Nguyễn Đỗ Bảo: Nhà nghiên cứu tâm huyết với mỹ thuật cổ

(VOV5) - Ông là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, phát hiện về mỹ thuật cổ.

Năm nay nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo đã ngoài 80. Nhắc đến ông, ai ai cũng nhớ đến một con người bộc trực, dám nói thẳng trước những vấn đề bức xúc của nền nghệ thuật hội họa nước nhà. Ông có thâm niên trong công tác giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ đồng thời cũng là người nhiều năm gắn liền với công tác lý luận, phê bình của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là con trai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung- người đặt nền móng xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống của một gia đình trí thức, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, phát hiện về mỹ thuật cổ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây: qua giọng đọc Minh Nguyệt

Nguyễn Đỗ Bảo: Nhà nghiên cứu tâm huyết với mỹ thuật cổ - ảnh 1Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo tại  buổi lễ trao tặng sách của gia đình họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung và gia đình họa sỹ Nguyễn Duy Lẫm cho trường Đại học Mỹ thuật năm 2018. - Ảnh: mythuatcongnghiep.edu.vn

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo từng học khoa Lịch sử của Đại học sư phạm và sau đó là Khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Ông cho rằng mình là người may mắn vì được hai Giáo sư Phan Huy Lê và Giáo sư Trần Quốc Vượng giúp đỡ, kể cả sau này khi ra làm nghiên cứu. Họ đã chỉ cho ông những cuốn sách tham khảo quý, do chính các giảng viên Khoa sử dịch, mà muốn đọc, không còn cách nào khác là phải vào thư viện trường Đại học Tổng hợp.

“Hai Giáo sư đã góp ý cho tôi rất nhiều. Họ đã chỉ cho tôi những cuốn sách mà ngày đó chưa có sách in, mới chỉ là những tư liệu cổ, Khoa Sử Đại học Tổng hợp dịch rất nhiều nên chỉ có bản đánh máy. Muốn đọc phải vào Thư viện Khoa Sử Đại học Tổng hợp để đọc. Đọc rất vất vả vì rất dài nhưng chỉ chọn được lác đác vài câu. - Nguyễn Đỗ Bảo kể.

Với vốn kiến thức chắc chắn, ngay từ khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa thành lập, ông Nguyễn Đỗ Bảo và bà Nguyễn Hải Yến vừa mới ra trường đã được họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chọn làm việc cho Viện Nghiên cứu Mỹ thuật, trực thuộc Bảo tàng. Nhiệm vụ của họ là đi điền dã, ghi chép, nghiên cứu mỹ thuật dân gian để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống trưng bày của Bảo tàng theo giai đoạn lịch sử. Thời kì hăng hái, sung sức của tuổi trẻ ấy đã mang lại cho nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nhiều kiến thức thực tiễn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhớ lại:  “Ông Bảo hồi bấy giờ là sinh viên mới ra trường và cũng học về khoa Sử nên nghiên cứu về mỹ thuật cổ đại với ông ấy rất hợp. Đi điền dã, nghiên cứu và làm hệ thống trưng bày cho Bảo tàng Mỹ thuật. Thời kì đó có thể nói toàn là những người trẻ hăng hái, mới tốt nghiệp ra trường, kiến thức được các Giáo sư thời bấy giờ dậy dỗ, dẫn dắt thì người nào cũng có một cái vốn để có thể làm việc được trong một môi trường rất mới.”

Trong lĩnh vực mỹ thuật cổ, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo được phân công nghiên cứu thời Mạc và thời Lê Sơ, để xây dựng nội dung trưng bày mỹ thuật. Riêng với thời Mạc, hầu như không có biên niên lịch sử, những ghi chép trong thư tịch cổ cũng rất chung chung. Từ những phát hiện của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Bảo đã khẳng định được những đóng góp của thời Mạc trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa trong một giai đoạn lịch sử phong kiến đầy thăng trầm. Với ông, những khai mở ấy chính là để đóng góp cho việc sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau này. 

“Chúng tôi là những người đầu tiên làm công việc nghiên cứu vốn cổ về mỹ thuật. Các cơ quan khác cũng làm việc này nhưng chỉ quản lý, công nhận di tích. Trong những thứ mà chúng tôi sưu tập được, ví dụ như Tượng Chùa Hạ do chính tôi đi sưu tập thì bây giờ được đánh giá là bảo vật quốc gia. Đó là những đóng góp của chúng tôi với nền lịch sử mỹ thuật. Hay nói cách khác, chúng tôi có thể thừa hưởng những hố khai quật của ngành khảo cổ học nhưng những gì đẹp chúng tôi sẽ chăm chú nghiên cứu để đưa vào lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Hay nói cách khác Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kho lịch sử bằng hiện vật về quá trình phát triển lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ cổ đến kim.” – Nguyễn Đỗ Bảo nhớ lại.

Nhiều năm liền, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo đóng vai trò là chủ tịch hội đồng nghệ thuật, chi hội phê bình mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội. Ông cũng là người góp nhiều tiếng nói phản biện trước những vấn đề bất cập nảy sinh trong nền mỹ thuật nước nhà. Chẳng hạn như khi nghệ thuậtSơn mài Việt Nam đang đứng trước cơ hội được Unesco ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” thì PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo người dành tình yêu lớn cho sơn mài đã dự báo danh hiệu không phải là mối quan tâm duy nhất mà phải có cái nhìn xa hơn, thực tế hơn trong việc bắt đầu từ xây dựng viện nghiên cứu sơn mài. Hay trước những sự viện lùm xùm liên quan đến nạn tranh giả, ông đều có những ý kiến thẳng thắn và chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này.

Ông cũng băn khoăn, lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam từ thời kì Đông Dương đến nay vẫn cần có một công trình nghiên cứu tổng hợp, để sự hiểu biết về mỹ thuật hiện đại Việt Nam được trọn vẹn, bao quát hơn: “Việc nghiên cứu về mỹ thuật hiện đại là tương đối hơn so với thời kì bảo tàng Mỹ thuật khánh thành., Đã có những người lao vào nghiên cứu, phát hiện tranh giả, cũng có nhiều người đánh giá được giai đoạn Đông Dương đã đóng góp gì cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam sau này. Nhưng cũng chưa có ai xây dựng nên được đầy đủ lịch sử mỹ thuật từ thời Đông Dương đến nay. Sự nghiên cứu về Đông Dương chưa thật phong phú, mới dừng lại ở mức độ giới thiệu tác giả chứ chưa xâu chuỗi thành lịch sử mỹ thuật Việt Nam.”- Ông nói.

Bây giờ, khi đã ở tuổi xế chiều, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật vẫn thường xuyên dõi theo các hoạt động mỹ thuật, đặc biệt là công tác lý luận phê bình, công tác tổ chức phong trào của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ở ông vẫn còn đầy nhiệt huyết và sự minh mẫn để tiếp tục đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác