(VOV5) - Các bức ảnh hết sức thú vị, ẩn chứa những góc nhìn độc đáo trong cuốn sách, hoàn toàn được Minh Phạm chụp bằng iPhone.
Cuốn sách ảnh Hanoi, Hanoi của tác giả Minh Pham và Paola Boncompagni sẽ ra mắt vào hồi 16:30 ngày Thứ Bảy, 18/6 tại Chula Fashion House (số 43 phố Nhật Chiêu, Hà Nội). Sách do NXB Thế giới ấn hành.
Bức ảnh được chọn làm bìa cuốn sách, chụp cháu Trang của tác giả, khi hai chú cháu đến quán này tại Hà Nội. Cô gái hiện đại nhìn lên bức tranh cổ động trên tường, như có một sự kết nối từ hiện tại về quá khứ. |
Những bức ảnh được chụp khoảng từ năm 2016, trong những chuyến thăm ngắn ngày Hà Nội, khi Minh Phạm còn sinh sống tại Myanmar và sau đó tại Philippines. Cách đây một năm rưỡi, anh về sống tại Hà Nội, có thể chụp nhiều hơn những hình ảnh cuộc sống nơi đây.
Các bức ảnh hết sức thú vị, ẩn chứa những góc nhìn độc đáo trong cuốn sách hoàn toàn được Minh Phạm chụp bằng iPhone. Paola Boncompagni là người giúp chọn ảnh và dịch chú thích ảnh ra tiếng Italia. Mỗi chú thích ảnh trong sách đều bằng ba ngôn ngữ : tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Italia.
Toàn bộ số tiền bán cuốn sách ảnh “Hanoi, Hanoi” sẽ được dành tặng cho các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. Tác giả Minh Phạm trả lời phỏng vấn VOV5 nhân sự kiện này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Tác giả Minh Phạm cùng vợ và con đỡ đầu (gốc Việt, được một gia đình Italia nhận nuôi) - Ảnh NVCC |
PV: Thưa anh, tại sao lại là một cuốn sách ảnh mà không phải là một triển lãm ảnh vậy?
Minh Phạm: Lý do rất giản dị. Tôi chụp ảnh với một cái máy điện thoại iphone, thành ra không thể nào làm những tấm ảnh thật lớn để triển lãm được. Hai là, cuốn sách là một cơ hội để chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Còn triển lãm thì khó có thể dời từ bên Italia qua Việt Nam hay Mỹ chẳng hạn. Trong khi đó, một quyển sách là một món quà, hay là một biểu tượng của những hình ảnh mà tôi đã nhìn trong những năm qua.
PV: Cuốn sách có tên là "Hanoi Hanoi"... Anh có thể kể câu chuyện Hà Nội, Hà Nội được bắt đầu như thế nào?
Minh Phạm: Có hai chữ Hà Nội Tôi muốn nhìn lại một Hà Nội với một con mất mới của người mới trở về Việt Nam. Tôi muốn nhìn kỹ Hà Nội qua con mắt đó trước khi tôi quen với những hình ảnh đó và sẽ quên, không còn chú ý được những khía cạnh, những chi tiết của đời sống hàng ngày của Hà Nội. Còn Hà Nội thứ hai là để tìm về, hoài niệm cuộc sống của bố mẹ tôi vốn gốc ở Hà Nội. Tôi muốn tìm lại cuộc sống của họ. Tôi cũng muốn tưởng tượng lại Hà Nội mà bố mẹ tôi đã sống những năm về trước.
Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc "ăn trộm nhân vật" quý giá được lưu giữ lại - Ảnh: Một trang trong Hanoi Hanoi của Minh Phạm |
PV: Anh nhắc về Hà Nội của bố mẹ anh. Ký ức Hà Nội thời của bố mẹ, anh còn nhớ một chút nào không? Nó như thế nào khi anh ra đi?
Minh Phạm: Rất là ít em ạ. Ký ức của tôi chỉ nhớ những cái tên đường, những món ăn, những cái tên của họ hàng ở Hà Nội. Và bao nhiêu năm sau đó tôi mới tìm lại được những con đường đó, những khu phố đó, những món ăn đó ở Hà Nội. Thành ra quyển sách đó có hai tên: Một Hà Nội mới qua con mắt của tôi. Một Hà Nội cũ được nhìn lại qua hoài niệm cũ của bố mẹ tôi
PV: Qua cách nhìn lại anh có sự kết nối gì giữa kỷ niệm cũ với hiện tại bây giờ không? Nó khác thế nào ở trong ký ức của anh?
Minh Phạm: Tôi nghĩ là Hà Nội không thay đổi nhiều trong những năm qua, nếu mình nhìn về khung cảnh thành phố Hà Nội. Nếu mình nhìn quá lầu một, nhìn lên lầu 2 thì mình nhìn thấy Hà Nội nguyên vẹn của những năm trước không thay đổi. Sự thay đổi chỉ có ở mặt tiền, trên những con đường thôi. Còn về con người, thì... tôi trở về Hà Nội với ý định là tìm hiểu cái gốc của mình qua con mắt của người Hà Nội. Và đây vẫn là một quá trình đi tìm hiểu. Con đường vẫn còn dài. Tôi chỉ mới ở đây được hơn 1 năm rưỡi. Nên tôi rất mong được thêm cơ hội tìm hiểu Hà Nội đó.
Một trang trong Hanoi Hanoi của Minh Phạm |
PV: Xin trở lại thời gian trước đây một chút, bởi vì anh đã có một cuốn sách ảnh trước cuốn sách này. Anh đã đến với việc chụp ảnh bằng iphone và kể chuyện bằng hình ảnh qua hai cuốn sách ảnh này như thế nào?
Minh Phạm: Hai vợ chồng tôi ở Myanmar từ năm 2016 đến 2019. Tôi vốn chưa bao giờ học chụp ảnh. Nhưng chúng tôi lúc đó rất thích khám phá xem đời sống ở Myanmar như thế nào. Chúng tôi đi lại rất nhiều. Tôi cứ chụp hình thôi. Sau 1 năm - 1 năm rưỡi ở đó, vợ tôi (tên là Stefania - pv) mới nói: gom lại đi, làm một quyển sách chứ đừng bỏ như vậy . Tôi nói rằng làm sao tôi có thể làm sách được? Chưa bao giờ tôi làm một quyển sách ảnh. Cũng may vợ tôi khuyên, cố vấn cho tôi, sau hai năm trời thì quyển sách về Myanmar ra đời. Tiền bán quyển sách Mosaic Myanmar để dành cho những người mẹ đơn thân ở bên đó, những người vốn có cuộc sống rất kham khổ. Quyển sách trắng đen, khổ nhỏ vì một lý do kỹ thuật đơn giản: là không thể nào làm ảnh lớn hơn được. Từ đó tôi tiếp tục dùng khổ ảnh này trong cuốn sách Hanoi Hanoi.
Những bức ảnh đó nói lên một khía cạnh, một cách nhìn về đời sống của Myanmar hay đời sống của Hà Nội. Việc chụp ảnh ngoài đường cũng như là mình đi "ăn trộm" vậy. Mình chụp tấm hình đó, đem về nhà mình dùng thì như "đi ăn trộm" mình phải tránh lên tiếng, phải kín đáo, phải ăn nói nhỏ nhẹ để cho họ không biết là mình chụp ảnh của họ. Tôi "ăn trộm" hình ảnh của họ, "ăn trộm" luôn cả khoảnh khắc thời gian đó. Tôi giữ khoảng thời gian đó, đưa lại trong quyển sách. Sự liên hệ của tôi với hình ảnh đó ở cách mà tôi tưởng tượng về cuộc sống của họ. Khi tôi nhìn thấy cái ảnh đó tôi không biết là chị đó, bé đó hay bà đó đang nghĩ gì, lo về việc gì. Tôi tưởng tượng ra một sự đối thoại giữa tôi và người đó. Từ đấy tôi đặt tên cho hình ảnh, nhiều khi liên hệ tới đối tượng được chụp hay nhiều khi cũng không. Thí dụ một bức ảnh, hôm Tổng thống Mỹ Biden vừa đắc cử. Tôi vừa mới ra khỏi nhà ở Hà Nội, thì thấy một cô gái đang ngồi trên lề đường, đang nói chuyện rất vui. Lúc đó khoảng 6 rưỡi sáng mà cô gái này ăn mặc rất đẹp, nói chuyện vui vẻ ở bên lề đường,. Tôi cứ tưởng tượng chắc là cô ta gọi ông Biden chúc mừng ông ta đã được đắc cử. Thành ra caption trong quyển sách là Chúc mừng ông Biden.
