho mọi vật, mọi người ở miền núi cao quấn quýt lấy em, cũng như khiến mọi người có sự kết nối lẫn nhau đầy ấm áp:
“Hãy đợi cháu kể với ông cháu về bà nhé. Ông sẽ giúp bà nhìn được đấy, và ông sẽ sửa nhà cho bà...”
Chẳng có ai nghĩ rằng bác Alp gai góc, lạnh lùng lại lặng lẽ xuống núi, xắn tay sửa nhà giúp gia đình Peter; kể từ bấy những tin đồn như lớp sương mờ đáng sợ bao quanh nhân vật cũng dần tan.
Lối sống trên núi cao thay đổi tươi sáng hơn nhờ Heidi, và ngược lại em vô cùng hòa hợp với nơi đây. Vì thế, một ngày kia – khi bị tách khỏi ông nội, bị đưa đến sống trong “ngôi nhà đẹp nhất nhì Frankfurt”, Heidi lập tức trở nên rầu rĩ, chán chường:
“Ở đây cháu không thể nhìn thấy mặt trời chào tạm biệt những ngọn núi. Nếu con đại bàng bay tới Frankfurt thì nó sẽ kêu to hơn vì chỗ này có nhiều người sợ hãi và cáu kỉnh”.
Dẫu sống trong dinh thự bề thế, sinh hoạt theo kiểu quý tộc, và có tiểu thư Clara tốt bụng làm bạn, Heidi vẫn chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thiên nhiên khoáng đạt, nỗi nhớ gia đình trên núi; thậm chí cô bé đã rơi vào cơn mộng mị vật vã, dai dẳng. Hình ảnh những ổ bánh mì trắng – tiêu biểu cho bữa ăn thượng lưu – mà Heidi lặng lẽ để dành cho người bà trên núi lên mốc xanh mốc đỏ, bị Rottenmeier cô quản gia nghiệt ngã quẳng đi gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Bữa ăn chỉ để lấp đầy dạ dày, các phép tắc cứng nhắc, sự tương tác và tình cảm dường như mốc meo!
May thay, nhờ vị bác sĩ và ngài Sesemann, Heidi đã được trở lại nơi em vốn thuộc về. Có một chuyến đi “đảo ngược”: Những con người quen sống đủ đầy ở thành phố, không thiếu bất cứ vật chất tiện nghi nào, lần lượt theo Heidi lên thăm vùng núi “khó khăn”. Tại đây, họ ngỡ ngàng trước vòng tay tươi đẹp, hào phóng của Mẹ Thiên nhiên, qua lời bác sĩ: “Đây chắc chắn là một nơi tuyệt vời cho những người bị bệnh tinh thần cũng như bệnh thể chất...”, hoặc lời bà của Clara: “Chào bác Alp thân mến! Tôi không thể tưởng tượng ra nơi nào đẹp hơn. Một ông vua cũng phải ghen tị với bác đấy”. Chúng ta có thể kể đến phép màu kì diệu nhất mà thiên nhiên cũng như tình yêu thương đem lại trong cuốn sách: Cô bé Clara phải ngồi xe lăn từ nhỏ dần dần chập chững bước đi...
Không lấy làm lạ khi các độc giả đọc một mạch tác phẩm này, dù cách hành văn hết sức mộc mạc song những câu chuyện nho nhỏ diễn ra trên nền phong cảnh thiên nhiên Thụy Sĩ vẫn lan tỏa lòng tin, cảm xúc tốt lành hơn bao giờ hết.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển ngữ cuốn sách duy trì sức sống suốt hơn 100 năm này (chỉ riêng tiếng Anh đã có 13 bản khác nhau, từ năm 1882 – 1959), và chuyển thể thành phim, kịch, trò chơi điện tử v.v.
Buổi giao lưu với dịch giả Nguyễn Bích Lan diễn ra vào 19h-21h, thứ Bảy, 7/10/2023, tại sân khấu Hội sách Hà Nội nhân dịp ra mắt sách Heidi. Heidi là một tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển, đã được xuất bản ở Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng khi bản dịch của dịch giả Nguyễn Bích Lan được phát hành, nó vẫn tạo nên một "cơn sốt" lớn. Thông điệp lớn nhất mà dịch giả muốn gửi gắm thông qua cuốn sách này, chính là thông điệp CHỮA LÀNH, điều mà rất nhiều độc giả ở Việt Nam đã và đang nhin thấy ở cuộc sống của dịch giả Nguyễn Bích Lan - một mẫu hình chữa lành đời thực, việc thực. Sách vừa có lệnh phát hành đã được lệnh in nối bản, riêng dịch giả Nguyễn Bích Lan đã ký tên trên gần 1000 đầu sách để gửi tới dịch giả cả nước.
Tham gia Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023 tại phố đi bộ Hà Nội, Nxb Phụ nữ Việt Nam trình làng nhiều sách mới, cùng những chính sách giảm giá, quà tặng độc giả.