# Vào 14h ngày 6/12 buổi tọa đàm với chủ đề “Tô Ngọc Vân – Ký hoạ kháng chiến” diễn ra tại hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, nhân dịp sắp ra mắt sách Tô Ngọc Vân – Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 – 1954 của Phan Cẩm Thượng do NXB Tri thức ấn hành.
Diễn giả trong buổi tọa đàm gồm nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà sưu tập tranh người Thái Lan Tira Vanichtheeranont, giáo sư Chu Hảo.
Tại buổi tọa đàm, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng giới thiệu các nghiên cứu về ký họa của Tô Ngọc Vân trong cuốn sách 424 trang với 380 ký họa từ sưu tập của ông Tira Vanictheeranont.
|
Một tác phẩm ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân |
Qua hơn 1 năm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về phong cách Tô Ngọc Vân, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã phân loại và xác định những ký họa nào của nhà danh họa, tác phẩm nào còn nghi ngờ, cũng như xác định giai đoạn những ký họa trước năm 1945, đi học và vẽ các cô người mẫu, chạy tản cư, theo kháng chiến chống Pháp, ký họa bộ đội và tù binh; ký họa An toàn khu trong Kháng chiến, đại hội Văn hóa văn nghệ Việt Bắc; ký họa Cải cách ruộng đất; cũng như từ thư từ và các ghi chép riêng của Tô Ngọc Vân.
Nhận xét về giá trị tư liệu từ những ký họa của Tô Ngọc Vân trải dài theo thời gian cho đến khi danh họa hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng:Trong rất nhiều các văn nghệ sĩ đi kháng chiến, thì người phản ánh được rõ số phận của dân tộc lại là một họa sĩ, và phản ánh một cách toàn diện, cho đến chi tiết nhất về xã hội, cảnh vật, thời sự và con người trong cuộc kháng chiến chống Pháp như thế nào…Một cái tiếc là ông Tô Ngọc Vân không sống dài hơn, để ông xây dựng những bức tranh ấy thành những tác phẩm về cuộc kháng chiến của dân tộc. Sự trưởng thành của một người nghệ sĩ đối với dân tộc mình không cần quá nhiều phương tiện, cái chính là suy nghĩ về dân tộc mình như thế nào, sự gắn bó với dân tộc mình như thế nào.
Tô Ngọc Vân là một trong những danh họa hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông thành công nhất với chất liệu sơn dầu. Thời kỳ đầu, chủ yếu ông mô tả vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ thị thành; những bức tranh nổi tiếng thời đó như: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ với hoa sen (1944)... Sau năm 1945, Tô Ngọc Vân mở đầu giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác với bức Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946)
Mời quý vị và các bạn đón nghe trong tạp chí văn nghệ thứ ba 10/12 tới những thông tin chi tiết đáng chú ý về việc sưu tầm ký họa của nhà danh họa cũng như quá trình kết nối tư liệu – lịch sử và nhân chứng để cho ra đời cuốn sách Tô Ngọc Vân – Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 – 1954 . /.