Câu chuyện tình yêu có tên gọi “Đức mẹ mặc áo choàng lông” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Ali, một thời làm say mê thế hệ thanh niên Việt Nam trước giai đoạn mở cửa. Ngày đó, chưa đầy một năm, hơn 100.000 bản in đã được bán sạch, trong khi đa phần số sách in đầu tiên trên giấy rơm vàng khè, vì những khó khăn kinh tế của một thời hậu chiến.
Sau này, khi truyền hình bắt đầu phát triển, từ một đài địa phương – đài Phú Yên, loạt phim ôpêra xà phòng đầu tiên du nhập vào trong nước “Người giàu cũng khóc”, “Trở về Êđen”vv… tạo nên cơn sốt khán giả trên cả nước.
Những tác phẩm đó, vào Việt Nam đều thông qua một người chuyển ngữ, có tên Đào Minh Hiệp, ở Phú Yên. Tất nhiên, không thể so sánh tác phẩm văn học với phim truyền hình, cũng như sau “Đức mẹ mặc áo choàng lông”, còn một loạt các tác phẩm văn học nổi tiếng khác được cùng một dịch giả đó giới thiệu với bạn đọc. Nhưng điều đáng quan tâm, là làm thế nào, đế một dịch giả, sinh sống và làm việc ở xa các thành phố trung tâm, nhưng đã luôn tìm kiếm và giới thiệu được cho người đọc những tác phẩm đích đáng từ văn học thế giới?
Dịch giả Đào Minh Hiệp giải thích, thuở đầu, mọi thông tin, sách báo văn học nước ngoài đều phải vào Nha Trang đặt mua, những tạp chí của Nga như Thế giới mới, Văn học Người đương thời…Lúc đó sách báo của Nga bán rẩt rẻ. Với đồng lương bao cấp thời bấy giờ thì có thể mua được…Trên cơ sở đó, tôi bắt đầu dịch.
Nghề nghiệp trước hết của dịch giả này, là kỹ sư địa chất, lăn lộn trên các vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên hàng chục năm, hành trang vẫn kèm theo cái giá vẽ. Người ấy, lúc ấy, làm đúng chuyên ngành mình học ở Đại học thăm dò địa chất Matxcơva. Nhưng khi dừng bước, quay trở về giảng dạy tại trường Trung học Địa chất ở Tuy Hoà, nỗi đam mê một thuở lại trỗi dậy. Điều này có căn nguyên sâu xa. Thời sinh viên trên đất Nga, Đào Minh Hiệp vốn ham thích hội hoạ, nhưng khi giao tiếp với những người bạn Nga, hiểu hơn về đất nước này, bắt đầu tìm hiểu thêm về văn học Nga - cũng là một cách rèn luyện tiếng, chàng sinh viên đam mê những áng văn chương ấy từ lúc nào. Năm thứ hai, chàng bắt đầu tập dịch một vài truyện ngắn, từ tác giả yêu thích là Tuôcghênhép. Có điều thú vị, là năm 1975 khi về nước, đến hiệu sách, Đào Minh Hiệp nhận ra những tác phẩm đó đều có người dịch rồi. Ông nói, đó là điều may mắn, vì “có điều kiện để đối chiếu lại, so với bản dịch của những người đã nhiều năm kinh nghiệm, nhận ra có nhiều chỗ chính mình vẫn chưa hiểu hết tâm hồn Nga, và vốn kiến thức của mình về văn hoá Nga - dù sống ở Nga rất lâu - vẫn chưa thật sâu sắc.”
Vừa dịch vừa tập viết truyện ngắn, hành trình của một dịch giả bên cạnh công việc giáo viên, rồi trưởng ban đối ngoại của tỉnh, rồi chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, rồi nghỉ hưu và…cuối cùng vẫn là một dịch giả tài hoa, đã có một điểm xuất phát đáng nhớ: Cuốn sách đầu tiên ông dịch, chính là cuốn Đức mẹ mặc áo choàng lông. Ông nói đã đọc rất nhiều, nhưng không hiểu sao lại rất thích thú với cúôn sách đó. Rất có thể bởi vì cuốn sách mang nhiều yếu tố tự truyện của tác giả, cũng về tình yêu say đắm của một du học sinh. Ông dồn hết tâm sức, gần như sống hẳn trong cuốn sách đó, nhưng cũng không ngờ khi xuất bản lại thành công đến như vậy. Tác phẩm dịch đầu tiên được đón nhận đã tạo động lực cho ông rất mạnh.
