Một góc nhìn về truyện tranh Nhật Bản và những kết nối với Việt Nam

(VOV5)- Manga – truyện tranh kiểu Nhật không chỉ là thể loại văn học đặc trưng mà còn là một biểu tượng văn hóa đương đại của Nhật Bản. Manga có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, truyện tranh Manga bắt đầu có sức hút tại Việt Nam. Mời quý vị nhấn vào đây để nghe âm thanh bài viết:



GS. Sakae Kato (Đại học Daito Bunka, Nhật Bản) cho biết: “Tại các nước như Việt Nam, Malaysia hay Thái Lan… truyện tranh Nhật Bản đã thực sự thấm vào đời sống của người dân bản địa. Nhắc đến Manga là người ta nhớ ngay đến Nhật Bản, đến chú mèo máy Doremon. Tác phẩm Doremon được tiếp nhận áp đảo tại các nước Đông Nam Á. Ý tưởng về chiếc túi thần kỳ có thể biến tất cả thành hiện thực rất phù hợp với ước mơ của người dân ở những đất nước vừa mới có được cuộc sống ổn định trong sự phát triển kinh tế chung của châu Á trong thập niên 80.”      


Một góc nhìn về truyện tranh Nhật Bản và những kết nối với Việt Nam - ảnh 1Ở Việt Nam, truyện tranh thiếu nhi Doremon đã là sách bán chạy nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tiếp theo thành công của Doremon, “Thủy thủ mặt trăng”, “Nữ hoàng Ai Cập” vv… liên tiếp gây dấu ấn trong lòng công chúng và mở đầu cho phong trào đọc truyện tranh trở lại.

Sau xu hướng truyện tranh Comics của châu Âu, các họa sĩ đã nhanh chóng tiếp thu xu hướng truyện tranh manga của Nhật Bản. Có thể bắt gặp sự thần kỳ, vẻ đẹp thuần khiết từng xuất hiện ở Manga qua những tập truyện: “Cô tiên xanh”, “Thần đồng đất Việt”, “Hiếu thảo” và gần đây nhất là tuyển tập “Kính vạn hoa” của Nguyễn Nhật Ánh.

Nếu như ở Nhật Bản, truyện tranh có rất nhiều thể loại, đề tài khác nhau dành cho moị lứa tuổi  từ trẻ đến già, truyện tranh lứa tuổi trung niên rất nhiều thì độc giả Việt Nam chủ yếu lại là thiếu niên, nhi đồng.

Nhìn nhận sự tiếp nhận truyện tranh Nhật Bản của giới trẻ Việt từ góc độ văn hóa, lịch sử, ThS Phạm Hoàng Hưng (Giảng viên ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Nền văn minh Trung Hoa và tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng rất mạnh đến các nước như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam thì nay, Nhật Bản là nước trung tâm phát ra các nước lân cận văn hóa giới trẻ của mình như: truyện tranh, cosplay, game… Có thể nói rằng các nước lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam thì việc tiếp nhận văn hóa giới trẻ của Nhật Bản khá dễ dàng. Chúng ta có sự chia sẻ trong lịch sử và bây giờ thì giới trẻ giống nhau ở rất nhiều điểm. Họ coi trọng bạn là ai, bạn làm gì để xác định vị trí của mình trong cộng đồng, nhóm bạn. Đó là cái văn hóa giới trẻ hướng đến và họ có thể tìm thấy trong văn hóa giới trẻ của Nhật Bản. Những đối tượng như thiếu niên, đối tượng đã trưởng thành cũng có nhu cầu đọc và sau khi truyện tranh Nhật Bản du nhập vào thì người ta mới hiểu ra vấn đề ấy.”

Truyện tranh Nhật Bản đã phát triển ở đỉnh cao với sự phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại và trở thành một mũi nhọn công nghiệp. Còn ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khách quan, truyện tranh vẫn còn đang có những bước đi chập chững, mặc dù đã có một lượng lớn họa sĩ khá hùng hậu.

Trong những năm qua, đã có nhiều hoạt động của các Nhà xuất bản, các tổ chức văn hóa để người đọc Việt Nam hiểu rõ hơn về truyện tranh. Chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa: “Phụ nữ và truyện tranh: Kết nối những nền văn hóa ngoài Nhật Bản” do Trung tâm văn hóa Nhật Bản phối hợp với Dự án nghiên cứu truyện tranh của phái nữ, chương trình Aseanbeat của tỉnh Fukuoka là một trong những hoạt động như vậy. Đồng thời, chuỗi sự kiện này cũng giới thiệu sâu hơn về một thể loại truyện tranh mang tính cách mạng của Nhật Bản là Shojo Manga, truyện tranh dành cho phái nữ.

Một góc nhìn về truyện tranh Nhật Bản và những kết nối với Việt Nam - ảnh 2Từ những trao đổi, bàn luận các nhà nghiên cứu truyện tranh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển nền truyện tranh của mỗi nước, đó là không chỉ có sự tìm tòi riêng của giới họa sĩ mà cũng cần có những nghiên cứu thích đáng từ các nhà nghiên cứu để truyện tranh Việt Nam thực sự có con đường phát triển riêng của mình. GS.TS Jacqueline Berndt (Đại học Kyoto Seika, Nhật Bản) nhấn mạnh:“Nên chăng chúng ta nên nghiên cứu từ chính nước chúng ta bởi mỗi nước có một nền văn hóa, lịch sử khác nhau. Từ đó, chúng ta sáng tạo ra những sản phẩm của riêng mình bởi đặc trưng của chúng tôi chưa chắc đã là điều thu hút các bạn và ngược lại. Để nghiên cứu thành công, rất cần sự hỗ trợ từ phía địa phương.”

Chuỗi sự kiện “Phụ nữ và truyện tranh: Kết nối những nền văn hóa ngoài Nhật Bản” là cơ hội cho những họa sĩ, các nhà nghiên cứu Việt Nam không chỉ đơn thuần được thưởng thức manga mà còn có thể tăng cường vốn hiểu biết chuyên môn của mình về  một thể loại đặc sắc trong đó là truyện tranh dành cho phái nữ, Shojo Manga.

Lịch sử văn học nghệ thuật là những quá trình sáng tạo, nghiên cứu, học tập, tiếp biến và học hỏi không ngừng. Sự giao lưu với truyện tranh Comics trước đây, truyện tranh Manga sau này và còn nhiều loại truyện tranh khác nữa đã tạo những cánh cửa mới cho sự phát triển của nền truyện tranh Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác