(VOV5) - Đến nay, tranh của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm đã đến với nhiều nơi trên thế giới.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Sinh năm 1960, họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm là tác giả của những bức tranh đồng quê theo phong cách tối giản. Với hơn 20 triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong và ngoài nước, tranh của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm đã đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Không gian hội họa của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm là không gian đậm tinh thần truyền thống, vừa mang tính khái quát bởi những hình ảnh có tính biểu tượng, vừa dễ nhận diện nhưng lại đơn độc, mạnh mẽ với những nét riêng. Chị cũng là một trong những nữ họa sĩ bán được nhiều tranh hiện nay.
Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm. |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, lại chịu nhiều thiệt thòi từ thuở bé khi một bên chân bị bại liệt, họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm không thể tung tẩy “khắp chốn nhân gian”, đi và vẽ. Kỉ niệm tuổi thơ năm chị lên 7, cùng gia đình đi sơ tán ở Sơn Tây đã để lại trong tâm trí cô bé Thanh Tâm thuở nào những kỉ niệm khó quên. Chị vẫn thường nhớ về những cánh đồng lúa xanh mướt, những bờ ruộng, con đê… mà khi đôi chân không thể nhanh nhẹn như chúng bạn, chị chỉ có thể chạy theo trí tưởng tượng trong tâm trí.
Sau này, những dịp được ra ngoại thành Hà Nội, mỗi khi nhìn thấy khung cảnh đồng quê, trong chị lại dội về bao kỉ niệm. Có lẽ vì thế, những hình ảnh giản dị ấy đã đi vào tranh của Tạ Thị Thanh Tâm nhẹ nhàng, ý tứ như nhận định của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa: "So với các họa sĩ cùng thời với chị Tâm, tôi nghĩ chị Tâm là một trường hợp đặc biệt. Đó là một tâm hồn rất trong sáng. Đến bây giờ khi chị gần 60 tuổi nhưng chị vẫn luôn trong sáng, trong từng bức tranh. Và đặc biệt là những đề tài về làng quê Việt Nam hay những đề tài về tình yêu… đều được chị diễn tả với ngòi bút rất thơ ngây, trong trẻo."
Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm tạo hình tác phẩm. |
Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm đã có nhiều thử nghiệm hội họa, trên nhiều chất liệu khác nhau: tranh bột màu trên giấy dó, tranh lụa, tranh sơn mài… đều là những chất liệu truyền thống.
Người xem bắt gặp trong tranh những em bé đội lá sen, em bé cưỡi trâu, những cô thôn nữ đang ngồi nghỉ chân và chải tóc cho nhau, những đứa trẻ vui đùa bên đống rơm trong những trưa hè… cho đến những đề tài có tính triết lý hơn khi vẽ về những nhà sư trong hành trình giúp con người thoát khổ.
Theo họa sĩ Lê Ngọc Huyền, một người bạn của họa sĩ Thanh Tâm: Điểm đáng lưu ý trong tranh là Thanh Tâm luôn đặc tả đôi mắt và đôi bàn tay của các nhân vật. Đôi bàn tay, dù là của của trẻ em, của thiếu nữ thôn quê, của các nhà sư…đều rất đơn giản nhưng khi ngắm tranh, người xem sẽ cảm nhận được sự nồng ấm, chứa đựng những nét vui, buồn, ưu tư: "Chị luôn đưa người xem đến với cảm giác nhẹ nhàng, vui tươi, vượt lên tất cả mọi hoàn cảnh. Có những bức tranh đi vào chiều sâu của thiền, tâm linh nhưng ở đó không có sự giáo lý, lên gân nào mà cứ như tâm hồn của chị, thoải mái trôi vào thời gian, không gian."
Đến với hội họa bằng tình yêu nhưng để gắn bó với nghệ thuật phải là con đường khổ luyện. Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm đã mất 3 năm ôn luyện mới có thể thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hồi ấy mỗi khóa học đều có hàng trăm người đăng kí nhưng chỉ chọn ra mỗi lớp vài chục người. Chị kể, khi làm bài thi tốt nghiệp, tác phẩm của chị suýt bị đánh trượt vì không tuân thủ luật xa gần. Duy chỉ có thầy Đinh Trọng Khang (Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) vẫn kiên quyết bảo vệ chị vì tin tưởng sự táo bạo và cách đặt vấn đề không theo một quy ước nào.
"Tôi cứ nhớ mãi ngày tôi làm bài tốt nghiệp, khi vẽ cảnh Lạng Sơn, tôi vẽ cô gái dân tộc đeo gùi lên bản, bên cạnh là con bọ ngựa. Tôi đã vẽ không đúng tỷ lệ. Kích thước con bọ ngựa này bằng một nửa cô gái. Hội đồng tranh cãi rất nhiều nhưng thầy Đinh Trọng Khang, người dạy môn sơn dầu vẫn giữ quan điểm, cho tôi điểm cao tuyệt đối bởi chính con bọ ngựa thể hiện sự táo bạo và cách đặt vấn đề không theo quy ước luật xa gần. Đến thời điểm này tôi vẫn đeo đuổi trong tranh sự ngẫu hứng. Với tôi, sức khỏe không được tốt nhưng mỗi khi được làm việc, niềm say mê ấy luôn trỗi dậy, không thể cản bước tôi. Mỗi lúc được đặt bút vẽ hay mỗi khi bước sang một chất liệu mới, cảm hứng và sự sáng tạo sẽ không bao giờ ngừng”. - Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm nhớ lại.
Tác phẩm Đi lễ chùa của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm, chất liệu màu nước giấy điệp. |
Đến nay, tranh của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm đã đến với nhiều nơi trên thế giới: từ Singapore, Indonesia đến Nhật Bản, Autralia, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kì… Chị đã tham gia hơn 20 triển lãm, trong đó phần nhiều là ở nước ngoài. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến khẳng định: Tạ Thị Thanh Tâm đã tìm cho mình một phong cách riêng. Tranh của chị là sự đan xen hai yếu tố đồ họa và hội họa, truyền tải những cảm xúc đồng dao, thể hiện trên một mặt phẳng với mảng màu đơn giản….toát lên vẻ đẹp hiện đại. Dù là với chất liệu giấy dó, lụa hay sơn mài, người xem đều có thể nhận ra ngay phong cách riêng của chị.
"Hình ảnh tuy ngắn gọn nhưng làm cho người ta biết Tâm đang nghĩ gì và muốn chuyên chở cái gì. Đó là những con người hồn nhiên, những cử chỉ bình dị hàng ngày. Nó mang đường nét của đồ họa hơn là hội họa. Những mảng lớn chỉ nằm trên một mặt phẳng. Và chỉ có đồ họa mới nói được tất cả những mạnh mẽ ấy, những góc cạnh ấy của một đời người, của những hành động, cử chỉ của một con người. Tâm đã đi sâu vào hình thức đó." - Nhà phê bình Nguyễn Hải Yến nói.
Có những điều không may của cuộc đời nhưng họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm dường như không bận tâm về điều đó và đã tìm cho mình con đường đi riêng với hội họa. Khoảng trời của chị dường như được mở rộng trong trí tưởng tượng phong phú, trong sự hướng thiện và niềm tin yêu cuộc đời.