Họa sỹ Lan Hương - đắm đuối với hoa sen

(VOV5)- Một nữ họa sĩ Hà Nội với những bức tranh chiêm nghiệm về hoa sen như thể một kiếp người.

Họa sỹ Lan Hương - đắm đuối với hoa sen - ảnh 1
Tác phẩm Sen Tây Hồ 2 của Họa sỹ Lan Hương

Lan Hương đam mê vẽ từ nhỏ, song việc đến với hội họa của nữ họa sỹ này thoạt đầu không đơn giản thế. Bố mẹ chị rất sợ con đường chông gai của giới nghệ sỹ nên kiên quyết bắt chị trở thành cô giáo. Thế rồi, chiến tranh, gia đình rời Hà Nội sơ tán lên Thái Nguyên, cô bé Lan Hương đã bí mật giấu cha mẹ nộp đơn dự thi vào trường Nghệ thuật Việt Bắc. Nhận giấy báo trúng tuyển, trước sự phản đối quyết liệt của bố mẹ, chị vẫn quyết tâm một mình lên trường nhập học. Từ đây là con đường độc đạo với biết bao khó khăn. Song để thỏa niềm đam mê, chị đã đánh đổi tất cả, kể cả hạnh phúc riêng của mình: “Tôi đam mê vẽ từ nhỏ, và ước mơ lớn lên sẽ trở thành họa sĩ…vì thế tôi nuôi dưỡng ước mơ ấy từng ngày…”

 

Thưở nhỏ theo bà đi lễ chùa, cô bé Lan Hương bắt gặp những bông hoa sen được làm bằng sơn mài cắm trên bàn thờ Phật. Lúc ấy chị chưa hiểu gì về hội họa, về chất liệu sơn mài, kể cả việc tại sao lại chọn hoa sen để thờ. Thế rồi, như rất nhiều họa sĩ khác khi bắt đầu cầm cọ vẽ, họa sĩ Lan Hương chọn hoa để vẽ , chủ yếu là hoa hướng dương. Cho đến một ngày, tình cờ một người bạn gọi điện cho chị: “ Bạn tôi gọi điện khoe có hai chục bông sen mới mua đẹp lắm. Thế là tôi tức tốc chạy từ Phú Thọ về Hà Nội… Đêm ngồi ngắm sen vậy là bức tranh hoa sen đầu tiên ra đời năm 2002, mang tên Sen ngủ, với 20 bông sen trong bình đang rủ xuống…Tôi vẽ bằng chất liệu phấn màu”

 

Tác phẩm đầu tiên vẽ sen ra đời như thế, lặng lẽ trong đêm, mộc mạc với chất liệu phấn màu, nhưng thăm thẳm nỗi niềm. Và, sau hơn mười năm, Sen không còn “ngủ” trong bình. Cũng sau hơn mười năm, toan không còn là một chất liệu nền duy nhất để trình bày những cảm nghiệm của họa sỹ, bởi khuôn khổ giới hạn của nó khiến người họa sỹ nhiều tìm tòi này cảm thấy bí bức. Chị tìm tòi thử nghiệm nhiều chất liệu khác hoàn toàn bất ngờ, và khó tin. Từ vàng bạc, vỏ trứng, sơn ta, sơn dầu, hay màu nước, acrylic…cho đến các chất liệu tổng hợp: “ Tôi khám phá và thử nghiệm khá nhiều chất liệu. Ví như giấy, vải màn, bao tải, vải bố, dây gai, cát rồi sơn mài, gốm…Tất cả các chất liệu trên thế giới đã phát mình đều được nghiên cứu rất nhiều còn để nó đẹp là do kỹ thuật, do xúc cảm, và niềm đam mê của từng cá nhân để đẩy nó lên một đình cao nào đó…”

 

Những chất liệu tưởng như đơn giản ấy đã tạo bất ngờ cho người xem cảm nhận được không gian đa chiều của một họa phẩm. Từ những góc nhìn khác nhau, người xem có thể nhận thấy “độ nghiêng của màu” trên tranh gọi lên những cảm xúc sâu thẳm khiến họ đồng cảm với những gì người họa sỹ muốn gửi gắm. Nếu điện ảnh là những âm vang sau hình, thì với hội họa là âm vang sau màu…Không thể có điều đó nếu bản thân người họa sĩ không quay về tìm kiếm chính mình: “ Nó là câu chuyện của mỗi người phụ nữ trong mỗi một ngày hoặc trong mỗi một chặng đường của cuộc sống. Sen e ấp, sen nụ, sen nở để làm sao nó giống như cuộc đời mỗi con người. Mỗi bức sen là một câu chuyện, và mang tâm trạng riêng của người họa sỹ…”

 

Họa sỹ Lan Hương - đắm đuối với hoa sen - ảnh 2
Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương và tác phẩm “Sen”. - Ảnh: TL


Họa sỹ Lan Hương mê mải vẽ, đuổi theo những tháng ngày của sen, nhìn sen vươn mình dịu dàng, rồi lại buông mình âm thầm kết thúc. Dù là sen ở thời kỳ nào, hình dáng ra sao…đều được họa sĩ chiêm nghiệm như thể một kiếp người: “Mỗi tác phẩm cũng giống như một đứa con của mình. Cũng ấp ủ trong 9 tháng 10 ngày, cũng sinh ra rồi nuôi nấng, chăm sóc, cũng dành cho nó tất cả tình yêu. Song có bức vẽ sen lúc úa tàn, hoa rủ xuống, cành cong như hình ảnh mẹ tôi còng lưng đôi quang gánh tong tưởi đi về. Sen nó chính là cuộc đời mỗi con người…”

 

Ngồi trò chuyện cùng họa sỹ trong ngôi nhà nhỏ ở làng Nhật Tân vào một buổi chiều mưa, hướng mắt về phía nào cũng chạm tranh về sen. Cũng chỉ vì quá yêu, quá đắm đuối với sen mà chị đã thuê ngôi nhà nhỏ ở gần đầm sen đẹp nhất Hà Nội này. Như gặp lại bạn tri âm, họa sỹ Lan Hương bắt đầu cuộc chuyện trò của mình với sen ngay từ khi những khu đầm mới chỉ có màu lá non ngọc ngà. Rồi những búp nụ đầu tiên lấp ló trong rừng lá xanh ngọc, rồi sen nở, sen tàn, cuối cùng cả lá cũng tàn…Và cũng bởi đã quá gắn bó với sen, kể cả trong từng bữa ăn giấc ngủ thế cho nên bỗng một ngày ngước nhìn lên bầu trời, chị chợt nhận ra mây cũng mang dáng lá sen, và nói như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã-người bạn thân của chị, Lan Hương chợt thấy giữa những bạt ngàn Sen-Mây đó một dáng hình mơ hồ của Cõi Vô Cùng. Kiếp sen đang tàn, nhưng cái hy vọng vẫn lấp ló bởi từ trời cao, như một đầm sen bất tận với cả ngàn chiếc lá đan nhau tạo nên những vầng mây: “ Tôi đã vẽ 3 bức về Phật giáo. Bức đầu tiên vẽ đám mây lững lờ trôi trên bầu trời dưới mặt nước là hoa sen. Những đám mây đó mang hình dáng như một ông Phật đang ngồi bắt quyết…”

 

Hơn mười năm đắm mình với hội họa cũng chính là hơn mười năm chinh phục chất liệu. Khi được hỏi, chung thủy với một đề tài như vậy, liệu có sự lặp lại trong bút pháp và làm thế nào để tránh sự nhàm chán, họa sỹ Lan Hương quả quyết: Bất cứ người họa sỹ nào nếu muốn theo đuổi một đề tài cũng phải có kế hoạch dài hơi, biết rõ từng giai đoạn mình sẽ vẽ gì. Họa sỹ tin rằng cuộc chinh phục này còn dài và còn nhiều thử thách, dẫu chị cũng chỉ là một người đàn bà bình thường như trong câu thơ của nhà thơ Giáng Vân dành tặng chị:

                 …Nàng không phải là phù thủy, nàng là một đàn bà,

                     Những đóa sen của nàng rừng rực đỏ

                     Những đóa sen của nàng xanh thẳm xanh

                     Những đóa sen của nàng tan chảy…

Phản hồi

Các tin/bài khác