Bản thảo quý này chỉ được biết tới khi Giáo sư Phan Huy Lê thăm Pháp và phát hiện vào năm 2011. Trong chuyến thăm Viện ngày 30/9 năm đó, Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận ra truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” của thi sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Với tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết, bản truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” này được khắc họa toàn bộ. Ở khía cạnh thẩm mỹ, từng trang truyện đều được bố cục đẹp mắt với một khổ thơ chừng 14 câu lục bát nằm chính giữa, bao quanh là bốn bức tranh. Phía trên và dưới là các tranh được vẽ trải dài theo lối toàn cảnh, hai bên là tranh phác họa chân dung, mô tả chi tiết tính cách, hành động, tâm trạng của nhân vật. Qua những bức tranh, có thể hình dung toàn diện về mọi mặt đời sống, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ thế kỷ 19. Giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ: "Đây là văn bản góp phần vào kho tàng văn bản học về truyện Lục Vân Tiên nhưng giá trị bậc nhất của ấn phẩm này là một truyện Nôm-truyện thơ dài của Việt Nam, lần đầu tiên được minh họa toàn bộ. Đây là tranh vẽ với nhiều màu sắc, rất sinh động. Xem qua các tranh vẽ thì rõ ràng mang phong cách tranh dân gian, nhiều màu sắc nhưng khá đặc biệt, có phần nào đó gần với Tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh, có phần nào đó giống tranh Làng Sình ở Huế, phần nào đó có phong cách cung đình. Nếu nghiên cứu về mặt nghệ thuật thì tôi cho rằng là ấn phẩm hấp dẫn".
|
Một trang trong truyện Lục Vân Tiên
Không chỉ có ý nghĩa trong việc tìm hiểu lịch sử minh họa tranh màu nói chung, mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 nói riêng, hai cuốn sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" còn là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu đời giữa các nhà nghiên cứu hai nước Việt Nam, Pháp. Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864. Dựa trên bản in của Abel de Michel, viên sĩ quan hải quân Pháp Eugene Gibert nảy ra ý tưởng phác họa tác phẩm bằng tranh màu. Ông cùng Lê Đức Trạch, một họa sĩ của triều đình Huế thực hiện tác phẩm truyện thơ bằng tranh màu duy nhất trong khoảng thời gian từ 1895 đến 1897. Trở về Pháp, ông đã trao tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn học Pháp vào năm 1899. Kể từ đó, trong suốt hơn 110 năm, bản thảo nằm trong thư viện Viện hàn lâm Pháp, cho đến năm 2011 được Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện. Tiến Sĩ Pascal Bourdeaux, nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác cổ, người tiến hành biên tập, chú giải để công bố bản thảo này,cho biết để thực hiện công trình nghiên cứu này, anh và các đồng nghiệp của mình đã đi khắp các vùng Việt Nam tìm lại tất cả tư liệu có liên quan: "Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện nhiều phiên bản khác nhau của truyện Lục Vân Tiên. Như chúng ta biết truyện Lục Vân Tiên là truyện lục bát với hơn 2 nghìn câu thơ, được truyền miệng trong dân gian nên có nhiều phiên bản khác nhau. Thơ của Nguyễn Đình Chiểu được truyền khẩu và phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỉ 19. Thế nhưng truyện Lục Vân Tiên lại được chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ và Tiếng Pháp lại có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, phổ biến nhiều hơn".
Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, những ấn phẩm được ra đời bởi các nhà nghiên cứu hai nước Việt Nam - Pháp, mang đậm tinh thần văn hóa, thể hiện một cách chân thực văn hóa bản địa: "Tôi mừng nhất là rõ ràng trong giới trí thức Pháp, có những người dù sang Việt Nam trong thời thuộc địa nhưng họ rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Văn bản Lục Vân Tiên cùng một văn bản nữa đã được công bố là tập văn khắc "Kĩ thuật người An Nam" của Henri Oger "Kĩ thuật An Nam" đã công bố, phản ánh cuộc sống của Hà Nội đã để lại một số tác phẩm sáng tạo nhưng có cộng tác với người Việt Nam. Và nó để lại cho chúng ta một bộ phận di sản quý trong văn hóa cổ truyền của người Việt Nam".
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức được tầm quan trọng, sự độc đáo của hai cuốn sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện",Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã quyết định in thành sách để tác phẩm đặc biệt này được đông đảo bạn đọc tiếp cận. Cuốn sáchđược dịch toàn bộ sang tiếng Việt, Anh, Pháp, đã giúp cho các nhà khoa học có được nguồn tư liệu phong phú trong công tác giảng dạy ngôn ngữ, thơ ca Việt Nam thế kỷ XIX.