Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Quỹ nhà văn Lê Lựu tổ chức tổng kết cuộc thi viết truyện và ký lần thứ 4, về đề tài: nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; về đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hoàng Sang:
Theo Ban tổ chức, sau 3 năm phát động (2021-2023), cuộc thi truyện và ký lần thứ 4 với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn và đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân ”đã nhận được hàng trăm tác phẩm dự thi từ các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. So với cuộc thi lần thứ 3, cuộc thi lần này số lượng và chất lượng tác phẩm cao hơn, đặc biệt là thể loại truyện ngắn.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Văn Chinh chụp ảnh cùng các tác giả đoạt giải. |
Theo đánh giá của nhà văn Văn Chinh - thành viên BGK, có nhiều truyện ngắn để lại ấn tượng mạnh về những mảnh đời, nhiều vẻ đẹp mới lạ về văn hóa. Có thể kể ra đây như: “Những mầm lúa ngọt” của Lê Quang Trạng, “Xóm ngoài đê” của Phạm Xuân Đào, “Ma lợn” của Trương Thị Thúy, “Tiếng gọi buổi hoàng hôn” của Trần Thị Tú Ngọc, “Tiếng hát đêm rừng” của QuàngThị Diên, “Gã đồ tể” của Trần Hồng Giang, “Lấy vợ vùng cao” của Trần Nguyên Mỹ:
"Cuộc thi có bề rộng và bề sâu, thu hút các cây bút khắp các vùng miền. Thậm chí Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ khuyến khích và đứng ra nhận tác phẩm của các hội viên rồi gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Mình cứ ngẫm cuộc đời của nhà văn Lê Lựu là người rất là nghèo, xuất thân nông dân, viết về nông dân cũng rất hay và bản thân con người ông cũng là nông dân thế cho nên tôi đánh giá cao giải thưởng này Chất lượng tác phẩm lần này khá hơn so với lần trước. Các tác phẩm đoạt giải, ví dụ như của Lê Hoài Lương, Phan Đình Minh, Nguyễn Hải Yến thì họ đều là nhà văn rồi nên những tác phẩm của họ được trao giải cao đều rất xứng đáng…"
Nhà văn Văn Chinh cũng khẳng định: “Chúng tôi thống nhất cao ở ba tác giả tốp đầu: Lê Hoài Lương (Giải Nhất), Phan Đình Minh và Nguyễn Hải Yến (Giải Nhì). Thật mừng là họ đều viết về hồn làng. Ở “Sóng khác” của nhà văn Lê Hoài Lương là hồn biển với một ý thức rất cao, được vun bồi dày dặn và thấm thía để trở thành tư tưởng nghệ thuật. Ở “Phần mềm” của Phan Đình Minh, tuy là viết về một viện trí thức ở đô thị, nhưng bao trùm lên vẫn là hình bóng của những nông dân thấp thoáng hồn làng. Như thế, từ các tác phẩm của họ mở ra một định đề: hồn làng là hồn Việt, là nguồn cảm hứng mênh mông thăm thẳm cho sáng tạo văn chương.
Nói như nhà văn Phan Đình Minh, dẫu hiện nay ông sống ở Hà Nội, nhưng mạch nguồn sáng tạo vẫn từ những gì ông trải nghiệm ở nông thôn: "Thực ra tôi là người nhà quê, sinh ra và lớn lên ở quê. Tôi nhớ có một câu nói “Xắn một miếng đất ở quê mình có thể ra được một tiểu thuyết. Đề tài tôi viết thường thường về nông thôn, về cha tôi, người chú người bác, anh em trong gia đình…Tôi viết không bao giờ hết được cái đề tài đó, và hầu hết tôi phản ánh ở trong truyện ngắn và tiểu thuyết. Đó đều là những cái sống đã rồi mới viết, do đó mà mọi thứ rất sinh động, hồn nhiên, cụ thể…"
Trong các tổ hợp văn bản của Nguyễn Hải Yến hầu như đều có ma sống với người, thân thiện như người, tiếp tục nỗi niềm người. Trong truyện “Đồng tháng ba sương bắt đầu lên”, nhân vật “Tôi” kể về cái Đống Mả Thần, nơi mẹ anh Cu chết đói khi vớt củi rều; cũng là nơi những người lang thang, đói khát các nơi lưu lạc đến rồi chết ở đấy, vào những ngày giáp hạt tháng ba. Người này cưu mang người kia.
Cái vòng yêu thương, cưu mang cứ quẩn quanh lặp lại. Nhân nghĩa người Việt chúng ta cũng hình thành và truyền đời từ những điều rất đỗi bình thường như thế. Đến “Người đàn bà của dòng sông”, bút pháp Nguyễn Hải Yến thêm một lần biến hoá, ấy là cái ô trọc, nghiệt ngã của đời định đẩy con người thành ma bùn, thì chính con người đã quyết liệt đứng dậy cùng với đất đai, với những hồn ma từng bị đất lở và lũ cuốn đi đều tụ về để cùng hơi người làm rễ cho đất đai sinh nở, bám trụ – thế rồi, đến lượt mình, đất đai trở thành giá đỡ cho tình yêu, cho nhân tính.
Theo Nguyễn Hải Yến, hai truyện ngắn này cũng là tiếp nối những gì cô giáo viết văn này từng viết về làng quê Bắc Bộ bấy lâu nay: "Bẵng đi một thời gian sau giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm thì tôi mới được thêm giải thưởng chuyên ngành văn chương được nhiều người quan tâm. Nó như một ngọn lửa thắp lên tiếp những đam mê được viết, và thực tế giải thưởng này là lời nhắc nhở tôi cần phải viết sao cho xứng với những tin tưởng, kỳ vọng của Ban tổ chức. Tôi là một nhà văn mà thế mạnh là viết về nông thôn, nông dân, và hai truyện ngắn dự thi của tôi chính xác là những tiếp nối từ những rạ rơm, đồng bãi, những phận người vất vả cơ cực, rất chân thật rất mộc mạc, nhưng bao giờ họ cũng chan chứa yêu thương."
