Một lát cắt phía trong Chuyển mình đô thị

(VOV5) - Tưởng tượng tới một nụ cười mỉm, là không khí của cuộc sắp đặt này muốn lan tỏa tới người xem

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bạn biết đấy, đóng cánh cửa kính lớn ngăn cách với đường phố, Sảnh triển lãm trung tâm văn hóa Pháp vẫn có tiếng còi xe máy, xe ô tô và rất nhiều âm thanh từ phố Tràng Tiền vọng vào, vô tình như một cái nền xuyên suốt Triển lãm sắp đặt Chuyển mình hứng khởi.

Cuộc gặp gỡ giữa ba nghệ sĩ, hai nước ngoài và một gốc Việt, đem tới một cách nhìn thú vị từ một nền văn hóa khác về không gian đô thị Việt Nam. Hãy tưởng tượng tới một nụ cười mỉm, là không khí của cuộc sắp đặt này muốn lan tỏa tới người xem, khi quan sát từ tổng thể tới chi tiết câu chuyện không gian đô thị Việt đã biến đổi ra sao.

Nghệ sĩ tạo hình, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Pierre Larauza cho biết: “Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” được lấy cảm hứng từ những sụ chuyển dịch đương đại, nói cách khác là những sự việc diễn ra  tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà đã khiến ba chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Triển lãm bao gồm ba hợp phần. Hợp phần của Emmanuel Vincent và về tạo hình và nhiếp ảnh, của Thy là vẽ và phần của tôi là phục dựng lại 1 chiếc xe máy cổ mà tôi đã tháo tung ra và treo từng bộ phận lên không trung, giống 1 phương tiện biết bay trong tương lai. Thông điệp của tôi đó là dùng sự hợp nhất của quá khứ và tương lai để nói về hiện tại. Và hiện tại đó có thể cũng sẽ biến mất ngay tức khắc.”

Một lát cắt phía trong Chuyển mình đô thị - ảnh 1Một chiếc xe máy bị phân rã lơ lửng trong không gian, cũng có thể kể lại nhiều điều về tiến trình thay đổi của đô thị hiện đại. - Phần sắp đặt của Piere Lauza trong triển lãm Chuyển mình đô thi. 

Tác phẩm sắp đặt của Pierre Larauza trong triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” đề cập đến mối dây gắn kết giữa điêu khắc và lưu trữ tư liệu, thông qua việc phân rã chiếc xe máy honda nhãn hiệu Kawasaki được xem như huyền thoại một thời, ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong xã hội Việt Nam. Sự thú vị đến từ những chi tiết kỳ lạ với người nước ngoài, như việc tại sao người miền Nam một thời gọi tất cả các loại xe máy là xe hon-đa, hay Kawasaki nhưng có thêm cái đuôi “ss”, như biểu hiện của hàng nhái từ Tàu sang...

Nữ biên đạo, diễn viên múa người Pháp Emmanuelle Vincent dùng cái nhìn của múa để kể về một hiện tượng đô thị rất đặc trưng của Việt Nam. Tác phẩm “Bảng chữ cái hỗn độn” của Emmanuelle được tạo nên từ 58 bức ảnh chụp trong vở múa “Mutante” (Biến thể) tái hiện thành công hình ảnh thú vị: những người phụ nữ mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông: “Lí cho chúng tôi chọn làm về sự chuyển dịch tại Việt Nam, là vì tôi đã ở đây nhiêù năm và đã tận mắt chứng kiến những sự thay đổi hiển nhiên, với tốc độ rất rất nhanh tại đây. “Hứng khởi” bởi vì trước những sự thay đổi, những tình huống này, chúng tôi hoàn toàn không biết giải thích thế nào, cũng không hiểu được rằng đó là tiêu cực hay tích cực nên chúng tôi cười, vì chúng tôi luôn cảm thấy phân vân. Đó là lí do vì sao triển lãm mang tên “Chuyển mình hứng khởi”

Và họa sĩ người Bỉ gốc Việt Trương Minh Thy – Nguyên mang đến cho sảnh triển lãm sự kết hợp của tranh tường: “Tôi thích sáng tạo một hình ảnh của mơ ước, dùng đô thị như một con tôm lớn tượng trưng cho tương lai của đô thị. Con tôm như là sự sung túc, đủ đầy, tràn trề. Và đối diện với con tôm đó như là mình đam mê, và cũng có chút sợ, vì con tôm đó quá lớn, khổng lồ như một quái vật. Và mình cũng muốn thử ăn nó.”

Ba nghệ sĩ đến từ những vùng đất khác nhau cùng quan sát một cách kín đáo những thay đổi mà các đô thị lớn ở Việt Nam đang trải qua bằng một cái nhìn lạc quan, với một thái độ có đôi chút hài hước.

Một lát cắt phía trong Chuyển mình đô thị - ảnh 2 Vở múa đương đại Sự uốn éo của đô thị - Nghệ sỹ múa: Emmanuelle Vincent, Ivy Tsui, Pierre Larauza, với sự tham gia của Charles Ngombengombe, Olga Ndaya Larauza và một nghệ sỹ khách mời tại Thành phố Hồ Chí Minh.; họa sỹ Trương Minh Thy-Nguyên

Ngoài triển lãm diễn ra từ 22/9 đến 4/11. tiếp tục chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị thông qua hội họa, vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt, vở múa đương đại “Sự uốn éo của đô thị” của đoàn nghệ thuật t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e do Pierre Larauza và biên đạo Emmanuelle Vincent trình diễn vào tối thứ 7, 23/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội; và tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 14.10.2017.        

Như chúng tôi đã đưa tin, trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á – Âu 2017, Triển lãm - sắp đặt Chuyển mình hứng khởi của 3 nghệ sỹ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy-Nguyên khai mạc ngày 21.09 tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác