(VOV5) - Trong khi rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ khi bước lên sân khấu luôn muốn bộc lộ cái tôi của mình thì nghệ sĩ Huy Phương biết tiết chế kĩ năng, cảm xúc của mình để sao cho tác phẩm được hài hòa, hoàn chỉnh nhất...
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Một nghệ sĩ nổi tiếng người Nga là Ru-be-xtanh đã nói “nếu một ngày bạn không tập đàn thì chỉ bạn biết thôi. Hai ngày bạn không tập đàn thì người thân của bạn biết. Đến ba ngày bạn không tập đàn thì bạn của bạn biết. Và bốn ngày không tập đàn thì khán giả của bạn sẽ biết ngay”. Ý của ông nói rằng việc luyện tập quan trọng đến mức nào… Nếu muốn làm việc với âm nhạc cổ điển nói chung thì tôi nghĩ cái rất khó có ở Việt Nam là sự tĩnh tại của tâm hồn khi chúng ta cứ bị cuốn vào một cái guồng xung quanh rất ồn ào”…
Nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương chia sẻ như vậy khi nói về hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ, đặc biệt với những người chơi nhạc cổ điển. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, được học tập và rèn luyện bài bản, nghệ sĩ Huy Phương là một người chơi đàn với kĩ thuật cao, đầy năng lượng.
Nghệ sĩ piano - PGSTS Nguyễn Huy Phương - Ảnh: Báo Hà Nội Mới |
Sau 15 năm học tập và rèn luyện, tiếng đàn của Nguyễn Huy Phương đã đến với nhiều chương trình biểu diễn trong và ngoài nước. Dù là độc tấu hay hòa tấu, anh đều mang đến người nghe những giai điệu âm nhạc tinh tế và sâu lắng, đặc biệt trong lĩnh vực piano cổ điển.
Trước khi sang Nga tu nghiệp, nghệ sĩ Huy Phương đã được Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà hướng dẫn học tập trong hao năm. Bà kể lại: Với trách nhiệm của một người thầy cộng với niềm đam mê, yêu thích, bà đã cố gắng luyện tập cho người học trò nhỏ tuổi của mình có thêm kiến thức, có thể vững vàng bước vào một môi trường học tập chuyên nghiệp về âm nhạc tại Nga. Dù khi ấy, nghệ sĩ Huy Phương mới 14 tuổi nhưng bà vẫn thấy rất thú vị khi anh sớm bộc lộ năng khiếu với âm nhạc.
"Mặc dù tuổi còn nhỏ, khoảng 12-14 tuổi nhưng đã bộc lộ năng khiếu, đam mê âm nhạc. Ở Huy Phương có những hồ hởi, nhiệt tình khiến tôi thấy rất thú vị. Bên cạnh năng khiếu thì anh ấy cũng chịu khó khổ luyện. Đặc biệt là có sự trong sáng, chân thành trong nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ." - Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà nhớ lại.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh là nhạc sĩ Huy Du, mẹ anh là PGS.TS Nguyễn Thị Nhung (nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Từ năm 7 tuổi anh đã được theo học đàn piano, sau đó là 15 năm học tập và rèn luyện, nghiên cứu âm nhạc tại Nga. Có lẽ môi trường học tập, rèn luyện nghiêm túc, bài bản từ nhỏ đã tạo cho anh sự độc lập, chuyên nghiệp trong cách làm việc.
Nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên- trưởng bộ môn Piano biết nghệ sĩ Huy Phương khi anh còn là một học sinh trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên vẫn nhớ mãi một số lần đi biểu diễn hòa tấu cùng nghệ sĩ piano Huy Phương. Với anh, đó là một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, phong cách biểu diễn nồseng nhiệt, tạo được nhiều cảm xúc cho khán giả:
"Trong lĩnh vực biểu diễn, anh Huy Phương là một trong những nghệ sĩ rất uy tín, rất được sự tôn trọng của đồng nghiệp cũng như khán giả. Cũng cần phải nói thêm là bản thân anh đã được đào tạo rất bài bản từ Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau đó anh được đi học nhiều năm tại Liên Xô, được học với những giáo sư rất tốt, tại những ngôi trường rất tốt. Bản thân con người anh Huy Phương cũng là một nghệ sĩ nghiêm túc và làm việc hăng say. " - Nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên nhận xét.
