Nghĩ về văn học nghệ thuật của những vùng địa lý

(VOV5) - Tác giả Chào em cô gái Lam Hồng, nhạc sĩ Ánh Dương và tác giả Thời xa vắng, nhà văn Lê Lựu vừa tạ thế trong những ngày cuối thu Nhâm Dần, đều ở tuổi ngoài 80. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:

Đã có một thời văn nghệ sĩ đi thực tế để cho ra đời các "địa phương ca" - mặc dù nhạc sĩ Hoàng Vân rất bực dọc với biệt danh đó (ông nói: "người viết khi viết chỉ quan tâm viết cho hay chứ ai định viết cái gọi là địa phương ca"), nhưng không tác giả nào sửa được việc quần chúng tiếp nhận như vậy.

Nhưng một số tác phẩm đã đủ hay đến độ vượt ra khỏi ranh giới địa phương. Nhạc sĩ Lương Vĩnh dân Hà Nội, cũng viết về Hà Nội nhưng ông lại được yêu mến nhất là nhờ Thành phố Hoa phượng đỏ, Nhật Lai dân khu Năm nhưng có Hà Tây quê lụa, một loạt các nhạc sĩ miền Bắc di cư lại chuyên trị bolero ăn khách ở Sài Gòn như Tuấn Khanh, Y Vân, Thăng Long...

Trong cách tiếp nhận như vậy, Chào em cô gái Lam Hồng là bài hát của vùng Nghệ Tĩnh và Thời xa vắng là tiểu thuyết của vùng Hưng Yên.

Ra đời từ những năm tháng chiến tranh, không nhiều bài hát cách mạng vượt qua được rào cản tiếp nhận của bối cảnh, Chào em cô gái Lam Hồng là một thành công đặc biệt, gần như duy nhất của tác giả Ánh Dương (sinh năm 1935), một tác giả địa phương trong địa hạt lâu nay ưu thế thuộc về các nhạc sĩ ở thành phố lớn.  

Nghĩ về văn học nghệ thuật của những vùng địa lý - ảnh 1Nhạc sĩ Ánh Dương thời trẻ - Ảnh: tuoitre.vn/tư liệu gia đình nhạc sĩ.

Sự thiệt thòi của tác giả có lẽ là ít được truyền thông nhắc đến, nên người ta chỉ biết bài hát mà không để ý tới người viết. Nhưng Chào em cô gái Lam Hồng nằm trong số những bài hát được yêu thích nhất, có sức lan tỏa nhất của một thời đại. Rõ ràng đây là một bài hát tuyên truyền, nội dung rất rõ ràng, cụ thể: một chiến sĩ lái xe vào chiến trường đi qua vùng Nghệ Tĩnh gặp những cô gái mở đường và có cảm xúc về những sự đóng góp của họ.

Đề tài người lái xe dọc đường Trường Sơn không mới vào thời điểm năm 1967 cũng như tấm gương các cô gái thanh niên xung phong đã được khắc họa nhiều lần trong thơ nhạc đương thời, có thể kể hai tác phẩm cũng rất nổi tiếng là Tôi người lái xe (An Chung, 1965), Cô gái mở đường (Xuân Giao, 1966). Cách viết vận dụng làn điệu dân gian địa phương khu Bốn cũng đã xuất hiện trong nhiều bài hát trước đó, từ Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền, 1964), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân, 1965).

Giữa những bài hát cũng rất lôi cuốn, thậm chí hoành tráng như vậy, Chào em cô gái Lam Hồng vẫn có sức cuốn hút riêng. Điều trước tiên là tiết điệu rất sôi nổi của bài hát, cách phân câu ngắn xen kẽ dài gợi cảm giác dập dềnh như thể đang ngồi trên một chiếc xe lắc lư qua những dặm đường quanh co. Những địa danh của Nghệ Tĩnh được nhấn nhá trong lối nhả chữ âm sắc địa phương cũng là một điểm khiến bài hát có một chút hương xa (exotic) lạ tai trong không gian âm nhạc chính thống vốn thiên về các bài hát theo giọng phổ thông. Điểm nhấn của lời ca chính là sự phóng khoáng có chút huê tình, thậm chí khá “bốc” so với các bài hát nghiêm ngắn đương thời. “Vượt đèo Ngang nào bạn ơi tay lái ta dồn lên lời ca” và “Dồn nhanh tay lái vút tiếng hát ca chào quê hương Lam Hồng” là những thứ nảy sinh từ thực tế cuộc sống, những chi tiết của sự quan sát và sự hào hứng tại thực địa. Lãng mạn kiểu “Tiền phương tay lái mang tình em đảm đang” sẽ còn được gặp lại trong những câu thơ của Phạm Tiến Duật mà sau này xuất hiện trong các bài hát do Hoàng Hiệp phổ nhạc như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (năm 1971) hay Tiểu đội xe không kính cùng năm ra đời.

Bài hát đặc biệt là một nhạc mục hấp dẫn cho những giọng ca nam có âm sắc trữ tình, từ Kiều Hưng, Huy Túc, Ngọc Hồ đến Tuấn Phong, Trung Đức và sau này là Việt Hoàn, thậm chí giọng soprano Lê Dung cũng đã thử sức. Mặc dù Chào em cô gái Lam Hồng đã được giọng ca “triệu người mê” Kiều Hưng hát từ lúc mới ra đời, nhưng Trung Đức chính là người đã ghi một dấu ấn quá lôi cuốn trong bản thu ở giữa thập niên 1990. Sự ngọt ngào đắm đuối và độ bật nảy trong cách hát đã quyến rũ biết bao người nghe, nhất là giữa những thời dòng nhạc đỏ bị cạnh tranh từ nhạc trẻ và nhạc nước ngoài.

Nghĩ về văn học nghệ thuật của những vùng địa lý - ảnh 2Nhà văn Lê Lựu (sinh 1942 - mất 2022).

Còn Lê Lựu (sinh năm 1942), lại là tác giả khá đặc biệt khi tác phẩm văn học của ông thỏa mãn được nhiều tiêu chí: có chút chức năng tuyên truyền, vừa được giới văn đánh giá cao, lại được công chúng yêu thích. Có những sắc thái dân gian folklore trong lối viết và đề tài, khiến cho truyện của Lê Lựu rất hợp không khí huyền hoặc và bảng lảng của không gian văn hóa Bắc Bộ. Người đọc dễ đồng cảm với khung cảnh miền quê do Lê Lựu khắc họa.

Có lẽ trước khi Nguyễn Huy Thiệp viết những truyện ngắn đầy ám ảnh về nông thôn thì Lê Lựu chính là người đã khiến nông thôn Việt Nam hiện diện đầy ấn tượng. Ông đã tạo ra một sự đổi mới nho nhỏ ngay trước khi Đổi mới diễn ra: Chất bản năng và say đắm, yếu tố nhục cảm đã được Lê Lựu tìm kiếm, nhưng ông cũng không tìm cách phủ định hay chất vấn quyết liệt quá khứ.

Lê Lựu có một số tác phẩm được dựng thành phim, có phim do chính ông biên kịch, khá có tiếng vang, như phim truyện Người về đồng cói (đạo diễn Bạch Diệp, 1973), Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh, 2004), phim truyền hình Sóng ở đáy sông (đạo diễn Lê Đức Tiến, 1996). Lê Lựu thuộc số ít tác giả có những giai thoại được làng văn hay nhắc đến, khiến hình ảnh ông có sắc thái dân gian thú vị, thay vì kiểu mẫu hình nhà văn công chức, nhà giáo hay cán bộ nhiệm sở quen thuộc.

Anh Giang Minh Sài đã đi xa, và cô gái Lam Hồng chắc cũng đã qua ngưỡng tri thiên mệnh. Người nghe nhạc thời nay, ghi nhớ lại cảm xúc phóng khoáng một thời: Vượt đèo Ngang nào bạn ơi tay lái, ta dồn lên lời ca... La hỡi là hỡi là...
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác