Hai tuyển tập truyện ký có tên Giữa những cơn dâu bể của tác giả Nguyễn Huy Hoàng (người Việt ở LB Nga), do NXB Thông tin và truyền thông ấn hành vừa ra mắt bạn đọc Việt.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
“Gặp cơn bình địa ba đào” là câu 3065 của kiệt tác Truyện Kiều nói về cảnh Kim, Kiều tái ngộ, hồi tưởng lại quãng thời gian mười lăm năm Kiều phải trải qua biết bao nhiêu khổ nạn. Câu “bình địa ba đào” chuyển nghĩa ra tiếng Việt giống như một thành ngữ tương đương là “đất bằng nổi sóng”.
Hơn một thập kỷ, xuyên suốt những năm cuối cùng của thế kỷ XX, được gọi là thời kỳ hậu Xô Viết; và gần một phần tư thế kỷ XXI, ở thủ đô Moskva, tôi đã sống và cũng phải đối mặt thường xuyên với những cơn ba đào dữ dội, khó lường của xã hội Nga.
Vắt qua hai thế kỷ, trải qua hai thể chế, tôi được chứng kiến bao cảnh “thương hải tang điền” diễn ra trên đất nước Nga, nơi tôi hằng yêu mến, nơi tôi gắn bó với chuyên môn văn học suốt cuộc đời.
Tôi có mặt ở thủ đô Moskva trước và sau khi nước Nga rơi vào cảnh hỗn loạn, bất an, vô pháp, đang mất phương hướng, bế tắc và người lao động bị bần cùng hóa từng ngày trước thảm họa Liên Xô tan vỡ.
Tôi đã gặp những người Nga hiền lành, nhân hậu; gặp những người dân Nga quẫn bách, bần cùng và bất lực, khi họ mất vị thế chủ nhân của một cường quốc rộng lớn nhất nhân loại.
Tôi đã được học những bậc thầy đáng kính ở trường Đại học Tổng hợp Moskva; đã có những bạn đồng môn, những đồng nghiệp chân tình trong công việc và cuộc sống thường ngày. Tôi đã được gặp gỡ những yếu nhân, danh nhân, những người Nga nổi tiếng mà trước đây tôi không dám nghĩ đến, ngay cả trong mơ.
Tôi đã đi rất nhiều miền đất của nước Nga, được tận mắt nhìn ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, thấu hiểu một cách sâu sắc tâm hồn Nga, tính cách Nga qua những tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Và tôi đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng, về sự hùng cường của nước Nga vĩ đại; gửi gắm tình yêu sâu nặng vào một cường quốc văn hóa mà nhà văn Pauxtovxki đã khẳng định, là trên thế gian này không nơi nào sánh nổi.
Tôi được sống trong lòng cộng đồng Việt Nam ở Liên bang Nga - một xã hội Việt Nam thu nhỏ, là kết quả của mối tình hữu nghị Việt Nga. Trong suốt hơn ba lăm năm qua, tôi cùng gắn bó, sẻ chia, đồng cam, cộng khổ với những người Việt kiếm sống ở xứ người.
Mỗi một người Việt trong hành trang của mình đến miền băng tuyết mưu sinh, đều mang theo những giá trị, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc. Trong suốt nhiều năm qua, có những người Việt đã rất thành đạt bằng lao động, trí tuệ và nghị lực của mình, có quyền ngẩng cao đầu trong cuộc hội nhập với xã hội Nga; nhưng cũng có rất nhiều số phận vẫn ba chìm, bảy nổi, không vượt qua được ngọn sóng trầm luân trong kiếp tha hương.
Những tác phẩm truyện, ký của tôi viết về những con người và thời giông bão đó.
Tôi chọn tên Tuyển tập văn xuôi là “Giữa những cơn dâu bể” như muốn nói lên rằng, tập truyện của tôi là mảng hiện thực về cảnh vật đổi, sao dời của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, và tác giả là một chứng nhân, là người trong cuộc.
Tôi tin rằng, những ai đã từng sống, làm việc, thậm chí là đi qua nước Nga vào những tháng năm đầy bất trắc đó, đọc những trang viết này, sẽ hình dung lại được một thời dữ dội đã qua đi, sẽ bắt gặp đâu đó trong cuốn sách này bóng dáng của mình, hay những người từng quen biết.
Hình ảnh xám xịt thời ly loạn ba chục năm trước của nước Nga đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó, là hình ảnh nước Nga ngày nay mạnh mẽ, cường thịnh, có một vị thế và tầm vóc mới. Tập truyện ký của tôi, dường như là một sự đối chiếu hai thời kỳ, để bạn đọc thấy tin tưởng hơn vào tương lai của nước Nga.
Sau bao nhiêu mùa băng tuyết, đã trải qua một chặng đường rất dài đầy nghiệt ngã đắng cay của một đời người, giờ đây, dường như những thử thách vẫn còn phía trước, và tôi tiếp tục phải gánh chịu trên vai cây thánh giá của số phận mình.
Tôi đã vượt qua cuộc “khổ nạn tích lịch trình”, vượt qua con đường đau khổ bằng sự băng bó của thời gian, bằng phương thuốc chịu đựng âm thầm và bằng niềm tin đau đớn.
Lật từng trang sách, như thể ngoái đầu nhìn lại, tôi có ý nghĩ rằng, mấy chục năm qua, mình đã ra khơi trên một chiếc thuyền nan mỏng mảnh, vượt qua bao sóng cả, đến lúc này thấy bãi biển, nương dâu, vẫn chưa tin là đã đến được bến bờ.
Tôi mượn nỗi niềm đau đáu của nàng Kiều để nói lên tâm sự của mình:“Hơi tàn được thấy gốc phần là may”(Truyện Kiều, câu 2588)