Trong bốn giải Tư, có hai giải dành cho thể ký. Bút ký “Còn nợ những hương linh liệt sĩ” của nhà văn Bùi Ngọc Quế, viết về người lính trở lại chiến trường xưa, ký ức về những đồng đội mưu trí dũng cảm sống lại. Ở đây là sáng kiến của người anh hùng, phải thoát hiểm bằng cách vượt sang đất địch, đánh vào sau lưng địch – nơi chúng ít phòng bị nhất. Cuộc tập hậu thắng lợi oanh liệt nhưng anh đã hy sinh trên đất địch nên không tìm thấy xác; đơn vị đành xác nhận là mất tích. Những dòng kể vào đêm khuya, tác giả nhận cú điện thoại của người con gái duy nhất của liệt sĩ nức nở kể về nỗi đắng cay, thua thiệt vì bị ngờ là cha đào ngũ bỏ chạy theo giặc khiến người đọc gai người.
“Mự tôi” của nhà văn Hồ Ngọc Quang còn lùi xa hơn nữa, về thời chiến tranh chống Mỹ. Người lính “tụt tạt” về thăm vợ một đêm, không dám cho ai biết. Anh ra đi trong đêm hạnh phúc và ra đi mãi mãi. Thật may là anh kịp để lại giọt máu rồi ra sẽ thành đứa con trai khả dĩ đền đáp cho những tai tiếng, dè bỉu, kỳ thị của người thân và dư luận nghiệt ngã một thời. “Anh lính ấy là cậu tôi, cháu kể về mợ, mự tôi ôm con đi “di tản” khỏi dư luận, cắn răng sống nhờ một bản xa Tây Bắc”. Cuộc gặp lại, với sự nghiệp thành công của Mự và đứa em họ – cuộc gặp lại tuôn trào nước mắt, rửa trôi những giọt nước mắt tủi hổ xưa.
Là một cộng tác viên quen thuộc của Ban VHNT (VOV6), Đài TNVN, nhà văn Hồ Ngọc Quang hào hứng nói về niềm đam mê viết bút ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn của ông:"Tôi là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiện nay cũng sống ở nông thôn. Tất cả những tác phẩm của tôi cũng đều viết về nông thôn, cho nên tôi rất tâm đắc với cuộc thi này. Bây giờ có ít người viết bút ký, mà chủ yếu là ký báo chí. Còn riêng tôi, thuở ban đầu phát triển lên là từ ký cho nên tôi rất tâm đắc với ký, bởi ký thể hiện cuộc sống hiện tại ngồn ngộn ra sao, và nó nói được những cái suy nghĩ về hiện tại của mình và những cái điều mà mình tâm đắc."
Lý giải nguyên nhân cuộc thi lần này không trao giải cao cho thể tài ký, nhà văn Văn Chinh cho biết:"Cuộc thi trước trao giải ký ở giải cao, còn năm nay thì ký chỉ có tính chất ưu tiên thể tài thôi, chứ còn không xuất sắc bằng năm trước. Văn học mạng gần như ngày nào người ta cũng viết một cái gì đấy nó là ký, chính vì vậy nó được giải tỏa. Tất cả những điều gì họ suy nghĩ, họ biết, họ cần nói thì họ nói ngay ở trên mạng xã hội rồi. Cho nên để làm ra một cái bút ký cho nó ra bút ký thật sự cũng không phải là dễ mà cũng không còn nhiều năng lượng trong người cầm bút nữa. Vả lại bao giờ bút ký cũng chỉ là nơi bắt đầu của văn chương thôi."
Sau 3 năm phát động, Qũy Nhà văn Lê Lựu đã tổng kết cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký lần thứ 4 năm 2021 – 2023 với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân và Văn hóa Doanh nhân”.
Trước đó, Qũy Nhà văn Lê Lựu kết hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã phát động 3 cuộc thi truyện ngắn, ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn và văn hóa doanh nhân. Đại tá Quân đội, nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022) người sáng lập Qũy nhà văn Lê Lựu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân là nhà văn Quân đội uy tín, tác giả của những tác phẩm văn chương đình đám như “Mở rừng”, “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt – Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.”
KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU – LẦN THỨ 4
Giải Nhất: Tác giả Lê Hoài Lương (Sóng khác, Ngưu hoàng)
Giải Nhì : Tác giả Phan Đình Minh (Cha tôi – Kép Cúc, Phần mềm)
Tác giả Nguyễn Hải Yến (Người đàn bà của dòng sông, Đồng tháng ba sương bắt đầu lên)
Giải ba: Tác giả: Đinh Ngọc Hùng (Mặn mòi vị biển, Thăng trầm của đất, Vỡ làng)
Phan Đức Lộc: Lỗ sẻ, Người đàn ông của dòng sông
Võ Thị Xuân Hà: Khúc Thiên thai, Giữa bầy cừu
Giải Tư: Tác giả: Song Ngư (Giao cảm, Cầu vồng ma)
Tác giả: Hồ Ngọc Quang (Mự tôi)
Tác giả: Bùi Ngọc Quế (Còn nợ với hương linh liệt sĩ)
Tác giả: Nguyễn Văn Học (Bước qua ranh giới)