Đối với nghệ sĩ piano Huy Phương, mỗi lần được lên sân khấu là một niềm hạnh phúc. Việc có được giải thưởng hay những gì hào nhoáng xung quanh không làm anh bận tâm. Điều quan trọng với anh là sự nhập tâm của người nghệ sĩ trong mỗi lần biểu diễn và sự đón nhận của khán giả. Nghệ sĩ Huy Phương từng được giải thưởng là người đệm đàn hiệu quả nhất.
Anh Dương Hồng Thạch- giảng viên khoa Piano cũng là một học trò của nghệ sĩ Huy Phương cho rằng: Trong khi rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ khi bước lên sân khấu luôn muốn bộc lộ cái tôi của mình thì sự ghi nhận này dành cho nghệ sĩ Huy Phương- một người chơi đàn chuyên nghiệp khi biết tiết chế kĩ năng, cảm xúc của mình để sao cho tác phẩm được hài hòa, hoàn chỉnh nhất: "Trong nghệ thuật chơi đàn, ngoài độc tấu piano thì việc đệm đàn cho người hát đòi hỏi kĩ năng của người chơi đàn cao nhất, theo quan điểm và góc nhìn của tôi. Khi người giỏi như thế, tài hoa như thế, có sự cuốn hút như thế phải cộng tác với một người hát, khi người ca sĩ phải đóng vai chính trên sân khấu trong tiết mục biểu diễn đó thì cái khó của người chơi đàn là phải đặt mình wor vị trí nhường chỗ cho người ca sĩ một chút. Khi ấy người ta phải tiết chế những kĩ năng, tiếng đàn và cảm xúc của mình sao cho phù hợp với tác phẩm, sao cho hào hợp với người hát, sao cho cả tác phẩm được chơi lên một cách hiệu quả và hoàn hảo là khó nhất. Như thế thì thầy Huy Phương phải căn chỉnh, tiết chế vừa đủ sao cho tác phẩm vẫn hay."
Nghệ sĩ Huy Phương trong một buổi trình diễn. |
Sau 15 năm học tập ở nước ngoài, nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương trở về nước vừa biểu diễn, vừa tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nếu như trước đây, anh từng được các thế hệ thầy cô giáo dìu dắt đến với cây đàn piano thì khi đã trở thành một người nghệ sĩ thực thụ, anh lại tiếp bước con đường của “người lái đò qua sông”, dùng tài năng và tâm huyết của mình đào tạo nên nhiều thế hệ học trò.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương tâm sự: "Tôi vẫn nhớ khi mới sang, tôi được học với một thầy giáo người Gruzia rất giỏi nhưng rất nóng tính. Ông đã giao cho tôi một bài rất khó đối với một học sinh vừa mới chân ướt chân ráo sang. Ông giao cho tôi một bài ngang tầm với một sinh viên Nga được đào tạo rất tốt. Lúc ấy tôi làm không tốt lắm và tiếng Nga chưa giỏi lắm nên mỗi buổi lên lớp là một lần áp lực. Thầy đã quát mắng, thậm chí có những buổi ném sách ra ngoài cửa, bắt tôi về tập. Nhưng nhờ sự thẳng thắn, quyết liệt đó mà tôi trở nên tiến bộ hơn. Thực sự tôi rất biết ơn những người thầy đầu tiên của mình, giúp tôi hiểu thế nào là làm việc với âm nhạc phải rất cẩn thận, chi tiết, đam mê, quyết tâm mới làm được."
Không chỉ truyền đạt cho các thế hệ học trò những thành tựu của nghệ thuật âm nhạc cổ điển, nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương đã để lại cho các học trò của mình hình ảnh về một người thầy đam mê nghệ thuật, lao động nghiêm túc, một hình ảnh trân quý về phong thái thanh tao, trách nhiệm của một nghệ sĩ-trí thức đầy lòng nhân hậu mà lặng thầm.