(VOV5) - Về tập thơ “Hình như mùa đã lỡ” của nhà thơ Bùi Kim Anh.
Thật khó khăn khi đặt bút viết về tập thơ “Hình như mùa đã lỡ”, bởi ngay nhà thơ Bùi Kim Anh, người đã trải nỗi buồn qua 9 tập thơ và đến tập thơ thứ 10 này vẫn tự vấn mình câu hỏi “thơ giúp gì được đâu”, vậy thì những câu chữ của tôi liệu giúp gì được cho người phụ nữ - người vợ - người mẹ - người thơ ấy. Những nhọc nhằn buồn vui bươn chải của tôi thấm vào đâu so với bà. Nhưng nếu không viết, thì hình như tôi đang im lặng trước nỗi niềm cần chia sẻ, hình như tôi có lỗi với ánh nhìn thăm thẳm ấy.
Người đã dắt ta đi đâu ơi giấc mơ đêm qua
Thơ để lạc người đàn bà trong cơn mê bị sốt
Người đàn bà đi đâu trong ảo giác
Mở trang thơ đầu tiên tôi đã bị ám ảnh bởi hình ảnh này. Người đàn bà bị bóng đêm bao bọc, mệt lả trong cơn sốt, bị dẫn dụ đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác, dù vẫn ý thức về sự sống nhưng tất cả các giác quan đều tê liệt, mỗi lúc một chìm sâu chìm sâu, không thể thốt lên dù chỉ một thanh âm kêu cứu. Khi đã vượt thoát khỏi trạng thái này, ý thức trở về rõ ràng hơn, thì mệt lả, hoang mang, và nặng trĩu nỗi buồn.
Chuyện của mình như chuyện của ai
Đau lâu quá đến không còn đau nữa
Cộng mất mát rồi
Chả còn gì để so đo
Phải, hình như đã nói quá nhiều về nỗi buồn, nên ở tập thơ này, nhà thơ Bùi Kim Anh không định nói về nó nữa. Thế nhưng, nỗi buồn cứ ập đến, cứ duềnh lên, vây bủa, buộc nhà thơ phải chấp nhận, phải thỏa hiệp, bởi nếu không chấp nhận không thỏa hiệp, bà sẽ tiếp tục bị NÓ tấn công. Vậy nên, sống chung với nỗi buồn là một cách để tồn tại. Thơ, dẫu chẳng đem lại lợi lộc áo cơm nhưng là chỗ để vịn vào, nhất là trong những đêm dài mất ngủ.
Người đàn bà khi một mình trong đêm
Nhập đồng vào ý thơ chợt đến
…
Chị nhập đồng trong thơ chị
Những người đàn bà náu vào ngôi sao cô đơn
Không gian đêm xuất hiện nhiều trong thơ đương đại, nhưng ở thơ Bùi Kim Anh tôi dễ tiếp cận hơn, bởi đích thực có bà ở trong đêm, suy nghĩ trong đêm, đau đớn trong đêm và giãi bày về đêm một cách tự nhiên, như thể một phần của bóng đêm đã nhập vào bà, không gượng ép, không thời thượng, không cố tình tạo những diễn ngôn nghệ thuật. Đêm khó ngủ là khi nỗi buồn khuấy động mạnh mẽ nhất. Cùng với đêm là mưa. Mưa đan vào nghĩ suy. Mưa thấm vào dòng chữ. Song đêm và mưa không khuất phục được người đàn bà bé nhỏ ấy. Ý chí vẫn tìm cách vượt thoát, đặt ra những câu hỏi để không ngừng suy tư về lẽ tồn tại trong thế giới đầy bất an:
Ta ghi danh là nhà thơ
Mọi người gọi ta là nhà thơ
Mưa to lắm và
gió đang nhiều lắm
Đứa trẻ trên núi kia bùn trôi vùi ngập
Người đàn bà kia thiếu phí kéo cả giường
Tiếng bé gái nào la khi dâm ác tới gần
Tiếng mưa dội mái hiên mà nghe rõ
Thơ giúp gì được đâu
(Bài “Gom vui lại chuốc nhọc nhằn”)
“Thơ giúp gì được đâu”, thơ còn có thể làm người viết đau đớn hơn vì bị đối diện bị chất vấn, nhưng đó là nỗi đau đớn êm dịu, nhẹ nhõm.
Có lần vui chuyện, nhà thơ Bùi Kim Anh nhắc tới người bạn thân rất chăm chỉ tụng kinh niệm Phật. Bà nói bà không tụng kinh nhưng đam mê “tụng thơ”. Mỗi người một cách khác nhau để mong tìm sự bình an cho tâm hồn. Vì thế, tôi có suy nghĩ hình như bà không quan tâm lắm đến các “mốt thời trang” của thơ. Bà viết tự nhiên, thoải mái, viết bởi nhu cầu tự thân, từ những câu chuyện bình thường mà một người có tuổi thường phải đối diện như sức khỏe - bệnh tật - ốm đau, câu chuyện của người vợ - người mẹ - người bà đóng vai trò trung tâm, chỗ dựa tinh thần của cả gia đình, đến bao chuyện buồn vui diễn ra hàng ngày ngoài xã hội. Dù “lực bất tòng tâm”, có bận lòng cũng không giúp gì để gỡ mối bòng bong ấy, nhưng vẫn đau, nỗi đau bên ngoài thấm nỗi đau bên trong. Câu thơ buồn viết ra nhẹ bẫng, nhưng đọc kỹ ngẫm kỹ lại thấy ầng ậng bờ mi.
“Hình như mùa đã lỡ” giống như cuốn nhật ký có thể đọc ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng thích hợp nhất có lẽ là sáng sớm và buổi đêm, một mình, bên ấm trà mạn, đọc và dừng lại ngẫm ngợi, chia sẻ với những trạng thái cảm xúc cá nhân của nhà thơ giống như những mạch máu nhỏ li ti chảy trong mọi tế bào cơ thể và cùng đổ về nơi trung tâm là trái tim. Từ nơi ấy, phát đi những nhịp đập yêu thương, những khao khát trẻ trung không phụ thuộc vào độ tuổi. Với “Hình như mùa đã lỡ”, nguồn thơ Bùi Kim Anh vẫn còn dồi dào cảm xúc, tự tin đến với người đọc không phải với câu từ hoa mỹ mà bằng vẻ đẹp giản dị, nhẹ nhõm mang khát vọng bằng an.