(VOV5) - Việc xây dựng và phát triển nhà hát trực tuyến còn đưa nghệ thuật vượt ra khỏi khán phòng, đến nhiều đối tượng khán giả hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam, hoạt động biểu diễn nghệ thuật một lần nữa bị ngưng trệ. Câu chuyện xây dựng nhà hát trực tuyến, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả tiếp tục “nóng” lên với nhiều chuyển động. Đây không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp “đóng băng”, mà rõ ràng đã là xu thế của thời đại mới, vì vậy cần có chiến lược đầu tư nghiêm túc, bài bản.
Chương trình “VNSO Season opening concert” được phát trực tuyến trên Youtube tối 26-8. Ảnh: Báo Hà Nội mới. |
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hồi tháng 8/2020 đã hủy buổi diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngay trước thời điểm đã được ấn định, đồng thời lập tức triển khai chương trình “VNSO Season opening concert” phát trực tuyến trên kênh Youtube và Facebook. Sau sự kiện này, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã kịp thời đầu tư nâng cấp phòng tập thành phòng hòa nhạc tiêu chuẩn, phục vụ cho hoạt động biểu diễn trực tuyến. Cách đây vừa tròn 1 tháng, Dàn nhạc đã có chương trình biểu diễn ra mắt phòng hòa nhạc và hình thức hòa nhạc trực tuyến của dàn nhạc.
Cũng trong xu hướng này, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cùng nhiều đơn vị nghệ thuật khác thời gian qua đã xây dựng kênh Youtube và Facebook để phát những chương trình đã ghi hình, video giới thiệu tác phẩm, lên phương án biểu diễn trực tuyến lâu dài.
Nhìn chung, các nghệ sỹ Việt Nam đều ủng hộ phương án biểu diễn nghệ thuật online này. Các nghệ sĩ chia sẻ: “Biểu diễn trực tuyến mang lợi thế rất lớn cho mình. Mình có một lượng khán giả truy cập và xem mình rất đông, đông hơn rất nhiều so với khi mình biểu diễn trên sân khấu. Và uy tín, tiếng vang, sự lan tỏa của mình rộng hơn.” “Đây cũng là cơ hội khác để chúng ta chuyển tải âm nhạc, cách thức nghe nhạc và thưởng thức âm nhạc theo một phương thức khác.””Chúng tôi được nhiều sự tương tác hơn với khán giả. Kênh mạng xã hội bây giờ là một kênh truyền thông rất tốt trong xu thế chung. Và nghệ sỹ chúng tôi cũng ở trong xu thế đó.”
Khán giả thưởng thức một chương trình nghệ thuật trực tuyến trên Youtube - Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Là khán giả theo dõi nhiều chương trình nghệ thuật trực tuyến gần đây, như: “Niềm tin”, “Thanh âm kết nối”, “Music home”, “Kiên cường Việt Nam”, “Hồi sinh” và mới nhất là “VNSO Season opening concert”, chị Vũ Thanh Thúy, ở Hà Nội, bày tỏ: “Các chương trình biểu diễn trực tuyến ngày một hoàn thiện và được thực hiện chuyên nghiệp hơn. Khán giả vẫn được tương tác với nghệ sĩ, cổ vũ họ thông qua các biểu tượng và bình luận”.
Về phần mình, nghệ sỹ ưu tú Hoàng Tùng, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, bày tỏ: “Tôi nghĩ là trong thời đại công nghệ số thì biểu diễn online là định hướng mới cho người nghệ sỹ và toàn xã hội và những kênh mạng xã hội bây giờ là kênh truyền thông rất tốt cho xu thế chung. Đây là một xu thế khiến chúng tôi phải thay đổi hình ảnh và phương pháp tiếp cận với khán thính giả. Khi tương tác nhiều hơn với khán giả qua mạng xã hội thì chúng tôi cũng có thông tin để tự hoàn thiện mình hơn.”
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng yêu cầu đổi mới hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong tương lai, tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã làm việc với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến, nhằm giới thiệu các loại hình, chương trình nghệ thuật đặc sắc đến công chúng trên nền tảng số.Từ đó đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị nghệ thuật đã bàn thảo, lên phương án xây dựng mô hình này.
Về chủ trương này, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, nêu rõ: “Tôi rất mong có một nhà hát trực tuyến của Bộ Văn hóa, hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn, đứng ra tổ chức, như là một thương hiệu của sân khấu Việt Nam. Một nhà hát nghệ thuật trong đó có rất nhiều loại hình nghệ thuật được giới thiệu đến khán giả bằng thương hiệu của Cục Nghệ thuật biểu diễn, như một bằng chứng nhận rằng các tác phẩm, chương trình nghệ thuật ở đây là cực kỳ nghiêm túc và các nghệ sỹ biểu diễn ở đây là cực kỳ chuyên nghiệp. Và nếu được tham gia biểu diễn ở đây thì chúng tôi cảm thấy rất là tự hào.”
Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến rất phù hợp trong thời điểm hiện tại, để duy trì và tăng cường kết nối giữa nghệ thuật và khán giả. Còn theo Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Kim Xuân Hiếu, nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn có khả năng chuyển động và thích nghi để đáp ứng tốt nhất. Việc xây dựng và phát triển nhà hát trực tuyến không ảnh hưởng đến hoạt động sân khấu trực tiếp, mà còn đưa nghệ thuật vượt ra khỏi khán phòng, đến nhiều đối tượng khán giả hơn, khơi dậy niềm yêu thích và thôi thúc họ đến sân khấu thưởng thức trực tiếp. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chiến lược xây dựng nhà hát trực tuyến song song với phát triển hoạt động sân khấu trực tiếp