(VOV5) - Ngay cả khi tham gia vào những “dàn đồng ca”, “hợp xướng” thơ, Chế Lan Viên vẫn có một phong cách sáng tác riêng không lẫn vào ai.
Nhà thơ Chế Lan Viên thời trẻ- Ảnh tư liệu. |
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920, tại Cam Lộ, Quảng Trị. Bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay "Điêu tàn". Từ đây, tên tuổi của ông vụt sáng trên thi đàn Việt Nam. Chế Lan Viên là một nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới, đem đến sự hài hòa cho Thơ mới và cho tiến trình thơ Việt từ 1945 đến nay. Trong cuộc đời sáng tác, nhà thơ Chế Lan Viên để lại nhiều tác phẩm giá trị ở cả thể loại thơ, văn, tiểu luận phê bình. Giáo sư Phong Lê đánh giá Chế Lan Viên là “kiện tướng” của Phong trào Thơ mới, là một nhà thơ tiêu biểu hàng đầu phong trào Thơ mới trước 1945 và nền thơ hiện đại Việt sau 1945, một trong những người góp phần mở ra thời hiện đại cho thi ca Việt.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Tài thơ của Chế Lan Viên phát lộ từ rất sớm. Và ngay từ buổi ban đầu đã khác biệt. Đó là khi ông viết những câu trong bài “Những sợi tơ lòng”: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/ Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”.
Chế Lan Viên duy trì sự khác biệt trong tư duy sáng tác ngay trong những thời điểm người ta dễ lẫn vào đám đông. Dấu ấn và tầm vóc thơ của ông vì thế mỗi ngày một vun cao. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương những bạn làm thơ cùng thế hệ ông rất quý các nhà thơ đàn anh xuất thân từ phong trào Thơ Mới. Riêng với Chế Lan Viên, ông có một ảnh hưởng, kích thích với lớp nhà thơ thời chống Mỹ. Nhiều nhà thơ tài năng thuở ấy lúc ban đầu cũng ảnh hưởng bút pháp Chế Lan Viên, như Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng. Chế Lan Viên cũng gần anh em trẻ và ông học cả thơ của anh em trẻ. Cũng có những anh em trẻ nhờ phát hiện của Chế Lan Viên mà sau này sức đi rất mạnh.
Ở mỗi “tọa độ” thơ của Chế Lan Viên, ông luôn tìm ra cách để thơ là những thanh âm chắt lọc từ rung động của tâm hồn. Bài “Con cò” ông viết năm 1967, như một thoảng mát rượi của điệu ru trong khoảnh khắc ác liệt của chiến tranh. Những câu thơ đẹp dịu dàng của một người thơ không để hoàn cảnh chi phối ngòi bút của mình. Nếu Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhìn thấy chất thơ kinh dị, toàn những ma quỷ của Chế Lan Viên thời Thơ Mới thì ngay cả trong tập thơ đầu tay “Điêu tàn” tưởng chỉ toàn là những rùng rợn thấu tận đáy hồn, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn phát hiện ra cái phong nhụy tươi tắn của một hồn thơ đầy hứa hẹn từ buổi ban sơ. Ông nhìn ra được sự tươi tắn, trong sáng của “Điêu tàn”. Viết về ánh sáng mùa xuân “lơi lả nhẹ nhàng đu”, “những cành xoan khều mặt trời rực rỡ”. Chế Lan Viên viết về dân hời, tức nước Chiêm thành cũ, không chỉ có đầu lâu, xương chéo mà có những cảnh “những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi”, “những chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp”, “những lời ca phơ phát xõa lời vui”. Và phần tươi tắn sau này được phát triển.
Kháng chiến trường kỳ, không thể nương náu mãi trong riêng tư thế giới tâm hồn, thơ Chế Lan Viên đi cùng dọc dài gian lao cuộc đời người chiến sĩ. Những “Bữa cơm thường trong bản nhỏ”, “Tiếng hát con tàu”, “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” đều trở nên những vần thơ thiêng liêng dậy sóng dù chỉ lấy cảm hứng từ đời thường. Nhà thơ Trần Ninh Hồ ngẫm, người đương thời và sau này có thói quen đặt thơ Chế Lan Viên bên cạnh thơ Tố Hữu cũng là thường tình. Với tác giả của “Viết ở Viên Tĩnh Viên”, Tố Hữu và Chế Lan Viên với sự lớn lao trong tư tưởng, cảm xúc, tầm vóc sáng tạo, đã gặp nhau và cùng tạo di sản.
