Nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng, nhà giáo Lê Quốc Bảo (tên thật là Lê Quân Hiến) tạ thế hồi 8h00 sáng ngày 17/11/2022, hưởng thọ 90 tuổi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
Mỹ thuật đương đại Việt Nam có hai “ông lớn” tên Bảo làm phê bình: Lê Quốc Bảo và Nguyễn Đỗ Bảo. Mỗi ông mỗi vẻ, nhưng dường như, trong cái sự sôi động nhất định của những năm tháng mỹ thuật Việt Nam đổi thay và phát triển từ trước và sau Đổi mới tới những năm đầu thế kỷ 21, trên các diễn đàn mỹ thuật và đại chúng, có sự đóng góp rất lớn tiếng nói từ hai ông.
Nhà giáo Lê Quốc Bảo (hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) cùng các giáo sư, hoạ sĩ, thầy trò trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong một chuyến đi điền dã thực tế. |
Với những phóng viên theo dõi văn nghệ như chúng tôi, nhất là “quân khu phát thanh”, cuộc triển lãm, tọa đàm mỹ thuật nào có mặt nhà phê bình Lê Quốc Bảo, cầm chắc có thông tin hay. Sắc sảo, nhạy bén, hoạt ngôn, Lê Quốc Bảo không ngại bất cứ một câu hỏi nào, kể cả câu hỏi phản biện, lật lại vấn đề, “đụng chạm”. Và dường như càng “đụng chạm”, ông càng có cách thức đối thoại để người nghe tâm phục khẩu phục.
Trong các cuộc triển lãm, khi phê bình tác phẩm với khán giả đại chúng, Lê Quốc Bảo luôn có cảm quan của người tri âm, để chỉ ra những nét hay, hoặc điều có thể trở thành thế mạnh của tác giả, để khơi gợi về một con đường còn dài, còn tươi mới, còn hy vọng tiếp tục thăng hoa, sáng tạo. Ông cũng đặc biệt gai góc, quyết liệt phản biện trước những tác phẩm phản văn hóa, lai căng, mập mờ núp bóng nghệ thuật.
“Phê bình nghệ thuật có hai hình thức cơ bản: nói và viết. Phê bình nói trực diện hơn, nhanh, nhạy hơn trong trao đổi tọa đàm, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình hoặc trả lời trên báo, tạp chí đã thực sự tạo được một một dư luận nghệ thuật đa chiều, đối thoại trực tiếp. Phê bình viết chiếm vị trí chủ đạo trong phê bình nghệ thuật, sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn trong thể hiện quan điểm, chính kiến của người viết, “đọng” lại hơn trong dư luận nghệ thuật.” Lê Quốc Bảo quan niệm như thế.
Và ông chính là một trong số ít các nhà phê bình “nói trực diện”, tích cực trao đổi, đối thoại, thông tin trực tiếp trên tất cả các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng, với mong muốn tạo dư luận đa chiều về mỹ thuật. Tại các diễn đàn, Lê Quốc Bảo “phê bình mỹ thuật trực tiếp” với nguồn năng lượng không vơi cạn, lôi cuốn người nghe bằng cảm xúc nhiệt thành, đủ hỉ nộ ái ố, nhưng trên hết vẫn thuyết phục bằng sự hiểu biết, sự chân thành, sự hết mình với mỹ thuật và khiến người nghe có cảm giác, với ông, chỉ Sáng tạo nghệ thuật chân chính là Đấng cao nhất mà thôi.
Nhà giáo, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo |
Nhà giáo, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo sinh năm 1933, nguyên quán Yên Phụ, Hà Nội. Học ngoại ngữ ở Khu học xá Trung ương, Nam Ninh, Trung Quốc, sau đó được đặc cách tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Sau khi học tập ở nước ngoài về, ông gắn bó với công tác nghiên cứu, giảng dạy ở trường mỹ thuật hơn nửa thế kỷ.
Lê Quốc Bảo là một trong ba thầy giáo (cùng với Triệu Thúc Đan, Nguyễn Trân) sáng lập khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1978 – khoa lý luận lịch sử mỹ thuật đầu tiên của cả nước, do Giáo sư, họa sĩ Trần Đình Thọ có công đầu thành lập.
Là một nhà giáo, ông đã cùng đồng nghiệp của mình mở đường đào tạo nhiều thế hệ học trò đang gánh vác trọng trách phê bình lý luận mỹ thuật đương đại Việt hiện nay.
Con đường đến với phê bình mỹ thuật của nhà phê bình nổi tiếng Lê Quốc Bảo, ít ai biết, thoạt kỳ thủy chính là tự học. Trong lời Tự bạch, ông từng thuật lại việc “bén duyên” với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ niên khóa “1958-1959”: công việc ban đầu là chuẩn bị đón các chuyên gia sang dạy về phê bình mỹ thuật, và buổi tối dạy ngoại ngữ.
