Khoảng cách từ hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ nhất (năm 1993) đến Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2 (năm 2015) là 22 năm. 4 năm sau, Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 được tiếp nối với sự tham gia hào hứng của các cây bút trẻ thế hệ 8x và 9x. Đây là một dịp điểm danh và nhìn nhận về tiềm lực những người viết trẻ đang học tập, làm việc tại thủ đô. Đặc biệt, sự trưởng thành của các cây bút trẻ 9x là một làn gió mát lành ở Hội nghị lần này
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Toàn cảnh Hội nghị viết văn trẻ lần thứ III |
Các cây bút 9X có mặt ở hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần này, người mới 20, người cũng sắp chạm 30, người đã từng tham gia hội nghị lần thứ 2, người mới đến còn bỡ ngỡ, người được giải thưởng văn học tuổi hai mươi, người có tiểu thuyết được xuất bản giới thiệu trên thị trường. Những gương mặt trẻ trung, thông minh và tràn đầy năng lượng. Ở họ có sự tự tin, ý thức về sự khác biệt của thế hệ mình .
Cây bút sinh năm 1997 Phạm Thúy Quỳnh bày tỏ: “Về mặt thế hệ, thì thế hệ 7X, 8X và 9X là hai thế hệ hoàn toàn khác nhau. Thế hệ 2K bây giờ cũng đã khác rồi. Khi khác thế hệ thì người ta sẽ nhận hệ tư tưởng và giáo dục khác nhau.Cho nên rất khó để các nhà phê bình có thể đồng cảm được với văn chương của thế hệ 9X. Bản thân thế hệ 9X cũng có những nhà phê bình 9X riêng. Tuy nhiên, nói như thế, chúng tôi cũng không thể nào phủ nhận được công lao của những nhà phê bình 7X, 8X cũng rất chiếu cố tới thế hệ trẻ chúng tôi, viết những lời có cánh, những lời bình luận công bằng để cho chúng tôi tiếp tục có động lực vươn lên, ngoài ra cũng có thể nhìn lại chính bản thân mình thông qua những lời phê bình khắt khe của những người đi trước đó”.
Phạm Thúy Quỳnh là tác giả trẻ nhất trong số 20 tác giả có tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI, với tập truyện dài “Trăng trong cõi”. Một gương mặt khả ái khác là Phạm Thu Hà, giải ba Văn học tuổi 20 lần thứ VI khi đang là sinh viên khoa Viết văn Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Đức Anh, chàng trai sinh năm 1993, giắt lưng hai cuốn tiểu thuyết “Tường lửa” và “Thiên thần mù sương”. Họ tự xác lập những hướng đi riêng, viết tiểu thuyết dã sử, theo đuổi dòng “trinh thám đen”, chinh phục không gian mạng, hay lạc vào thế giới kỳ ảo…
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. |
Khả năng tiếp cận công nghệ, tiếp cận những tri thức mới của nhân loại đã giúp thế hệ 9x mở rộng không gian văn học, đặt chân vào những nẻo đường còn ít người khám phá. Như nhiều nhà văn đã thành công thành danh, nhà văn thế hệ 7X Đào Trung Hiếu đặt niềm tin vào sự dấn thân và trưởng thành của các cây bút trẻ.
Theo anh, “Người trẻ là người có kinh nghiệm dồi dào, rất tươi mới, chưa bị chủ nghĩa kinh nghiệm, chưa bị những thành tựu lớn lao nào đó trong quá khứ khiến người ta không vượt qua được. Họ đang ở giai đoạn dấn thân, giai đoạn thử thách. Đặc biệt, người trẻ cập nhật được những vấn đề mới của xã hội, những vấn đề đương đại rất nhanh nhẹn”.
