Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn

(VOV5) -  Dù là vẽ đề tài gì, điều khắc cốt ghi tâm, mà họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã truyền lại cho cả học trò của mình, là không được quên hồn cốt dân tộc.
Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 1Một góc triển lãm.

Nghệ thuật đảo ngược (Upsidedownism) của họa sỹ Nguyễn Đại Giang (người Việt hiện sống ở Mỹ) trở lại với công chúng Thủ đô trong triển lãm cá nhân mới mang tên “Cội nguồn”.

Triển lãm diễn ra từ 15/10 đến 22/10 tại Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Hàng Bài, Hà Nội.

 
Nghe âm thanh bài tại đây:
 Triển lãm giới thiệu 32 bức tranh về chủ đề cuộc sống, văn hóa, con giáp, chân dung văn nghệ sỹ, đưa người xem đến với cuộc hành trình vào thế giới của “nghệ thuật đảo ngược,” - một sáng tạo độc đáo của họa sỹ Nguyễn Đại Giang đã được nước Mỹ cấp bản quyền. Một nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang xuất phát từ tư tưởng sáng tạo rất nhân văn: "Những cái mình nhìn thấy các họa sĩ trừu tượng không bao giờ vẽ. Nhưng họa sĩ của chủ nghĩa đảo ngược vẽ ngay ở đời sống chứ không vẽ ở đâu xa. Và thay đổi, để nâng lên tầng đẹp đẽ của cuộc đời,  nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan chứ không nhìn bằng cách bi thảm, mặc dù cuộc đời có lúc bi thảm  nhưng tranh để đưa con người đẹp lên."
Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 2Một góc triển lãm Cội nguồn.

Nguyễn Đại Giang là họa sĩ người Việt hiếm hoi được sống trong tòa nhà Art Space do chính phủ Mỹ xây dựng dành riêng cho các họa sĩ. Trong lần trở về này, dù tuổi đã cao, nhưng bút lực và sức sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Đại Giang vẫn dồi dào, thể hiện rõ nét qua những bức họa.

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 3Một gó triển lãm Cội nguồn.

Trong triển lãm "Cội nguồn", họa sĩ Nguyễn Đại Giang giới thiệu loạt những bức tranh ông vẽ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như họa sỹ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp... Đây đều là những người ông mến mộ, khi tiếp xúc với tác phẩm hoặc đọc, nghiên cứu về chân dung cuộc đời họ.

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 4Chân dung các văn nghệ sĩ qua đôi mắt nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang.

 Dù là vẽ đề tài gì, điều khắc cốt ghi tâm, mà ông đã truyền lại cho cả học trò của mình, là không được quên hồn cốt dân tộc. Trong mỗi tác phẩm, Nguyễn Đại Giang đều gửi gắm các hình ảnh quen thuộc của văn hóa dân tộc như nghệ thuật ca trù, vẽ mặt nạ, trẩy hội chùa Hương, đi chúc Tết..

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 5Tác phẩm "Sinh, lão, bệnh, tử" chất chứa những suy tư của người họa sĩ về cuộc sống nhân sinh.

"Chủ nghĩa đảo ngược nghĩa là hiện đại rồi, nhưng trong sự hiện đại đó, là mầm mống của tranh dân gian do mình khai thác. Bởi vì nó nói thêm những yếu tố của dân tộc mình, nhất là nói về văn hóa Việt Nam thì không quên đi truyền thống và đưa lên một tầm cao trong kỹ thuật của nghệ thuật đảo ngược." - Họa sĩ Nguyễn Đại Giang khẳng định.

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 6Hồn cốt dân tộc là yếu tố được họa sĩ Nguyễn Đại Giang nhấn mạnh trong những tìm tòi của hội họa đảo ngược.

Sống xa Tổ quốc, nhưng Nguyễn Đại Giang luôn đau đáu về quê hương. Những trăn trở về nhân sinh, về cuộc đời tuôn chảy qua những sáng tạo: "Trên thế giới đã sinh ra khoảng 10 - 15 trường phái mỹ thuật: ấn tượng, trừu tượng, siêu thực biểu hiện, lập thể, dã thú ... Họa sĩ của các nước, tiên phong là Pháp, Nga... là những người sinh ra những trường phái đó, còn ở Mỹ chỉ nối tiếp. (Như trừu tượng cũng là vẽ theo tranh trừu tượng đầu tiên do người Nga sáng tạo từ năm 1911, rồi những họa sĩ Mỹ phát triển lên khoảng những năm 1950).

Mình sang đấy, đưa ra một quan niệm về đảo ngược, mục đích là gì? Thế giới là một vườn hoa nghệ thuật, rất nhiều hoa - như tôi nói, các trường phái làm cho cuộc đời rất đẹp, rất giàu có. Nhưng với tôi, nghệ thuật đảo ngược - là nghệ thuật đảo ngược của Việt Nam, cá nhân tôi chỉ phát triển và biến nó trở thành tư tưởng nghệ thuật đảo ngược - mục đích là góp phần vào giới thiệu văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 7

Đến sống ở nước Mỹ không có nghĩa chỉ đi làm kiếm miếng ăn mà phải mang tinh hoa của dân tộc anh đến để góp phần cho nền văn hóa chung của thế giới. Muốn để người ta nói đến, tranh của anh phải có tính chất dân tộc. Người ta phải nhìn thấy tranh người Việt Nam vẽ, chứ không phải tranh của người Mỹ vẽ, mà người ta lại thích thú là chưa bao giờ họ nhìn thấy. Người họa sĩ như mình phải khai thác được những cái gì hay nhất của dân tộc, cộng với sự suy tư, tư duy sáng tạo của nghệ thuật đảo ngược, mà mình thành công cho đến giờ phút này." - Nguyễn Đại Giang nói.

Họa sĩ của nghệ thuật đảo ngược Nguyễn Đại Giang từ Mỹ về với Cội nguồn - ảnh 8

Nhận xét về nghệ thuật của họa sỹ Nguyễn Đại Giang, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho rằng: "Năm tháng trôi đi, người nghệ sỹ, họa sỹ chỉ còn lại lưu danh với cuộc đời nhờ tác phẩm. Giá trị của một con người chính là thành quả lao động. Nói nhiều, nói hay rồi cũng sẽ trôi đi. Đại Giang đã tìm cho mình riêng một con đường, con đường nghệ thuật cá biệt thật độc đáo để đứng vững trong làng nghệ thuật, đã thể hiện được cá tính, nhân cách nghệ sỹ của mình. Làm nghệ thuật chỉ cần thế thôi là đủ".

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội.  Ông tham gia nhiều triển lãm quốc tế và tổ chức các triển lãm trong nước (tại TP.HCM năm 2009; Hà Nội năm 2014, 2018; Huế năm 2016; Đà Nẵng năm 2018). Tranh của ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới như: Những tranh hiện đại nhất cho CD-Rom (New York, Mỹ, 1996); Giải Ba "Những họa sĩ tài năng nhất"; Giải Ba "Thế giới Nghệ thuật" (Stockholm, Thụy Điển, 1997)… và có mặt tại nhiều quốc gia: Nhật Bản, Canada, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha... 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác