(VOV5)- Hương mỹ nhân - Tuyển chọn những truyện ngắn hay (giai đoạn 1996-2010) của nhà văn Nguyễn Văn Thọ sắp ra mắt bạn đọc. Cuốn tuyển chọn đầy đặn hơn 460 trang, chọn ở gia tài gần 50 câu chuyện, được sắp xếp không theo thời gian xuất hiện mà theo chủ đề truyện. Chủ đề tương đối bao hàm: Mảng chuyện ở Đức, chuyện về Hà Nội, chuyện chiến tranh hay hậu chiến. VOV5 xin giới thiệu cùng quý vị Tự bạch hay Lời mở sách Hương mỹ nhân của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tôi có hai giai đoạn viết văn. Giai đoạn viết từ 1984-85 xuất hiện trên Tuần báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, vài tác phẩm; đáng kể nhất là Muối mặn, mà cố thi sĩ Lưu Quang Vũ, bạn em trai tôi, cũng là bạn sơ của tôi, thích truyện này rồi chuyển thể thành vở kịch chèo Muối mặn đời em. Cái tài của Vũ cho anh giải vàng liên hoan sân khấu năm ấy với vở diễn này.
Nhưng tự xét thấy, cứ viết vậy sẽ chẳng nên cơm cháo gì, tôi ngừng viết. Nói với nhà thơ, bạn thân Bế Kiến Quốc, tôi tâm sự: “Văn chương phải luôn vượt qua chính mình, tôi không phải sinh ra để làm nhà văn, nếu cứ viết tiếp cũng chỉ nhai lại chính tôi, nên ngừng bút.”
Tôi bỏ viết từ 1986 tới tận 1996. Mười năm chỉ đọc, chỉ quan sát thế giới, nghiền ngẫm.
Năm 1988 tôi đi Đức làm đội trưởng một đội lao động VN xuất khẩu. Cuộc sống tại nước Đức từ 1989 đầy biến động và tác động vào tôi rất nhiều. Nhưng con người ta thực kì lạ, đời sống phương Tây sau khi bức tường đổ, giúp tôi nhìn sâu và xa hơn, song chính từ những mặt tiến bộ của nó, cả vật chất và tinh thần lại càng làm thể xác tuy xa lìa cố quốc, nhưng tâm hồn vẫn cứ, càng muốn quay về quê nhà, quanh quẩn chốn cũ. Nhưng tôi vẫn cứ không cầm bút ngay, mà lại ra sức quan sát, trải nghiệm xứ người ta, đặc biệt là đọc. Tôi cũng không dấu giếm rằng, tôi cũng giao lưu không chỉ với bạn bè xứ Đức Pháp mà còn giao lưu với nhiều anh em văn nghệ hải ngoại người Việt, bất luận quá khứ, hiện tại của họ ra sao, miễn họ yêu quý đất nước, trân trọng văn hóa tổ tiên, cuối cùng là trân trọng tôi, trân trọng những suy nghĩ về con người, về cuộc đời, về thân phận của đất nước. Trong những người ấy tôi đặc biệt lưu ý nhà phê bình Đặng Tiến sống tại Pháp, phải bày tỏ một lần biết ơn ông. Ông là cầu nối, là người mà ở đó nhiều tầng nấc văn học trong tôi được gợi mở...Một kho báu kích cỡ bậc thầy, uyên bác.
Rồi, không nhịn được sự muốn sẻ chia, bắt đầu từ 1996 tôi quay lại văn đàn. Trình làng ba tập thơ để cho bè bạn đọc. Thế thôi, chứ không hòng ngóng tôi là thi sĩ.
Tới tập thơ thứ Hai, tôi lần nữa quay lại viết văn xuôi. Bắt đầu khởi động rất khó, sau vào đà rồi thì sự viết cứ như cơn bão. Truyện ngắn đầu tiên tôi quay lại ở giai đoạn này là Ám ảnh. Đây là một truyện ngắn, bút pháp không mới, nói về cuộc chiến, nhưng tôi không thể dứt bỏ sự ám ảnh về cuộc chiến mà tôi đã tham gia 11 năm. Đó là một sự ám ảnh có tính phản vệ bản năng, sự đứt gãy hay nứt rạn có khi chồi ra một mầm cây xanh, lại thêm cầu nối tất yếu cho một sự dịch chuyển. Rồi, vẫn là cuộc chiến, tôi viết tiếp câu chuyện thứ Hai: Người Hà Nội. Bắt đầu có đà, tôi bứt phá viết Nhà ba hộ. Nhà ba hộ với ngôn ngữ khốc liệt, trần trụi, như tiếng thở hắt ra của một người đã trôi qua thời bao cấp sau chiến tranh. Nó như vết chém đánh dấu sự thay đổi tự xác lập đặc tính cá thể văn chương để định hình. Từ mốc này, tôi viết điên cuồng. Ngày đi làm từ sáu giờ sớm, ra chợ quần quật suốt, có khi mùa giáp Noel bội thu tiền bạc, bán được hàng, tới 9 giờ đêm mới về nhà. Mười một giờ mới đặt mình. Nhưng như lệ thường, thay vì đọc, cứ ba giờ là dậy viết. Có năm tôi in, riêng ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 7 truyện ngắn. Ở Tuần báo Văn nghệ thì kiểm soát tôi hơn, vẫn có năm in ba, bốn truyện. Tôi cũng in ở khắp nơi ngoài biên ải Việt Nam, như ở Mỹ, Đức, Ca Na Da, Pháp và Tiệp, Nga v.v…trên các diễn đàn văn nghệ tiếng Việt. In đủ thứ, từ tạp bút, tùy bút, kí sự, luận chiến tới truyện ngắn, thơ…
Cho tới nay, tôi cũng có chút ít đóng góp vào văn đàn Việt Nam đương đại. Khoảng gần 50 truyện ngắn, dăm bài tiểu luận và hơn 60 bài tùy bút, ghi chép, tùy bút, bút kí v.v…một tiểu thuyết tên dung dị mang tên nàng Quyên.
