(VOV5)- Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những nét bình dị, đời thường chính là tình cảm ông dành riêng cho vị tướng huyền thoại.
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (bên phải) cho ra mắt cuốn sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”
|
Tròn 2 năm, sau ngày Đại tướng Võ Nguyên giáp qua đời (4/10/2013 – 4/10/2015), nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân đã cho ra mắt cuốn sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do nhà xuất bản Lao động ấn hành. Đây là những câu chuyện kể bằng ảnh về cuộc sống đời thường của Đại tướng Võ Nguyên giáp được tác giả Trần Hồng gửi gắm qua 129 trang sách ảnh đầy cảm động và chân thực.
Nghe nội dung bài viết tại đây
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà sử học nổi tiếng người Mỹ Cecil Currey, trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá” đã nhận định: “Võ Nguyên Giáp có thể sánh ngang với những nhà chỉ huy quân sự tài tình nhất trong suốt 2000 năm qua và là con người vĩ đại của mọi thời đại”. Chính sự vĩ đại và nổi tiếng của Đại tướng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà văn Việt Nam, người viết lời giới thiệu cho rằng, đây là cuốn sách ảnh đặc biệt bởi vì chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa dễ nhưng lại rất khó: Dễ vì ông là danh tướng rất nổi tiếng, bản thân ông đã là một giá trị rồi, chỉ cần chụp đúng ông, không phải mất thì giờ để chọn bố cục, mà chỉ cần chụp rõ hình đại tướng thì đã là thành công rồi. Nhưng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất khó, bởi vì trong lòng mỗi một người dân đều có một Võ Nguyên Giáp, người dân đã yêu kính ông đã tự chụp một cách đặc biệt bằng cách của riêng mình về chân dung của ông. Đôi khi, họ căn cứ vào bức ảnh mà lưu giữ trong trái tim họ để làm một thước đo để đo lại tất cả tác phẩm nghệ thuât, những tác phẩm nhiếp ảnh chụp về ông. Đó là một cái rất khó.
Trần Hồng là một phóng viên báo Quân đội nhân dân. Ông có được sự ưu ái đặc biệt của Đại tướng mà không phải phóng viên ảnh nào cũng có, đó là việc được phép vào chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất kể thời gian nào. Trong cuốn sách “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, tác giả Trần Hồng đã lựa chọn kĩ những bức ảnh tâm huyết nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông có cơ may được chụp ở nhiều góc độ. Qua 129 trang sách, Trần Hồng giới thiệu với bạn đọc về từng mảng chủ đề gắn với những sinh hoạt, hoạt động, thăm hỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua từng chương sách. Ảnh trong cuốn sách đều là lần đầu tiên được công bố. Bạn đọc tìm thấy ở đây nhiều bức ảnh giản dị, đời thường nhưng lại mang những thông điệp sâu sắc và ý nghĩa lớn. Bức ảnh Đại tướng bên tượng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khắc họa được tâm trạng Đại tướng đầy tâm tư và suy ngẫm. Để có bức ảnh này, tác giả Trần Hồng kể lại: Sau giờ làm việc, tất cả mọi người đều ra về hết cả rồi thì tôi lại về sau cùng thì thấy Đại tướng lững thững từ văn phòng đi ra. Và tôi quan sát khuôn mặt ông thì linh tính nhà nghề, linh tính công việc báo cho là ông đang có một nỗi lòng. Và mắt tôi không rời dung nhan Võ Nguyên Giáp. Và khi ông đến bên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi thấy ông có một nỗi lòng thực sự. Tôi chụp được 4 kiểu. Đến kiểu thứ 5 thì bắt đầu nước mắt ông rơi lã chã. Thì khi ấy tôi không có tài nào chụp được. Lúc ấy là sự đồng cảm.
Chụp về Đại tướng thì nhiều nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước đã có rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì đó là “Đặc sắc ở giá trị nghệ thuật. Nghĩa là chỉ cần che tên đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thì bức ảnh vẫn tồn tại bởi giá trị nghệ thuật của nó, ở bố cục, ở màu sắc”. Tuy nhiên, ngay những nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng đó thì cũng không có được những bức ảnh như của Trần Hồng bởi vì tác giả được tiếp cận Đại tướng ở góc độ rất gần. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Nếu các vị nhiếp ảnh kia nhìn xa đại tướng thì ở đây là góc độ nhìn gần, tức là nhìn đại tướng như một người thân mật trong gia đình. Nên trong đó có những ảnh chớp được Đại tướng rất đặc biệt, ví dụ như Đại tướng chơi đàn, Đại tướng chơi với con, ví dụ như một bữa cơm rất đạm bạc như bữa cơm của một người nông dân. Cả ông và bà đều nhường nhịn cho nhau. Nó cảm động vô cùng. Tôi cho đây là cuốn sách rất đặc biệt vì bên cạnh những bức ảnh còn có những câu chuyện kể về nhưng tình tiết ở đằng sau bức ảnh.
Trong sự nghiệp lao động nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Trần Hồng đã có 8 cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là lần đầu tiên ông công bố ảnh qua một cuốn sách. Những trang sách ảnh trong “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên giáp” mang nét cá tính độc đáo và riêng biệt của ông. Ông thích tự nhiên và chụp những gì mình cảm nhận và yêu thích. Và, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những nét bình dị, đời thường chính là tình cảm ông dành riêng cho vị tướng huyền thoại bằng quan niệm về nghệ thuật nhiếp ảnh hết sức gần gũi: Nghệ thuật chính là cuộc sống.