Nhà thơ Trúc Thông (1940 – 2021), một NGƯỜI THƠ của Đài Tiếng nói Việt Nam, là một tên tuổi lớn trong làng thơ hiện đại Việt, không chỉ với 4 tập thơ: Chầm chậm tới mình, Maratong, Một ngọn đèn xanh, Vừa đi vừa ở và tuyển tập Trúc Thông thơ, mà còn cả ở vai trò như một nhà phê bình thơ – một bà đỡ mát tay cho những tác giả thơ hiện đại, độc đáo.
Nhà thơ Trúc Thông (hàng ngồi) trong buổi ra mắt tập Trúc Thông thơ - tuyển tập cuối cùng của ông, năm 2014. |
Sinh tại huyện Bình Lục (Hà Nam), nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông). Từ năm 15, 16 tuổi, Trúc Thông bắt đầu làm thơ rồi gắn bó cả cuộc đời với văn chương, trung thành với thơ và nghiên cứu lý luận phê bình văn học. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trở thành một biên tập viên kỳ cựu tại Phòng Văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trúc Thông ng đã giành nhiều giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, tức cây bút Vĩnh Trà nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam, một đồng nghiệp cũ của Trúc Thông từng chia sẻ: "Đội ngũ văn thơ và nghệ sĩ, nhạc sĩ của Đài rất đầy đặn, chúng tôi thống kê đã đóng góp cho đất nước hơn 600 nghệ sĩ. Và Trúc Thông là một nhà thơ mà anh chị em ở Đài TNVN rất yêu kính, cảm thông, chia sẻ. Với tư cách là một nhà báo văn nghệ, anh là một con người rất kiệm lời, nhưng trong công việc nhà báo anh là người hết sức cẩn trọng. Anh yêu quý cả người làm báo và những cộng tác viên. Ở đấy có Trúc Thông, Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường chăm sóc cộng tác viên rất kỹ. Trong anh chị em chúng tôi lúc Trần Nhật Lam có giải thưởng thơ của Hà Nội, chúng tôi đến chúc mừng anh rất nhiều. Và trong chuyện chúc mừng Trần Nhật Lam, người đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau, quan tâm chia sẻ lẫn nhau chính là anh Trúc Thông. Vì thơ của anh một phần, mà còn vì tư cách, đạo đức, cuộc sống của anh."
Trúc Thông là người làm thơ rất kỹ lưỡng, và là người luôn cẩn trọng với từng con chữ. Về cách viết thơ của Trúc Thông, một cách viết không dễ đọc với đại chúng, trước đây nhà thơ Thanh Thảo, một trong những người bạn thơ tâm giao của Trúc Thông đã từng nhận xét trong bài viết “Nhà thơ Trúc Thông nén chữ”: “Trúc Thông là người nồng nhiệt ủng hộ cách tân thơ, nhưng anh chủ trương cách tân theo kiểu của anh: đó là “nén chữ”. Những chữ dùng trong thơ Trúc Thông thường được anh “tra hỏi”, vặn vẹo chán chê mê mỏi, nén chặt lại từng từ để khả năng bộc phá và bùng nổ của nó tăng lên. Như kiểu người ta dồn thuốc nổ. Tôi cũng rất thích kiểu này, có điều cứ phải “thôi, xao” căn vặn từng từ một thì tôi không đủ kiên nhẫn. Với tôi, thơ cứ vung lên như người câu cá, được thì được không được thì thôi. Nhưng Trúc Thông lại khác. Anh không muốn có những từ mình không kiểm soát được lại lọt vào bài thơ mình.”
