(VOV5) - Những năm qua, Hãng phim hoạt hình Việt Nam tích cực đổi mới tư duy nghệ thuật và phong cách sáng tác; đổi mới quy trình công nghệ, nâng cấp và hiện đại các trang thiết bị.
60 năm trước, ngày 9.11.1959, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, tiền thân là Xưởng phim Hoạt họa Búp bê Việt Nam đã được thành lập. Trải qua nhiều thăng trầm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn luôn bền bỉ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất phim hoạt hình có giá trị nghệ thuật cao phục vụ khán giả. Dựa vào truyền thống để đi tới, để làm những bộ phim dài có thể ra rạp là khao khát của những người làm nghề hoạt hình hôm nay.
Tôn vinh các nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND - Ảnh: Báo Văn Hóa |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ bộ phim hoạt hình đầu tiên “Đáng đời thằng Cáo” ghi dấu mốc ra đời của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, đến nay Hãng phim đã có gần 500 bộ phim hoạt hình được sản xuất. Và, nói như bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì, đây không chỉ là khối tài sản mà còn là diện mạo, góp phần định hình thương hiệu mang tên Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Từ năm 2016, sau khi chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần, Hãng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào, dù khó khăn đến mấy thì Hãng xác định vẫn phải duy trì làm phim với những tác phẩm mà chất lượng là yết tố hàng đầu; giữ vững tiêu chí giáo dục, định hướng nhân cách, gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.
NSND Nguyễn Phương Hoa, người được biết đến với các bộ phim hoạt hình như “Xe đạp”, “Lá cây và lông vũ”, “Quái vật hồ sen”, “Chuyện về những đôi giày”…Bà là thế hệ thứ hai của Hãng, sau thế hệ thứ nhất đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Hãng là NSND Trương Qua, NSND Ngô Mạnh Lân. Trở về ngôi nhà xưa, nơi gắn bó bao kỷ niệm làm phim thời còn khó khăn nhất, NSND Nguyễn Phương Hoa chia sẻ: "Tôi trở về đây với một cảm xúc rất xúc động. Và tôi nghĩ rằng đã trải qua đến 60 năm hãng phim với bao nhiêu những thăng trầm, vui buồn những nghệ sỹ chúng tôi tuy đã nghỉ hưu khá lâu rồi nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn theo dõi và cùng đầy nhiệt huyết với hoạt hình…Tôi tin vào lớp trẻ, Hãng phim sẽ phát triển. Nhưng quan niệm về hoạt hình vẫn còn hơi trì trệ, đó là một cái mà Hãng phải bật lên, phải nhìn ở một góc nhìn mới mẻ hơn và dám làm những cái gì đó lớn hơn, mạnh mẽ hơn"
“Lớn hơn”, “Mạnh mẽ hơn”-những điều mà NSND Nguyễn Phương Hoa mong muốn dường như được chứng minh qua những dự án, những bộ phim gần đây mà Hãng thực hiện như “Người anh hùng áo vải”, “ Trần Quốc Toản”, “Cậu bé cờ lau”, “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, “Sự tích đền Bạch Mã”, “Sự tích đền Voi Phục”... Những tác phẩm truyền tải nhiều thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước; về các danh nhân, danh tướng, sự kiện và địa danh lịch sử…
Nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản-Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, trong quá trình chinh phục thị trường, Hãng ngày càng ghi dấu ấn với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt. Đơn cử như năm nay, Hãng đã thực hiện gần 200 phút phim, tiêu biểu như phim lịch sử 3D “Truyền thuyết gươm thần” (thời lượng 30 phút), phim 2D “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” (thời lượng 20 phút), phim 2D “Thầy của muôn đời”, (thời lượng 20 phút)...
"Kịch bản phim ra rạp không chỉ đơn thuần như những kịch bản mà chúng tôi làm phim đặt hàng cho nhà nước. Bởi vì nó còn tính đến yếu tố khán giả, yếu tố thị trường. Đầu tư cho một bộ phim ra rạp rất là lớn, đặc biệt với hoạt hình không chỉ là đầu tư cho riêng bộ phim hoạt hình đó mà còn phải thay đổi gần như hệ thống công nghệ làm phim thì phim mới đủ chất lượng kỹ thuật để ra rạp. Thú thực việc đầu tư này cũng hơi mạo hiểm, cho nên ngay từ khâu kịch bản chúng tôi đã phải chặt chẽ. Vì thế chúng tôi hướng vào những tác phẩm văn học có sức lan tỏa, được công chúng thẩm định…" - Chị Thanh Hà chia sẻ.
Khó khăn về khâu kịch bản là đầu tiên, khó khăn thứ hai chắc chắn là yếu tố máy móc, công nghệ. Điều này thì NSUT Phùng Văn Hà-Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hiểu rõ hơn cả: "Muốn làm những bộ phim ra rạp rất là khó, nó cần nhiều thứ, về kinh phí, máy móc và con người. Anh hình dung một bộ phim ở nước ngoài họ làm trong 4 năm, và có hàng chục công ty liên kết với nhau. Nhưng hiện tại cơ sở vật chất của chúng tôi vẫn còn khó khăn rất nhiều, chúng tôi vẫn phải liệu cơm gắp mắm.Chúng ta không thể thoải mái làm một tác phẩm theo đúng ý chúng ta được. Máy móc, công cụ, sự hỗ trợ nếu chúng tôi được cập nhật thì nó thật sự mang lại cho chúng tôi rất nhiều ý tưởng và chúng tôi có thể thực hiện được trong tương lai".
Mong muốn có được các sản phẩm phim hoạt hình ra rạp là trăn trở của đội ngũ nghệ sĩ Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nhiều năm nay. Phim ra rạp ít nhất có độ dài từ 70 - 90 phút, chất lượng phim 2K, 4K... Theo NSUT Phùng Văn Hà, để dần từng bước hiện thực hóa mong muốn này, ngoài việc khắc phục khó khăn về phương tiện thiết bị máy móc thì, Hãng đã chủ động xây dựng kịch bản, chuẩn bị sẵn các điều kiện để triển khai sản xuất khi có thể... "Chúng tôi đang cố gắng đưa nền hoạt hình Việt Nam tiếp cận gần hơn với thế giới. Và mục tiêu trong những năm tới là cố gắng làm sao đưa những công nghệ tốt nhất để làm hoạt hình. Trong khả nặng, chúng tôi cố gắng một ngày gần nhất là đưa một bộ phim hoạt hình Việt Nam ra rạp mang đầy đủ yếu tố giải trí, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục…"
Những năm qua, Hãng phim hoạt hình Việt Nam tích cực đổi mới tư duy nghệ thuật và phong cách sáng tác; đổi mới quy trình công nghệ, nâng cấp và hiện đại các trang thiết bị, ứng dụng các thành tựu kỹ thuật tiên tiến vào làm phim, mở rộng các thể loại như phim 2D, 3D, kết hợp 2D với 3D, phim cắt giấy vi tính…Đó sẽ là tiền đề để trong thời gian không xa phim hoạt hình Việt Nam có thể ra rạp. Đây là khao khát không chỉ của những người làm nghề mà còn của khán giả.