|
Tôi tự xác nhận tôi là kẻ đa phong cách ở văn học. Tùy theo từng thể tài mà tôi tự vạch ra một lối thể hiện. Đa phần giọng khí dữ dội, quyết liệt tận cùng, nhưng cũng có khi tôi viết khá nhẹ nhàng; như nữ thi sĩ, nguyên trưởng ban báo Văn nghệ trẻ Đỗ Bạch Mai nhận xét, truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ, Cõi ảo hay Gửi người đại tá chờ thư, tựa như những bài thơ văn xuôi. Tôi cũng thử nghiệm lối viết tân thời như trong truyện Lời hứa của chiến tranh. Có những truyện sự pha tạp rất nhiều thủ pháp đến dày công như Vàng Xưa. Nhưng nói chung tôi nghĩ, mọi hình thức biểu đạt thế nào, ra sao vẫn cứ phải hấp dẫn, lôi cuốn.
Những khi viết tôi luôn ý thức, nhà văn phải đầm mình vào cuộc sống và đừng hoang tưởng. Văn học cần sự tưởng tượng hư cấu, tạo dựng nên những vật phẩm từ chất liệu đời sống, nhưng nó phải chính là dị bản của đời sống hiện thực có tính thời đại (mà anh đang sống.) Cuộc sống hiện thực luôn cuồn cuộn và khốc liệt, không cho phép người cầm bút tô hồng, lãng mạn hóa hoặc bóp méo, bôi thêm thắt phẩm mầu vào nó. Sự có mặt của nhà văn cũng không cần thiết trong đời sống con người, nếu chỉ là tái hiện hiện thực. Sự có mặt cần thiết của nhà văn trong đời sống, chỉ có ý nghĩa, khi từ hiện thực nào đó mà tạo ra một dị bản. Dị bản phải bày tỏ nhãn quan riêng của nhà văn ở một tầng nấc cao hơn chính đời sống, mà nhà văn chứng kiến ở tư cách chứng nhân, hay nạn nhân...Ở chứng nhân thì rõ rồi, song ở nạn nhân thì anh phải thoát ra, bay lên, cao hơn cả nỗi đau khổ có tính cá thể của nhà văn, cho xuyên qua nó là một nỗi đau lớn hơn cái tôi. Dị bản tạo dựng ra một sự bao hàm chung đồng nhất trong cõi nhân quần, từ những câu chuyện, vấn đề cụ thể mà nhà văn quan tâm phải được soi sáng ở những tầng nấc văn hóa và triết học.
Tôi càng viết càng thấy khó. Khó là tự mình chứ không ai khác phải vượt qua một cánh rừng rậm. Không ai dắt tay nhà văn cả. Kể cả những bậc văn hào đi trước mà anh yêu quý, kính trọng, lớn như trái núi. Nhưng điều tôi tự tuyệt đối tin và tự xác quyết ở tôi là, tôi không đào xới cái ác một cách hả hê, dẫu là có khi phải trực diện đối đầu với nó. Sự viết cũng làm tôi tự thấy mình muốn sống tử tế hơn, khi nhìn vào các bậc tiền nhân, tự thấy tôi có lúc chả ra gì. Tôi cho là thêm một lần khám phá chính mình. Mà theo Phật học, khám phá bản thân để chiến thắng bản ngã là điều khó khăn nhất song cần thiết nhất để tự giác ngộ.
Cuối cùng tôi muốn tâm sự, rằng viết với tôi rất nhọc nhằn, vì tài năng hạn chế, nhưng càng viết càng làm cho tôi khao khát, ước mơ, đấu tranh quyết liệt cho một đời sống mà trong đó có mình, có rất nhiều bạn bè người thân yêu..., làm ra đậm hơn những giá trị tinh thần, đặc biệt là tình người là điều không bao giờ được quên lãng.