Nhà văn Đào Trung Hiếu cũng nhấn mạnh: “Những cây viết mà chúng tôi được biết có những tác phẩm được in sách, thậm chí có giải thưởng. Có những cây viết rất già dặn, tôi cho là già hơn tuổi. Qua sáng tác thấy họ rất chững chạc, tác phẩm lấp lánh triển vọng. Cùng với thời gian, với lòng yêu mến văn chương, thi ca, sự đúc kết về kinh nghiệm, trải nghiệm đời sống, thì tôi tin rằng đây sẽ là những cây bút cho ra đời những tác phẩm tốt, phản ánh được hơi thở của đời sống đương đại”.
Hồn nhiên, tự tin là điểm nổi bật ở người trẻ. Họ nghĩ, và viết, và tuyên ngôn mà chưa phải chịu nhiều sức ép dư luận. Song nếu nhìn từ Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2 đến hội nghị lần thứ 3, thì khoảng cách 4 năm ấy cũng ghi nhận sự trưởng thành về nhận thức xã hội của nhiều cây bút.
Với cây bút sinh năm 1991 Nhật Phi, ở hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2, anh hăm hở, nhiệt huyết tỏ bày; ở hội nghị lần này, vẫn giữ nhiệt huyết ấy, nhưng đã thêm phần suy tư, trầm lắng. “Chúng ta đang làm gì với ngần này sự ưu đãi. Đừng coi đó là sự hiển nhiên. Nhật Phi có cảm giác chúng ta đang chưa thực sự xứng đáng với những ưu ái đó… Chúng ta không nên ảo tưởng về vị trí và quyền lực của mình”.
Những lời khiêm tốn này không làm anh thấp hơn, bé nhỏ hơn, mà có lẽ, anh đã nhận được nhiều hơn tình cảm yêu mến của mọi người. Nhật Phi cũng thừa nhận, 4 năm qua anh không có thêm cuốn sách nào, nhưng anh đã trưởng thành nhiều hơn trong suy nghĩ, và viết vẫn là một lựa chọn, như một cuộc chơi mà ở đó anh có thể dành hết sự hứng khởi và tâm sức.
“Chắc chắn rằng mỗi tác giả trẻ ở đây đều có một lượng độc giả. Nhưng nhìn trên một bức tranh rộng hơn, đó là con số quá nhỏ. Câu hỏi đặt ra đó là ai sẽ đọc chúng ta, bởi vì ở mỗi một khía cạnh sẽ đều có những người cao hơn. Nói về chuyên môn, nói về chiêm nghiệm, về tư tưởng, thì thế hệ các bậc tiền bối như bác Bảo Ninh, bác Nguyễn Huy Thiệp… họ đứng riêng trong thời đại của họ, không phải là chỗ để cho “bọn trẻ” có thể chen vào được. Nếu người ta muốn đọc văn học hiện đại một chút, thực chất một chút, người ta sẽ đọc những cuốn sách văn học nước ngoài, với những tên tuổi lớn và đã có sự bảo chứng. Khi các nhà xuất bản giới thiệu sách của tác giả trẻ trong nước, nó sẽ giống như việc làm mang tính chất là trách nhiệm, mang tính chất là nghĩa cử, để kích thích văn học trong nước nhiều hơn là một cái gì đó thực sự ghi nhận về chất lượng và tiềm năng có lợi nhuận”.
Thành công ở buổi đầu cầm bút và trưởng thành về nhận thức để không dừng lại mà tiếp tục thu nhận thêm những giá trị, làm mới trang viết của mình. Tinh thần ấy rất đáng trân trọng và khích lệ. Trong tham luận đọc trước hội nghị, Đức Anh đưa ra nhiều câu hòi: “Các câu hỏi Văn chương là gì? Nhà văn là những ai và họ làm gì? không bao giờ là câu hỏi cũ. Cho dù đã bước chân vào hay vẫn còn ở trong phòng chờ của văn chương, rồi sẽ đến lúc những người cầm bút phải đặt lại toàn bộ vấn đề ấy. Nhất là khi, thời đại xung quanh chúng ta biến đổi ngày một nhanh chóng và mạnh mẽ…”.
Cây bút trẻ Đức Anh tranh luận tại hội nghị . |
Ý thức về sự biến đổi, nên đòi hỏi với người viết càng phải khắt khe hơn, nếu như họ muốn tồn tại, muốn đi đến cùng niềm đam mê. Lần đầu tham dự Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội, cây bút Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm thứ 3 Học viện báo chí và tuyên truyền có những suy nghĩ chững chạc: “Thế hệ nào cũng phải đối mặt với những vấn đề khó khăn riêng về kinh tế, xã hội, chính trị… Nhưng vào thời kỳ mà chúng tôi sinh ra, trải nghiệm, lớn lên, văn hóa và tất cả các mặt đời sống xã hội thay đổi nhiều so với thế hệ trước. Chúng tôi phải đối mặt theo một cách thức hoàn toàn mới. Có thể là chúng tôi sẽ hơi bỡ ngỡ một chút, hơi khó khăn để tìm ra con đường của chính mình một chút. Nhưng chúng tôi lại có những công cụ mới, nguồn tri thức rộng mở hơn, dễ dàng để tiếp nhận những kiến thức từ bên ngoài. Từ đó chúng tôi cũng sẽ có sự chọn lọc, dù khó khăn, bởi vì càng nhiều thì càng khó, nhưng cũng nhiều sự lựa chọn hơn, để từ đó lựa chọn con đường riêng cho mình”.
“Dù thế nào chúng ta vẫn là người chép sử trong thời đại mình”. Suy nghĩ này của Nhật Phi cũng là suy nghĩ của nhiều cây bút trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, dù viết về hiện tại hay quá khứ, tương lai, theo phương pháp hiện thực hay huyền ảo thì đích đến vẫn là đời sống này, với những vấn đề mới liên tục nảy sinh, mà trách nhiệm người cầm bút không thể né tránh.
Văn học trẻ cần sự đồng hành và giúp đỡ ở nhiều phía, từ các cơ quan truyền thông báo chí, nhà xuất bản, quỹ hỗ trợ sáng tác. Song tất nhiên, sự giúp đỡ là yếu tố bên ngoài, còn quyết định thành bại lại thuộc về nội lực bên trong. Tuổi trẻ đồng nghĩa với sáng tạo, bứt phá. Những cây bút 9x hôm nay, với đầy đủ sức khỏe, năng lực và tri thức, họ sẽ tự tạo ra những giá trị của thời đại mình, là một làn gió mát lành của văn chương hôm nay.
“Tôi có một mong muốn là người sáng tác làm sao theo kịp được những vấn đề của thời sự, những vấn đề nóng bỏng của thành phố Hà Nội và của đất nước. Người viết không thể đứng ngoài những vấn đề của xã hội được. Nhà văn nhà thơ trước hết là một con người. Một con người thì có thất tình, lục dục. Tất cả những yêu những ghét thể hiện ra trong sáng tác của mình. Nhà văn nhà thơ bao giờ cũng phải hướng tới những giá trị chân thiện mỹ” (Lại Đức Trung – Đại biểu tham gia hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3)
“Ở Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần này, chúng tôi đề cao rất nhiều đến hững tác phẩm có chất lượng, những tác phẩm của những tác giả thiểu số (về lượng phát hành) cần phải được trân trọng và phát triển. Tôi nghĩ, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước thì mới đảm bảo được. Còn không thì rất khỏ, bởi vì sẽ không có người đọc. Những buổi tương tác, những chương trình như thế này sẽ giúp ích rất nhiều cho các tác giả trẻ giữ vững được niềm tin. Họ sẽ có những người tri âm tri kỷ, họ sẽ cảm thấy có niềm tin để vững bước trên con đường văn chương đích thực” (Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn học trẻ Hà Nội Nguyễn Vinh Huỳnh)
“Cuộc chơi của các nhà văn trẻ là một trò chơi xếp gỗ: ta phải giữ được cân bằng, trước hết, là cân bằng giữa năng lượng sáng tạo và năng lực tiếp nhận của thị trường. Sau đó là cân bằng giữa cuộc sống đời thường và cuộc sống văn chương. Trong đó, chính yếu là sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong mỗi dự án sách” (Cây bút trẻ 9X Đức Anh)