Bài học vỡ lòng của ông về mỹ thuật từ việc họa sĩ Trần Đình Thọ (ngày đó là hiệu phó) giao cho Lê Quốc Bảo lo tờ Nội san lưu hành nội bộ, phải trực tiếp dịch bài, viết bài, đặt bài, biên tập và in, ông đã may mắn “được làm việc trực tiếp bài vở với một thế hệ thầy đáng kính”, và tiếp tục được họa sĩ Trần Đình Thọ định hướng theo con đường mỹ thuật; được sống trực tiếp trong không gian dạy và học mỹ thuật sôi động và nức tiếng của hội họa hiện đại Việt Nam hơn nửa thế kỷ.
Với Lê Quốc Bảo, môi trường của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giáo sư NGND, họa sĩ Trần Đình Thọ “chính là trường đời và người thầy đáng kính của tôi”. Ông viết: “Tôi đã ngộ ra một bài học bổ ích cho mình và cho cả thầy lẫn trò: phải biết biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo cho cả thầy lẫn trò mới nên người và thành danh, đúng như lời dạy của danh họa Nguyễn Gia Trí: Học nghệ thuật là phải tự học lấy.”
Là một người luôn đau đáu với mỹ thuật nói chung và sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam nói riêng, với óc quan sát bản năng sắc bén, Lê Quốc Bảo cũng là một người luôn ủng hộ cái mới, khích lệ sự tìm tòi, khát vọng sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ. Trong các bài viết, các ý kiến phát biểu, ông luôn trăn trở về cơ chế, quan niệm, nhận thức, phương thức tổ chức, chiến lược lâu dài về phát triển mỹ thuật Việt Nam.
Với quan niệm “phê bình nghệ thuật thuộc toàn xã hội không của riêng ai, có nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ và hình thức đều có giá trị vốn có của nó”, ông ủng hộ nhiệt thành việc tiếp cận chân lý, tìm ra cái đẹp đích thực của nghệ thuật chính từ khen chê đa chiều, nhìn nhận, đánh giá đa chiều chứ “không ai ép được ai trong sáng tác, phê bình, hưởng thụ mỹ thuật.”
Không kể những bài đã đánh mất không lưu trữ được qua thời gian, những bài viết trong tuyển tập để lại của nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho thấy ông đã giới thiệu được được 158 tác giả hiện diện trong đời sống mỹ thuật Việt đương đại, trên khắp mọi miền đất nước, gần 1/10 số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
"Phê bình nghệ thuật thuộc toàn xã hội không của riêng ai, có nhiều cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ và hình thức đều có giá trị vốn có của nó " - Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo
Viết phê bình trực tiếp, viết trước khi triển lãm ra mắt, viết định hướng thông tin, viết phản biện, các bài viết của Lê Quốc Bảo thường diễn ngôn theo văn nói, nhanh, mạnh, cắt câu chém ý tạo cảm xúc trực tiếp cho người đọc. Nếu đọc lại toàn bộ trước tác của Lê Quốc Bảo, như ông mong muốn - không sai - người đọc có thể hình dung được “đời sống thực tiễn mỹ thuật hiện đại Việt nam theo nhiều chiều không gian và thời gian, gần 90 năm.”
Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật, nhà báo Hoàng Anh giới thiệu về ông trong tập “Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam từ góc nhìn giảng dạy – nghiên cứu – phê bình mỹ thuật” dày 757 trang của Lê Quốc Bảo: “Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo là người được các nghệ sĩ tin cậy và gửi gắm những hoạt động của mình bởi ông sống, làm việc, trao đổi với các nghệ sĩ một cách vô tư, nhiệt tình và chân thành. Ông đi nhiều, đi khắp các triển lãm lớn nhỏ ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước. Mỗi năm xuyên Việt hai lần và trong liên tiếp nhiều năm như thế. Vì thế, việc sở hữu một số lượng bài viết về các triển lãm của ông là một con số rất đáng ghi nhận”.
Nhà giáo, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo và người vợ tri kỷ - nhà báo Hồ Thị Khánh Quý đều là tín đồ của việc ham đọc, học hỏi và tự học suốt đời. Di sản ông để lại cho nền phê bình mỹ thuật đương đại Việt Nam, có thể còn rậm rạp, nhưng là những ý tưởng gọi ý tưởng, như những bước chân đạp qua rừng rậm để tạo thành đường, gọi những bước chân tiếp nối. Đã có nhiều con đường khác, nhiều lối đi khác, nhưng những người đi sau không bao giờ quên được những người đã mở lối đầu tiên.
(VOV5) - Hiện tại nghề họa sĩ vẽ bìa ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc đang rất thiếu.