PV: Tức là những suy nghĩ rất thú vị đó đến từ việc đối thoại nội tâm của chính tác giả về nhân vật mình chụp đúng không ạ? Cái tên của tác phẩm thì bằng tiếng Việt là của anh đặt hay tiếng Anh?
Minh Phạm: Cái đầu tiên bằng tiếng Anh là của tôi. Sau đó tôi mới nhờ một số người Việt chính cống ở Hà Nội cố vấn, làm sao dịch qua tiếng Việt cho nó có được tinh thần, ý nghĩa của tôi, và dịch như thế nào qua cả tiếng Itala luôn. Nên nhiều khi cái tên đó không phải là một sự thông dịch chính xác, nhưng là thông dịch về sự tưởng tượng của tôi và sự khôi hài sau những tưởng tượng đó.
Một trang trong Hanoi Hanoi của Minh Phạm |
PV: Rõ ràng cái góc nhìn trong những bức ảnh của anh rất khác, nó rất riêng. Tuy không học về chụp ảnh nhưng chắc là khi chụp anh cũng phải có một sự lựa chọn nhất định nào đấy về góc máy hoặc về kỹ thuật để ra được những bức ảnh như vậy?
Minh Phạm: Kỹ thuật rất giản dị. Tại vì tôi chỉ cầm máy điện thoại lên rồi bấm thôi. Quan trọng nhất là bố cục của ảnh như thế nào. Nhiều khi tôi phải chờ 10- 15 phút cho đến khi tôi cảm thấy đó là bố cục mà tôi muốn chụp. Ngoài ra, tôi không dùng kỹ thuật nào hết. Nhiều khi đó là một sự ngẫu nhiên. Thí dụ có một hình ở cuốn sách Myanmar: Khi đang lái xe tôi mới thấy hai người lái xe đi đằng trước rất lạ, không biết họ chuyên chở cái gì. Tôi mới chậm xe lại, rút máy ảnh ra, ngồi trên xe đi theo họ một quãng rồi mới chụp. Nhiều cái tôi chờ đến khi bố cục hoàn tất thì tôi mới chụp. Hay nhiều khi là một sự ngẫu nhiên ngoài đường, xong tôi nghĩ về họ là những ai, họ nói gì, về nhà họ nghĩ gì, tôi tưởng tượng ra họ như thế nào...
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Tác giả Minh Phạm, có gia đình gốc ở Hà Nôi; lớn lên ở Sài Gòn và sau đó qua Mỹ năm 1975, tốt nghiệp thạc sĩ ở trường đại học Columbia tại New York. Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cử làm Trưởng đại diện của Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc tại một số quốc gia như Lào, Jamaica và Maldives. Minh Pham cũng kiêm đại diện của UNDP tại những quốc gia đó. Làm việc hơn 25 năm cho LHQ tại New York, Châu Á, Châu Phi & Nam Mỹ và vùng Caribe, ông về hưu năm 2014. Trở về theo vợ là người Italia làm việc tại Hà Nội, Minh Phạm sống tại Việt Nam hơn 1 năm rưỡi qua.
HANOI HANOI là sách ảnh trắng đen thứ hai của Pham và Paola Boncompagni. Cuốn đầu tiên, Mosaic Myanmar, được xuất bản ở Rome, Italia, vào năm 2019. Paola cộng tác với Pham để lựa chọn ảnh và dịch tên hình ảnh qua tiếng Italia