Ngoài việc dịch văn học Nga, Đào Minh Hiệp còn chọn dịch nhiều tác phẩm văn học các nước khác qua tiếng Nga, nổi tiếng như cuốn “Khát vọng đổi đời” của Stefan Zweig. Khi đó, người ta mới phát hiện ra bản thảo bị thất lạc từ nhiều năm trước của nhà văn. Dịch qua tiếng Nga, nhưng khi in ra độc giả vẫn thích thú. Đào Minh Hiệp nói: “Tôi nhận ra dù dịch qua một ngôn ngữ khác không phải ngôn ngữ gốc, nhưng khi người dịch hiểu được tinh thần tác phẩm, và cố gắng truyền tải được tinh thần đó, thì bạn đọc sẽ đón nhận. Và đến giờ cũng chưa có ai dịch lại cuốn sách này từ tiếng Đức ra tiếng Việt, nên trong bộ sách văn học thế giới của NXB Văn học, người ta vẫn chấp nhận bản thảo mà tôi dịch từ tiếng Nga”
Tác phẩm Đào Minh Hiệp dịch
|
Cái sự dịch văn học của những dịch giả Việt Nam, ở một thời kỳ thông tin chưa phát triển, có những khó khăn bội phần. Khi dịch một cuốn, phải đọc hàng chục cuốn, để chọn xem cuốn nào hay. Đào Minh Hiệp nói: nếu chỉ đọc các tác giả nổi tiếng thì không kể, nhưng nếu muốn phát hiện ra tác giả mới, sách mới mà hay, thì buộc phải đọc rất kỹ, rất nhiều. Chỉ từ năm 85-90, ông đã dịch được gần chục đầu sách. Gần đây nhất là dịch môt số tác phẩm của tác giả được giải Nobel. Cuối năm 2010 ra mắt tuyển tập truyện ngắn của các tác giả Nga đương đại (NXB Lao động), bởi với ông, văn học Nga vẫn là một phần máu thịt, một dòng chảy của lòng nhân ái không bao giờ cạn.
Suốt một thời gian rất dài, trong và sau chiến tranh, khi thông tin còn thiếu thốn do các ngành truyền thông, viễn thông chưa phát triển, thì có những thế hệ bạn đọc, như nhà phê bình Nguyễn Hoà đã từng viết trong một bài báo: “món ăn tinh thần phổ biến nhất”… “là văn học, nhất là văn học dịch. Qua tác phẩm văn học dịch, chúng tôi hiểu biết thêm về thế giới, về các nền văn hóa, về lịch sử, đặc biệt về số phận của con người ở nhiều miền đất khác nhau trong những hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau... Cái sự “hiểu biết thêm” ấy được gửi gắm vào một số dịch giả, nhiều khi biết tác phẩm do dịch giả mình tin cậy dịch là tìm mua, mua không được thì tìm mượn. Sự tin cậy ấy có được trước hết là ở dịch giả, bởi họ là người có khả năng phát hiện và dịch tác phẩm trên nền tảng một “phông” văn hóa rất đáng kính trọng. Nói cách khác, dịch giả đã vừa tìm hiểu kỹ lưỡng về tác giả, vừa “nhập thân” vào nền văn hóa đã khai sinh ra tác phẩm, từ đó làm cho tác phẩm văn học dịch có thể tồn tại như một “sinh thể” trong một môi trường văn hóa khác.”
Nhiều độc giả biết ơn những trải nghiệm văn hoá khác, những điệu tâm hồn khác, mà các dịch giả đáng kính trọng, trong đó có Đào Minh Hiệp, đã mang tới cho tâm hồn họ.
Phi Hà