(VOV5) - "Tổng thể của câu chuyện Mekong show hứa hẹn ngang tầm với À ố show trong tương lai trên con đường xây dựng thương hiệu nghệ thuật dành cho du lịch trong và ngoài nước"
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chương trình "Mekong show" của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa ra mắt đã được người xem tại TP HCM đón nhận nồng nhiệt. Sở Văn hóa Thể thao TP HCM đã trực tiếp đầu tư kinh phí để Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam dàn dựng Mekong Show như một chương trình trong điểm. Với kịch bản của đạo diễn Lê Quý Dương, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn đã dàn dựng Mekong Sow như một hành trình khám phá vùng đất phương Nam. Chương trình biểu diễn tại Rạp xiếc công viên Gia Định, đường Hoàng Minh Giám, Quận Gò Vấp, TP HCM đã mang đến những ấn tượng mới, lạ và hấp dẫn.
Một cảnh trong Mekong Show |
Trong 60 phút, Mekong show đã thu hút khán giả từ đầu đến cuối khi hai thác được hầu hết các kỹ thuật của xiếc kết hợp với múa rối nước, rối cạn, đã tái hiện ngoạn mục câu chuyện khai hoang, mở đất của người dân phương Nam. Đề tài con người và vùng đất Nam Bộ là mảnh đất màu mỡ để xiếc, rối sáng tạo làm nên sức hấp dẫn cho vở diễn.
Đạo diễn Lê Quý Dương kể lại “nguồn cơn” của ý tưởng sáng tạo độc đáo này: “Tôi ấp ủ từ rất lâu ý tưởng viết kịch bản có thể chứa dựng được tất cả dòng chảy lịch sử của một vùng đất và từ đó kể lại được câu chuyện của những thế hệ người dân đã sống ở vùng đất đó.
Với quá trình làm những lễ hội ở đồng bằng sông Cửu Long, như lễ hội dừa ở Bến Tre đua ghe ngo ở Sóc Trăng, festival đờn ca tài tử, vv… và đặc biệt chương trình tôi làm với rất nhiều cảm xúc là chương trình kỷ niệm 300 năm Biên Hòa Đồng Nai, thì tôi cảm nhận được, miền Nam có một lịch sử với câu chuyện rất ấn tượng về hành trình của những người đi mở cõi 300 năm qua. Câu chuyện về hành trình mở cõi của cha ông chúng ta đi về phương Nam chứa đựng rất nhiều những điều mà thế hệ hôm nay cần biết. Nhưng với một dung lượng nội dung lớn lao như vậy, làm sao để có thể lồng ghép trong một hình thức nghệ thuật vừa hấp dẫn lại vừa đa dạng, ấn tượng, thì thực sự là câu chuyện tôi đi tìm trong nhiều năm.
Vừa rồi tôi có dựng vở Mưa rồng cho nhà hát múa rối Thăng Long Hà Nội. Trong quá trình dựng vở, tôi đã kết hợp rất chặt chẽ giữa rối nước truyền thống của Việt Nam với nghệ thuật hình thể, với hiệu ứng âm thanh ánh sáng, đặc biệt chúng tôi đã đưa vào kỹ thuật biểu diễn cho diễn viên múa rối nước - những người mà trước đây chỉ đứng ở sau mành điều khiển con rối. Qua quá trình làm, tôi nghĩ rằng à, chính đây là chìa khóa để có thể tạo nên được một sự kết hợp mới.” - Lê Quý Dương tâm sự.
Nghệ thuật biểu diễn rối trong những đại cảnh, chuyển cảnh của vở diễn |
Vốn là một đạo diễn nổi tiếng đã có kinh nghiệm nhiều năm với sân khấu Australia cũng như Việt Nam, và có sự kết nối chặt chẽ những với các hệ thống sân khấu biểu diễn quốc tế, Lê Quý Dương đã tìm được chìa khóa sáng tạo cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam qua Mekong show.
Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn và đội ngũ hơn 50 diễn viên, kỹ thuật viên đã dàn dựng vở diễn trong khoảng 20 ngày. Ngay sau khi vở diễn ra mắt có nhiều tiếng vang với báo chí. Tờ Người lao động nhận xét: “Các tiết mục xiếc, rối được lồng ghép chặt chẽ, vận dụng tối đa điểm nhấn của từng loại hình” “NSND Trần Minh Ngọc nhận xét Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã có bước chuyển mình đáng khen ngợi, khi tổng thể của câu chuyện Mekong show hứa hẹn ngang tầm với À ố show trong tương lai trên con đường xây dựng thương hiệu nghệ thuật dành cho du lịch trong và ngoài nước.”
Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn cùng ê kíp đã tạo nên một show diễn hấp dẫn khán giả, kết hợp nhuần nhị giữa nghệ thuật rồi và nghệ thuật xiếc |
Nổi tiếng với những ý tưởng sáng tạo trên các sân khấu trình diễn và lễ hội, Lê Quý Dương thường nhìn thấy những yếu tố tích cực trong khó khăn để có thể tạo ra cái mới: “Đúng là rất may mắn. Thực trạng của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam từ trước đến nay là Nhà hát của hai đoàn nghệ thuật kết hợp lại: Đoàn xiếc thành phố Hồ Chí Minh và đoàn nghệ thuật múa rối Thành phố. Thế thì kịch bản tôi sẽ viết làm sao để có thể kết hợp hai loại hình với nhau, để họ sẽ tương tác với nhau trong tổng thể của một kịch bản chuyển hóa hài hòa giữa nghệ thuật xiếc và nghệ thuật múa rối. Thứ nhất là tạo nên tính đa dạng trong hình thức thể hiện, hai là mở rộng ngôn ngữ diễn đạt cho cho câu chuyện.
Trong khi xiếc rất nhanh, rất vui, rất hấp dẫn, năng động, nhưng có những khi không tạo được những đại cảnh, thì chính nghệ thuật múa rối nước của cha ông chúng ta lại tạo nên được những đại cảnh, và có tính kỳ thú. Điều này sẽ làm cho chương trình trở thành loại hình mà tiếng Anh gọi là multiple art forms, tức là một loại hình nghệ thuật kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật để trở thành một loại hình nghệ thuật mới - Loại hình này được gọi là Mới khi nó có khả năng diễn đạt một cách khác lạ hiện thực đời sống, và tạo nên được những thông điệp mới trong câu chuyện."
Các nghệ sĩ trên sàn diễn. |
Khi được hỏi tại sao không tham gia đạo diễn một kịch bản đã ấp ủ từ lâu, chưa kể việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa xiếc và rối từ ý tưởng đến sàn diễn trong một vở diễn thực sự không dễ dàng, Lê Quý Dương cho biết, lúc đó anh đang bận với công việc ở sân khấu phía Bắc, và đạo diễn Nguyễn Phi Sơn của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã làm việc cùng tác giả kịch bản, cùng tìm được sự đồng cảm lớn. Bằng tay nghề vững vàng, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn đã kể được câu chuyện mạch lạc, dễ nắm bắt.“Khi tôi đưa ra kịch bản chi tiết để làm việc thì nó rất kỹ đến từng cảnh, đoạn nào sẽ chuyển hóa từ xiếc sang rối, đoạn nào sẽ phát triển múa rối lên, đoạn nào chuyển hóa ngược lại từ rối sang xiếc. Và cứ như thế nó giống như hai loại hình nghệ thuật tung hứng cho nhau trong câu chuyện về người dân Nam Bộ đi khẩn hoang, đi xây dựng cuộc sống ở phía Nam.
Điều lớn nhất ngoài câu chuyện tạo nên được sự kết hợp trong nghệ thuật ở kịch bản này, điều mà tôi rất vui và anh em cũng rất vui, là có lẽ rất nhiều năm sau khi sáp nhập lại, thì anh em nghệ sĩ của hai đoàn mới thực sự làm chung trong một công trình nghệ thuật của nhà hát.” - Lê Quý Dương cho biết.
Hình thể, hành động và âm nhạc đã đủ cho sức hấp dẫn của Mekong Show. Khán giả ”trầm trồ với nghệ thuật tạo hình của NSND Vương Tất Lợi”, âm nhạc với những giai điệu ngũ cung đờn ca tài tử Nam bộ kết hợp với tính hiện đại của nhạc sĩ Hồ Văn Thành. “Phần biên đạo múa của Mạnh Quyền và trợ lý Trần Được đã cộng hưởng sức mạnh cho đạo diễn Nguyễn Phi Sơn tăng tính hiệu quả nghệ thuật trong bức tranh tổng thể đầy màu sắc của chương trình. Sự háo hức của đội ngũ diễn viên khi họ không còn diễn những trò đơn lẻ mà được hóa thân vào nhân vật để kể chuyện, đưa Mekong Show đến với khán giả một cách chuyên nghiệp. Chính vì thế, khi chương trình khép lại là những tràng pháo tay không dứt từ khán giả” - Nhà báo Thanh Hiệp của tờ Người lao động ghi nhận.