(VOV5) - "Triển lãm là sự kết hợp bất đối xứng nhất của một người tạm gọi là nóng, một người tạm gọi là lạnh, một người là cẩn trọng, một người là hân hoan"
Triển lãm Duo Design (Múa Đôi) của hai nghệ sĩ Lê Thiết Cương và Đinh Công Đạt diễn ra từ ngày 10-14/5, tại Press Club (59A Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt - Ảnh: Thúy Hằng/vietnamnews |
Bản thân hai nghệ sĩ không phải xuất thân làm thiết kế chuyên nghiệp, mà con đường của họ đi lại hoàn toàn khác nhau. Lê Thiết Cương là họa sĩ, còn Đinh Công Đạt lại là nhà điêu khắc. Mặc dù vậy, đích đến của họ tại buổi triển lãm này lại mang hơi thở của thời đại. Họ cùng "múa đôi" để nhấn mạnh hai điều: Một là- tác phẩm thiết kế không giới hạn người tạo ra nó và, hai là - “Múa đôi” không “mất gốc” dấu ấn nghề nghiệp chính của mỗi người. Nguyễn Vũ Hà giới thiệu về “Lê Thiết Cương và Đinh Công Đạt cùng múa đôi trong triển lãm Duo Design”
Hai nghệ sỹ với hai cá tính sáng tạo khá tương phản nhau; người thị kiệm lời, tối giản, người thì hoạt ngôn, rực rỡ đã cùng “múa đôi” như thế nào để hai người không dẫm chân lên nhau mà cùng nâng bước cho nhau? Còn lý do để “múa đôi”, theo như hai nghệ sỹ chia sẻ: “thích thì rủ nhau triển lãm thôi, chứ chẳng có lý do nào cả”. Nhưng trên phương diện nghệ thuật, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho biết, chính sự tương phản lại tạo nên sự tương hỗ và hài hòa: “Có thể cái hay nhất, cái thú vị nhất của triển lãm này là sự kết hợp cọc cạch, thậm chí nó là sự kết hợp bất đối xứng nhất của một người cứ tạm gọi là nóng, một người tạm gọi là lạnh, một người là cẩn trọng, một người là hân hoan. Tôi và Cương cùng chung quan niệm nghệ thuật, cái vẻ đẹp thì dù đi từ hướng nào đến, đi từ triết học, đi từ sự cẩn trọng hay đi từ sự hân hoan đến, nhưng cái đích của chúng tôi có lẽ đã gặp nhau, mặc dù cái cách phát triển khác nhau. Và theo tôi đó là sự kết hợp thành công…”
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt - Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Đinh Công Đạt, như cách nói của người bạn thân-họa sỹ Lê Thiết Cương là luôn muốn đạt tới sự tối đa, cầu kỳ và phức tạp. Vậy nhưng, sự “cầu kỳ và phức tạp” của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thể hiện ở những tác phẩm trong triển lãm này đều rất tuyệt vời. Đơn giản như cái hộp đựng xì-gà nhỏ xinh anh đã phải mất 3 năm để chế tác nó, chỉ vì chưa nghĩ ra cách làm cái núm cho nó vừa đẹp vừa độc. Còn những chiếc mâm gỗ anh đã phải mất hàng năm trời lặn lội lên những bản làng xa xôi ở miền núi phía Bắc tìm mua và mang về thiết kế lại, khoác cho nó một dung mạo mới. Những chiếc mâm được phủ thêm lớp sơn ta tự nhiên, trang trí màu sắc rồi được đặt trên những chiếc chân thép trông rất chắc chắn và vừa vặn. Vậy là chiếc mâm bị bỏ đi đã có một đời sống mới, một thân phận mới: “Nó tiếp tục có một đời sống, một giá trị sống khác. Nếu bạn nhìn cái mâm tròn bằng gỗ nó chỉ là cái mâm để ăn cơm thì sẽ khác. Nhưng bạn thử tưởng tượng từ cái mâm ấy có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên; bao nhiêu đứa trẻ ăn cơm; bao nhiêu ông chồng say rượu gục trên mâm rồi đạp đổ mâm. Ngoài ra còn bao nhiêu cặp vợ chồng bắt đầu đời sống vợ chồng từ cái mâm, và rồi lại ly dị cũng từ đó thì đời sống của cái mâm này đã khác. Tôi đã cho nó một cuộc sống khác để nó kéo dài ra…”
Tác phẩm trong triển lãm - Ảnh: Báo An ninh Thủ đô |
Nếu coi thiết kế là một hành trình, nó phải xuất phát tại ga khởi hành nào đó, với Đinh Công Đạt ga khởi hành chính là điêu khắc. Điều đó vô cùng thuận lợi, vì điêu khắc vốn gần gũi với thiết kế. Đinh Công Đạt như một người “phiên dịch”, anh thích chuyển ngữ những đồ vật có sẵn, dùng rồi, cổ, cũ để biến chúng thành những tác phẩm thiết kế, thành cái mới. Mới nhưng người ta vẫn nhận ra cái cũ. Và mới trên cái cũ nhưng vẫn hiện đại, vẫn có cả vẻ đẹp và công năng sử dụng.
