Nghe âm thanh tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Trong trí nhớ của đứa trẻ, cách Tết chừng hai tháng, bà nội sẽ sai đi lặt lá mai. Cũng có thể nó nhớ sai về thời gian, là hơn hai tháng, hoặc kém hai tháng; nhưng nó tin rằng mình nhớ đúng về cái màu nắng ở thời điểm đó, thứ nắng vừa chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, mất đi sắc tươi mát của hơi ẩm, trở nên chói và gắt.
Nó không thích màu nắng ấy, càng không thích một thứ sẽ đến cùng, là bụi. Nắng đốt khô cỏ cây, nung cho mặt đất tơi ra thứ bột mịn màu nâu đỏ. Và những cơn gió của mùa khô ào đến, hất lên những cái phễu bụi khổng lồ, đuổi nhau chạy ràn rạt từ chỗ nọ qua chỗ kia. Hệt như một đứa trẻ ngỗ ngược. Không ai đoán được đường đi của cái phễu bụi ấy, nên bất thần nó có thể ngoặt gấp, để ta hứng trọn màn bụi đỏ quạch, không mở nổi mắt, miệng lạo xạo, từ đầu đến chân bám dày lớp đất mịn như thể ta đã bị bỏ quên trong một cái kho đổ nát nào đó nhiều năm trời.
Bù lại, mùa khô sẽ mang đến những cơn gió mạnh mẽ sảng khoái, đủ sức thổi xiêu người đi trên đường.
Và mùa khô, là cuối năm, là Tết – niềm mong của những đứa trẻ.
"Nó chưa từng thấy cây mai buồn..." - Ảnh: Chí Nhân/Báo Thanh Niên |
Vườn bà nội có 4 cây mai già, xứng đáng gọi là mai cổ thụ. Những cây mai ấy chắc đã theo bà nội từ vùng quê miền Trung nóng cháy lên tận Cao nguyên trong cuộc di cư vội vã bởi chiến tranh. Nó chưa từng hỏi bà nội đám mai ấy bao tuổi, bởi nó thấy không cần hỏi thì cũng biết những cội mai ấy đã sống hơn nó rất nhiều thời gian rồi.
Sau này lớn lên, đọc “Hoa muộn” của Phan Thị Vàng Anh, nó không hình dung ra cái không gian xam xám buồn bã của vườn mai, nó nghĩ chắc đó phải là một khu vườn của loài cây khác. Vì nó chưa từng thấy cây mai buồn. Hẳn vậy. Kể cả khi cây mai đã chuyển sắc lá sang màu xanh xám, rồi vàng dần, già đi và cạn kiệt sức sống, rồi bị lặt hết lá thành trơ trụi khẳng khiu, nó vẫn hình dung về mai là những bông hoa có màu vàng trong trẻo như nắng sớm. Mai là Tết. Mai là vui. Mai là hy vọng , là đổi thay, là mới mẻ.
Lặt cho hết lá của 4 cây mai già mất cả tuần trời. Đầu tiên là đứng dưới đất, rồi bắc ghế, rồi trèo hẳn lên cây, và cuối cùng là bắc thang để lặt nốt lá ở những đầu cành quá cao. Nhẹ nhàng lật ngược lá mai để nó lìa cành thật gọn gàng, vì chiếc nụ bé xíu ở ngay kẽ lá. Thế nên những bàn tay trẻ con thích hợp nhất cho công việc này. Trẻ con luôn cẩn thận, tỉ mỉ và cầu toàn hơn người lớn. Nó nghĩ thế. Hoặc nó tự nhìn mình mà nghĩ mọi trẻ con đều thế. Bà nội lặt lá mai nhanh hơn nó nhiều, nhưng bà thường để sót, và thỉnh thoảng bà làm gãy vài nụ hoa. Nó tiếc từng chiếc nụ. Mỗi chiếc nụ ấy sẽ lớn lên, sẽ bật lớp vỏ xám để bung thành chùm nụ, đẹp như chùm ngọc màu xanh. Nó sẽ soát lại từng cành, lặt nốt những chiếc lá sót, lặt cho tới chiếc lá cuối cùng dù xa tầm tay nó tới cỡ nào. Rồi mãn nguyện khi cả bốn cây mai trước sân trơ trụi như những thân cây chết. Sau đó, cứ cách vài ngày lại ngó nghiêng xem những cái nụ đã phồng lên chưa.
Hình như trong sân nhà mỗi người miền Trung đều có cây mai. Nó cho là vậy, bởi đến nhà ai ngày tết nó cũng gặp hoa mai. Ngày cuối năm, đi dọc miền Trung, là đi qua những ngôi nhà có cây mai trước sân nở tưng bừng trong nắng. Xóm nhà bà nội, xóm của những người từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Bình Định… theo nhau đến bạt rừng lập làng, nhà nào cũng trồng cho mình vài cây mai, như một niềm nhớ, một tập tính, một cảm giác quen, một góc quê hương lưu dấu ở đó. Trồng mai, chăm chút cả năm, ngắm nghía, đánh dấu cái cành đẹp nhất, đợi tới ngày 29-30 Tết thì chặt cành, đốt xém vết cắt để giữ nhựa cho hoa tươi lâu, cắm vào cái bình mỗi năm chỉ được mang ra một lần, đặt bình hoa ở góc trước ban thờ.
Cành mai vào nhà là thấy Tết.
Cành mai Tết ấy phải gánh khá nhiều sứ mạng: Làm đẹp – Dấu hiệu của Tết – Báo điềm lành hay điềm dữ. Người ta kín đáo tin rằng một cành mai nở những bông đầu tiên vào đúng sáng mùng Một Tết thì năm đó sẽ suôn sẻ thuận hòa; hoặc ngày đầu năm đầu tháng ấy, cành hoa hãy nở những bông thật đẹp, cho năm mới thật rực rỡ. Khách đến nhà lẩn mẩn đếm từng cánh mai. Cành mai nào nở những bông hoa 6-7-8-9… cánh chứ không phải 5 cánh như thông thường sẽ được xuýt xoa khen năm nay chắc gia chủ may mắn lắm! Nên sáng mùng một Tết, bước ra phòng khách, thấy mai không nở bông nào (thôi mà, hãy nở đi, chỉ một bông thôi cũng được) thì mặt chủ nhà héo xịu, mai mà rũ xuống thì mặt chủ nhà tái dại.
Khi không còn là một đứa trẻ nữa, nó vẫn hồi hộp mỗi sáng mùng Một Tết khi bước chân vào phòng khách, ngắm cành mai ngày đầu năm mới, dù mới cách đó mấy tiếng, lúc giao thừa, đã đếm xem có mấy nụ mai bung lớp vỏ xanh đợi sáng. Căn phòng ngày đầu năm được ướp đẫm hương: mùi khói trầm nồng ấm, mùi trái bưởi the the, hương hoa mai ngòn ngọt… Hoa mai chỉ thơm chút buổi sáng, lúc bông hoa vừa nở, tỏa ra làn hương nhẹ tênh, một mùi hương rất đỗi tinh khôi, làm dậy lên thứ tình cảm trong trẻo, tươi tắn.
Hoa mai vàng như nắng, tươi bừng trong nắng. Nên nó thương những chậu mai lạc xứ, co ro ủ ê trong giá rét những ngày giáp Tết ở dọc bờ Kim Ngưu, vỉa vè phố Lò Đúc, ven bờ hồ Tây... Mỗi lần phải nhìn những cánh mai run rẩy trong bầu khí đông u xám, nó lại nhớ đến một bài báo viết về những cây sồi đen xứ lạnh được mang về trồng bên bờ sông Hương. Cây tha hương, không lớn nổi, ứa nhựa vì nhớ tuyết. Ngắm những cánh hoa đào heo héo trong nắng phương Nam cũng không dễ dàng gì. Bứt rứt. Như là thương. Như là có lỗi khi hoa không được tươi tắn mà nở ở đúng nơi của mình. Phải xa xứ, hẳn là đau khổ lắm, phiền muộn lắm. Có một đêm giao thừa cuối năm năm nào đó, nó gặp một người bán hoa mai ủ ê ở hè phố Phan Bội Châu, Hà Nội. Anh đang chuyển nốt những chậu mai ế ẩm lên xe tải để về lại Bình Định. Anh sẽ mất cả ngày mùng Một Tết mệt nhọc trên đường. Nên anh không cười được.
Năm nào cũng nhiều người đánh tiếng xin bà nội một cành mai chơi tết. Vì dáng cành đẹp, dáng hoa đẹp. Năm nào bà nội cũng hào phóng cho đi dăm cành. Không sao, sang năm, cây sẽ đâm những cành mới khỏe khoắn hơn, trẻ trung hơn từ dưới vết cắt đau đớn năm nay. Rồi tết, bốn cây mai vẫn đủ sum suê để khoe sắc vàng rực trước nhà.
Nó luôn nhớ về khu vườn của bà với những bông hoa mai tỏa mùi hương mát mẻ dịu dàng lúc đầu ngày. Nó chưa từng thấy ở vườn nhà ai những gốc mai bề thế như vậy.
Bà nội ngày càng già. Những gốc mai cũng ngày càng già. Nhưng bà nội già đi, rồi một ngày không dậy nữa. Những gốc mai già đi, vẫn nở những mùa hoa rực rỡ, và ngày càng tăng giá trị. Rồi đến cái tết nó thấy khu vườn của bà trông trống. Những gốc mai không còn ở đó nữa. Chúng đã bị bán đi. Nhiều triệu đồng.
Một ngày, nó đi viếng cha của một người bạn. Ông là một nông dân. Ông từng là chủ của một khu vườn đầy cây trái. Nó lang thang ngắm vườn và đứng lặng ngắm những chiếc khăn trắng thắt ngang thân cây. Người nhà ông mang khăn tang cho những cái cây ông trồng. Để cây được để tang ông, để chúng bớt buồn phiền. Kẻo, chúng buồn đến chết mất. Nó đứng giữa khu vườn đeo khăn tang và nghĩ về những đời cây. Nó luôn tin những cái cây biết đau, cũng vui cũng buồn, bởi chúng là những sinh vật sống. Nó nghe kể, ở một nhà, ngày ông nội già qua đời, con cháu thắt khăn trắng cho những cái cây già nhất trong vườn, rồi khăn xanh, khăn vàng, khăn tím cho những cái cây nhỏ hơn. Như tuần tự màu khăn con cháu để tang cha, ông, cụ, kỵ của mình.
Giờ, nó cũng có một mảnh vườn nhỏ xíu. Nó trồng đủ thứ cây, cố chen thêm cây mai bé tí teo trước cửa nhà. Nó không dám mơ cây mai thành đại thụ như những cây mai trong vườn bà nội ngày xưa. Nó cũng không mơ đến ngày cắt cành từ cây mai ấy mang vào nhà chưng tết. Nó chỉ mong cây mai ấy nở vài bông thôi cũng được, những bông hoa thật tươi, thật vàng, để mỗi năm nó được hưởng thứ cảm giác khấp khởi chờ mong, thấp thỏm đón đợi bông hoa mai đầu tiên của ngày mùng Một tết.
Hoa mai vàng như nắng.