(VOV5) - Họa sĩ Văn Giáo (6/10/1916-10/1/1996) là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ đầu của nền hội họa Cách mạng Việt Nam.
Tự họa của họa sĩ Văn Giáo. |
Ông là người đầu tiên vẽ trực tiếp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 10/1945. Với phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi dành cho hội họa, Văn Giáo đã đến và vẽ ở những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc như Nghệ An, Cao Bằng..., ghi dấu ấn vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam với nhiều bức tranh giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Họa sĩ Văn Giáo sớm thành công về thể loại tranh phong cảnh quê hương với nhiều tác phẩm đẹp nhờ biết xử lý ánh sáng tinh tế. Chất liệu mà họa sỹ Văn Giáo sử dụng nhuần nhuyễn nhất chính là bột mầu. Tranh bột mầu của Văn Giáo không chỉ là sở trường mà đã trở thành thương hiệu mang tên ông. Tuy nhiên, dấu ấn và thành công lớn trong cuộc đời của họa sĩ chính là những ngày ông trực tiếp vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Họa sỹ Văn Giáo dành toàn bộ suy nghĩ sáng tác vào chủ đề Hồ Chủ tịch, từ hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đến tinh thần vì nước vì dân của Người. Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào các năm 1963 đến 1965, Họa sĩ Văn Giáo đã đến Pác Pó (Cao Bằng) để vẽ lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm tiêu biểu, như: Nắm đất Tổ quốc, Người về Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch sử Đảng. Với phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi, Văn Giáo đã ghi dấu ấn vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam với nhiều bức tranh giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” vẽ năm 1974, chất liệu sơn dầu của hoạ sỹ Văn Giáo. Nguồn: VOV |
Ấn tượng với các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Họa sĩ Văn Giáo, đặc biệt là tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập”, bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, Họa sĩ Anh Vân chia sẻ: “Họa sỹ Văn Giáo đã nghiên cứu nhiều tài liệu và với lòng kính trọng yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh mà làm nên bức tranh đó. Tôi rất cảm động bởi hình ảnh một vị Chủ tịch giản dị trong bộ quần áo nông dân giữa một căn phòng sang trọng. Với bút pháp khái quát, màu sắc nhã nhặn, ánh sáng chan hòa, bức tranh thể hiện được hình ảnh một vị lãnh tụ giản dị ngồi viết, tập trung, cân nhắc từng lời, từng chữ. Bức tranh đã thể hiện dáng hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dồn tất cả tâm sức, trí tuệ, để viết nên Tuyên ngôn độc lập trước toàn bộ nhân dân, khẳng định một dân tộc đã được tự do.”
Nhớ lại hành trình sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh của cha mình, họa sĩ Nguyễn Văn Đức cho biết: Cha ông, Họa sĩ Văn Giáo, đã tập trung sáng tác theo chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, và hình thành một phòng tranh được công bố vào năm 1980, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Tháng 10/1944, Họa sỹ Văn Giáo vào Bắc Bộ Phủ để trực tiếp vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 10 ngày được ở cạnh Người và những lời dạy của Người đã thấm sâu vào tâm hồn của họa sĩ Văn Giáo. Tháng 10/1946, họa sỹ Văn Giáo đi miền Nam chiến đấu, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh in sâu trong trái tim của họa sĩ. Chính vì vậy, ông đã dành trọn hơn 30 năm, từ năm 1960 đến khi mất là năm 1996, sáng tác các tác phẩm theo đề tài “Bác Hồ một tình yêu bao la”.
Tác phẩm "Giải đi sớm" của hoạ sỹ Văn Giáo. Nguồn: VOV |
Mới đây, cùng với gia đình họa sĩ Văn Giáo, ông Đoàn Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, người chuyên sưu tập các bức tranh của họa sỹ Văn Giáo đã hiến tặng tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập”, chất liệu sơn dầu, của Họa sĩ Văn Giáo, cho bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Đoàn Văn Đức cho biết:”Gia đình cố Họa sĩ Văn Giáo và tôi đã tham gia bảo quản và gìn giữ bức tranh này. Việc gìn giữ bức tranh trong suốt hơn 30 năm cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bảo quản. Tôi treo bức tranh trang trọng trong ngôi nhà mình, sau đó, chúng tôi trao lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi rất cảm ơn Họa sĩ Văn Giáo, người đã sáng tác nhiều bức tranh cách mạng về Đảng Cộng sản Việt Nam, và đặc biệt là sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Nhờ họa sỹ mà hôm nay, chúng ta có những tác phẩm như “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập”.
Chia sẻ thêm về quyết định hiến tặng bức tranh “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập” cho bảo tàng Hồ Chí Minh, họa sĩ Nguyễn Văn Đức cho biết thêm: “Gia đình tôi đã quyết định hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh màu nước “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập”. Còn bức tranh “Giải đi sớm” được họa sỹ Văn Giáo lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên trong Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được hiến tặng, để trưng bày cùng tập thơ “Nhật ký trong tù” tại Bảo tàng.”
Theo ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, những tác phẩm của Họa sỹ Văn Giáo có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh và làm phong phú thêm kho hiện vật lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Mạnh Hà cho biết: “Ông Nguyễn Văn Đức, con trai của cố Họa sĩ Văn Giáo, cũng như ông Đoàn Văn Đức chủ sưu tập hiện vật, đã tặng 3 bức tranh hết sức quý giá cho Bảo tàng. Điều này có một ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn lịch sử trong cuộc đời hoạt động sự nghiệp hết sức vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi hết sức trân trọng và lưu giữ một cách cẩn thận. Chúng tôi sẽ đưa các tác phẩm ra trưng bày tại các sự kiện lớn để qua các tác phẩm nghệ thuật, người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Trong hành trình nghệ thuật của mình, bên cạnh các tác phẩm sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Họa sĩ Văn Giáo còn miệt mài ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước trong các tác phẩm của mình bằng cả trái tim và lòng đam mê nghệ thuật. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể, là tình cảm của họa sĩ đối với quê hương đất nước, chứa đựng nhân cách cao đẹp của một người nghệ sĩ chân chính, hết lòng phục vụ Tổ quốc.