Ví như bộ bàn ghế xa-lông cũ, anh gần như giữ nguyên chỉ phủ lên hai thành ghế một màu sơn đỏ hồng được pha chế theo kỹ thuật sơn ta, tạo sự tương phản. Hoặc là cái kệ được làm từ chiếc thớt, Đinh Công Đạt đã bỏ 100% công năng và 95% cái nhìn thấy bằng thị giác của cái thớt để làm một món đồ mới; mới cả hình hài và giá trị sử dụng. Bộ bàn ghế và cái tủ nữa, qua con mắt thiết kế của người nghệ sỹ nó vừa mang tính nghệ thuật vừa có giá trị kinh tế rất cao, như anh “bật mí” có giá lên tới 4-5 ngàn đô-la Mỹ.
Tất cả những sản phẩm design của Đinh Công Đạt đều mang một câu chuyện, một đời sống rất nhân văn: “Thực ra tôi cũng thích những món đồ cũ, đồ cổ. Thế nhưng, những món đồ cổ nó đã toàn bích rồi thì mình cũng không dám, không nỡ, không đủ năng lực để làm cho nó đẹp hơn. Nhưng những món đồ cũ trong cuộc sống thông thường bị vứt một xó, thậm chí bị bán rất rẻ, thì nó lại gây cho tôi những cảm hứng. Vì món đồ nó chỉ tồn tại khi nó được sử dụng trong đời sống. Và cái món đồ được ddissign càng được dùng nhiều thì nó càng chứng tỏ cái giá trị của món đồ càng lớn, tuổi thọ của món đồ càng lớn…”
Tác phẩm trong triển lãm - Ảnh: Báo An ninh thủ đô |
Tác phẩm thiết kế của Đinh Công Đạt phát triển trên cảm hứng về nghề thủ công và đồ thiết kế truyền thống: ghế sắt rèn chạm hoa văn, bàn và đôn làm từ thớt gỗ vẽ sơn mài, bàn từ mâm cổ và thớt làm sơn mài kết hợp với chân đồng, hộp và tráp chế tác sơn mài…Còn với riêng Lê Thiết Cương thì, dù vẽ hay thiết kế vẫn trung thành với quan niệm nghệ thuật tối giản. Khách tham quan không cần đọc thêm lời giới thiệu nào, cũng như một ghi chú về chất liệu hoặc câu chuyện kèm theo cho mỗi món đồ, nhưng vẫn nhận ra đó là của Lê Thiết Cương. Nó câm lặng, im thin thít nhưng đủ vang để hé lộ một câu chuyện nào đó, có thể nhỏ nhưng sắc, nặng. Ví như những tác phẩm thiết kế của anh trong triển lãm gồm ghế sắt; bộ bình sơn mài trên gốm; và bộ bình gốm vẽ tay...để họa sỹ Lê Thiết Cương nhắn gửi một điều: “Qua đấy tôi muốn tôn vinh cái nghề truyền thống, cũng như muốn nói với các bạn ở các làng nghề đó rằng: Các bạn làm gì thì làm, các bạn muốn bảo vệ truyền thống các bạn phải có thiết kế, phải có quan niệm về design. Cái sản phẩm ấy nó chỉ có thể sống được nếu như nó tồn tại được trong cuộc sống hiện đại. Và đó là cái cách bảo tồn hay nhất…”
Hai nghệ sỹ với hai tiếng nói, hai phong cách khi cùng nhau triển lãm đã tạo ra những cuộc đối thoại, khiến người xem thích thú như chia sẻ sau đây của họa sỹ Nguyễn Thị Hồng Phương: “Cảm giác đầu tiên của tôi là ấn tượng. Đầu tiên là ấn tượng về những đồ dùng hàng ngày, nhưng qua con mắt và sự sáng tạo của người nghệ sỹ nó lại tạo nên sự tinh tế, cái đẹp; nó lại được nâng lên một tầm mới, cái đẹp mới cho con người thưởng thức. Tôi cảm thấy rất là hân hoan, thoải mái trong một buổi sáng đẹp trời mà lại được ngắm nhìn những đồ vật đẹp đẽ thế này”
Nghệ thuật hay ở chỗ, không cần phải là cái gì quá kỳ vĩ. Nghệ sĩ chỉ là người phát hiện ra những cái rất nhỏ, cái bình thường trong đời sống hàng ngày quanh mình mà những người bình thường không thấy. Chỉ cần thay đổi 1% cái vốn có thì những đồ vật đã trở nên khác lạ và vô cùng ấn tượng. Từ sự kết hợp ban đầu mà theo như cách nói của hai họa sỹ là sự tương phản, đối lập, trong tương lai hai anh sẽ tiếp tục múa đôi nữa trong một chủ đề khác sẽ thú vị không kém: “Năm 2018 là triển lãm tranh khắc gỗ in đơn bản. Đã là đồ họa thì phải in đa bản, nhưng đây là đơn bản. In theo tinh thần của các cụ ngày xưa là in nhổ khuôn, tức khuôn để ngửa, tờ giấy úp lên, và khi nhấc tờ giấy lên thì nó nhổ cái màu ra. Tranh khắc gỗ bây giờ ít người làm, thì chúng tôi làm để nhắc nhở mọi người rằng, đây là chất liệu rất hay và nó sẽ bình đẳng với cả sơn dầu, sơn mài”
Sau lần đầu tiên “múa đôi” khá ăn ý này, hẳn công chúng có quyền chờ đợi hai nghệ sỹ danh tiếng tiếp tục trình diễn những điệu múa độc đáo, những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển trong lần triển lãm tiếp theo với chủ đề tranh khắc gỗ.