GS TS, nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Nho khẳng định. Trong các tập thơ của Trúc Thông từ Chầm chậm tới mình hay Mara tông, Ngọn đèn xanh đều có một tinh thần xuyên suốt: "Thực ra cả Chầm chậm tới mình. Cả Mara tông, hai hình thức có vẻ khác nhau đó nhưng đều có chung một điểm là sự bền bỉ..Và cái quan trọng nhất, sự bền bỉ ấy là để đi đến chính mình, bởi vì nếu anh không là mình, thì anh cũng sẽ không là gì với toàn bộ khu rừng văn chương này. Anh Trúc Thông là người nghiêm túc, khắt khe với chính mình, chính vì vậy có những thành tựu trong văn học nghệ thuật. Trúc Thông viết về quê hương, không có đoạn thơ nào thật là ấn tượng về quê hương, nhưng mà đọc lên những câu thơ này thì thấy đúng là một làng quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Ví dụ: Ngọn gạo xa cánh đồng/ Thời gian ngoằn ngoèo vỏ cây vệt chảy, hoặc là: Sông Châu gió đầy đôi bờ gần lắm…Ttôi hình dung mỗi nhà văn như là một loài hoa mà Trúc Thông là một bông hoa nổi bật với hương sắc riêng."
Trong suốt cuộc đời làm văn chương của mình, Trúc Thông không chỉ định vị được một vị trí rất riêng trong lòng công chúng yêu thơ nói chung, mà ông còn được các thế hệ nhà thơ lứa sau hết sức trân trọng vì tinh thần nâng đỡ cho thơ trẻ, tìm kiếm không ngừng, tôn vinh những sáng tạo của những tài năng trẻ.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến kể lại, Trúc Thông là người rất ưu ái với bạn thơ: "Thế hệ thơ chúng tôi là thế hệ đàn em của anh Trúc Thông. Với một con mắt xanh, anh Trúc Thông đã đến với những tác phẩm đầu tiên của chúng tôi. Sau đó trên hành trình văn học, sự đối thoại của các nhà thơ trẻ với các nhà thơ khác chẳng hạn như anh Trúc Thông, tạo ra một chất xúc tác rất lớn. Trong số những nhà thơ đàn em của anh Trúc Thông, có anh Trần Anh Thái, trước anh công tác ở báo Quân dội Nhân dân. Thời gian trước, với những tìm tòi trong thơ Trần Anh Thái, anh đã đến tìm gặp Trúc Thông. Hai anh em trò chuyện với nhau.
Và tôi đặc biệt có nhớ 1 bài thơ rất ngắn của anh Trúc Thông, anh đã nói thế này khi nói với bạn thơ: Ta là trường thành áo giáp của nhau/ Họng sung thẳng vào nhau lòe mắt sói/ Thôi lộn túi bồ câu và quỷ đói/ ta cùng bay tới cõi thiên đường……Với một thông điệp như thế này, với những người làm thơ trẻ chúng tôi nó như là một sứ mệnh. Tôi biết rằng chỉ sau một thời gian rất ngắn, anh Trần Anh Thái đã ra một loạt các trường ca. Và anh đã được ghi nhận bằng một giải thưởng rất cao trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ."
Trong bài “Trúc Thông nén chữ”, nhà thơ Thanh Thảo từng nhận ra điều mà, hầu hết các bạn đọc yêu thơ Trúc Thông đều cảm thấy khi đọc bài Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông, rằng: “Khi mẹ anh, người mẹ lam lũ làm lụng mà anh yêu thương nhất qua đời, thì bài thơ hay nhất của Trúc Thông dành tặng mẹ, bài “Bờ sông vẫn gió” lại là bài thơ cực kỳ tự nhiên, được viết ra “trong một hơi” và gần như không có chuyện chọn lựa từ ngữ một cách cố ý. Người cố ý nhất khi làm thơ đã có một bài thơ hay “vượt thời gian”-một bài thơ sáng tác hoàn trong trạng thái vô ý. Thì thơ vẫn vậy, nhiều khi ta được nó mà không biết. Miễn là ta yêu nó với một tình yêu vô tư vô vị lợi. Trúc Thông đã yêu thơ như vậy. Và anh được ở những bài thơ mà anh ít ngờ nhất.”