Nếu Chế Lan Viên có nỗi buồn lớn khi viết “Điêu tàn” thì trong khi đó một nhà thơ cũng 17 tuổi hồi ấy là Tố Hữu có một khát vọng lớn là giải phóng đất nước. Giữa thế kỷ trước họ đã cãi nhau nhưng rồi họ đi cùng nhau qua kháng chiến. Khi người ta có nỗi buồn lớn, người ta cũng dễ gặp những người có khát vọng lớn. Và khi người ta đã có khát vọng lớn thì thơ họ lớn từ hồi còn trẻ. Và đây là đôi bạn tuyệt vời. Cho đến năm 1960 thì Chế Lan Viên cũng là một nhà thơ lớn của đất nước rồi, lúc ấy ông có viết một bài thơ tuyệt hay về mối quan hệ giữa hai anh bạn trẻ những năm 40, đó là bài “Ngoảnh lại 15 năm” đó là bài thơ viết về tình đồng chí, đồng đội, tình thi hữu Chế Lan Viên – Tố Hữu, hiếm thấy trong văn chương Việt Nam.
Cuối đời Chế Lan Viên ở một khu vườn nhỏ, gọi là Viên Tĩnh Viên. Trong bài thơ “Viết ở Viên Tĩnh Viên” nhà thơ Trần Ninh Hồ “họa” lại chân dung Chế Lan Viên bằng những câu: “Đời náo động thơ hẳn cần náo động/ Yên bình rồi sao thơ chẳng bình yên/ Không yên ả chút nào trên từng trang di cảo/ Dẫu trang nào cũng viết ở Tĩnh Viên”.
Cũng đặt thơ viết trong kháng chiến của Chế Lan Viên và Tố Hữu trong cái nhìn tương quan, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có những đánh giá tách bạch, điều mà không nhiều người dễ bày tỏ. Ông cho rằng trong kháng chiến, thơ của Chế Lan Viên cũng có đạt những đỉnh cao và có thể còn cao hơn thơ Tố Hữu về thơ minh họa mà lúc ấy người ta cần thơ ca như một thứ vũ khí để bảo vệ đất nước, bảo vệ sự sống còn của dân tộc. Mặc dù có thể minh họa nhưng Chế Lan Viên, cái giọng hoành tráng, giọng trí tuệ, cực kỳ uyên bác đã làm nên một diện mạo thơ rất khác lạ và độc đáo. Chỉ có riêng tài năng và bản lĩnh văn học, bản lĩnh thơ ca của ông mới có thể tạo nên một dấu ấn như thế."
Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên vào tháng 12/2020 do Hội nhà văn tổ chức. |
Bài “Nghĩ về thơ” Chế Lan Viên viết những năm 60 của thế kỷ trước, đăm đăm ý nghĩ làm sao để “nắng thơ tôi” sưởi nguôi ngoai những khổ đau, tủi cực quanh mình. “Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình/ Những vui buồn đời ký thác cho anh”- Lắng nghe và cảm nhận, theo cách của riêng mình, cả một đời thơ, ngược dòng trôi, rồi có lúc cần xuôi dòng, nhập dòng nhưng ngay cả khoảnh khắc ấy, nói như nhà thơ Trịnh Công Lộc, thơ Chế Lan Viên vẫn có một nhịp trôi chảy không nhầm lẫn với bất cứ ai.
"Ông đi ngược chiều với tất cả những nhà thơ đương đại cùng thời. Nếu người ta vui thì ông nói về cái buồn, nếu người ta nói về tương lai thì ông nói về quá khứ. Nhưng nói cho cùng, quá khứ ấy khắc họa hình ảnh của tương lai. Không ai như Chế Lan Viên bắt đầu từ “Điêu tàn” năm 17 tuổi. Nhưng sau này ông đi theo Cách mạng và nói về kháng chiến, nói về đất nước, đặc biệt nói về Bác Hồ, Chế Lan Viên có những bài thơ xuất sắc, có những câu thơ xuất thần mà có lẽ bây giờ thế hệ mới muốn được một số bài như Chế Lan Viên vô cùng khó." - Nhà thơ Trịnh Công Lộc nhận xét.
Trong những trang “Di cảo” cuối đời viết ở Viên Tĩnh Viên, nhà thơ Chế Lan Viên nhiều lần nhắc về những mộng ước thơ choán hết tâm hồn ông thuở thiếu thời. Ông cũng nghĩ nhiều về cái chết,”Những chuyến xe không có khứ hồi”. Đã thành thiên cổ người ngược dòng trôi nhưng những câu thơ hay, như hôm nay ta thấy vẫn bền bỉ tới vô cùng.