Đấy là những lời nhà văn Lê Minh Hà, người Việt ở Đức viết trong câu chuyện Thế mà sắp Tết đăng trên tờ Tuổi trẻ số Xuân. Bạn đọc vừa mừng vui đón tin Lê Minh Hà thông báo cuốn sách mới của chị đã xong và sắp ra mắt, thì bẵng đi, bạn bè thân hữu gần xa mới giật mình biết tin chị vừa vượt qua cơn bệnh do "Cô-Vi" chạm tới.
Nhân đầu xuân mới, nhà văn Lê Minh Hà trò chuyện với phóng viên VOV5, câu chuyện về cái Tết, hương vị quê nhà và tác phẩm mới của mình.
Nhà văn Lê Minh Hà: Hậu quả của Corona virus đối với tôi sau khi bị nhiễm có lẽ không nặng nề quá mức giống như nhiều người, mặc dù tôi đã chuẩn bị tinh thần là nặng nhất, do những điều kiện thể chất riêng. Và bây giờ còn lại là gì? Là vị giác và khứu giác vẫn chưa thực sự được phục hồi.
Thế nhưng theo tôi thì vị giác, khứu giác rồi kể cả thị giác đi chăng nữa vẫn chưa phải là điều kiện cần và đủ để mà thưởng thức một món ngon hay là một bữa ăn ngon. Cụ Tản Đà cũng nói rồi, để có thể biết thế nào là ngon thì nhiều lắm, người ăn với mình cũng phải là người ngon nữa cơ. Nếu như thế có mà bàn cả ngày không hết.
Tôi chỉ thấy thế này, trong những điều kiện bình thường thì nhiều khi một vòm cây trên đầu vào một ngày nắng, một mùi hương dâu da xoan vào tháng ba bao bọc lấy mình lúc mình đang ngồi bên một gánh hàng rong ăn sáng, thế là ngon. Hoặc có lẽ cái tấm lòng biết ơn, không phải vị thức ăn mà tấm lòng biết ơn cũng là một trong những điều kiện để người ta biết thế nào là ngon.
Mới đây trên trang Hà Nội trí thức - mà rất đông đảo người Hà Nội cũ và mới cùng tham gia, tôi có gửi vào đó bài Đặc sản thời yêu (thời yêu là cái thời tuổi trẻ của chúng tôi, đặc sản không phải đặc sản yêu mà là đặc sản ăn), thì tôi lại nói tới những món không hề Hà Nội, ví dụ như món cháo cóc của người Khmer.
Và tôi có viết như là một câu kết thúc của bài đó, là cái vẻ nhẫn nhịn, bình thản đi qua những ngày rất gieo neo, những ngày mà một miếng ăn ngon và cũng có thể là bao nhiêu triền ký ức của những người có quen và không quen, đối với tôi cũng là một trong những điều kiện để hôm nay khi ăn, nhiều khi không phải vì đói, cũng chẳng phải vì thèm, mà chỉ vì thích thôi, cảm thấy thế là Ngon.
PV: Dù covid, thì cũng không thể làm mất được vẻ đẹp, vị ngon trong những bàn tay nấu ăn sành điệu. Bằng chứng là, những dòng viết trên facebook của chị, vẫn tả về những món ăn Việt ngon tới mức như người ta đang được trực tiếp thưởng thức nó. Chị thường chuẩn bị những gì cho gia đình vào những ngày Tết Việt trên đất Đức?
Nhà văn Lê Minh Hà: Hôm trước cũng lại trên facebook tôi có "quăng" lên một đoạn rút từ trong bài viết về cỗ tất niên. Đoạn này liên quan đến món măng lưỡi lợn. Hôm nay một cô đồng hương nhà gần thông báo qua facebook là: Chị ơi em mua được măng rồi. Vậy là có cơ "ăn chạc" cô hàng xóm!
Còn gì ngoài món măng cho Tết này? Cũng như mọi lần thôi, tôi kiểu gì cũng phải đặt bánh chưng, lần này đặt ít thôi (bởi vì biết chắc chắn là sẽ rất nhiều người cho), để cúng ông bà ông vải. Con tôi lại chỉ ưa những món rất Việt Nam nhưng lại phải là những món rất giản dị, rất bình dị ví dụ như cơm nguội ăn với muối vừng, bánh cuốn, khoai sọ luộc chấm tí đường... đại loại thế!
Những cái mình nấu cầu kỳ và ngon lành, ví dụ như mẹ rất thích món bóng và chân tẩy nhưng con sợ chết khiếp, nghe đấy là da lợn đã hoảng rồi, do đó cũng không bày vẽ. Nên cái gọi là ngày Tết chắc sẽ dừng lại ở chỗ này: Con lớn con bé cùng bố mẹ đi ra đường, rồi phải xông nhà. Thường tôi hay cho thằng bé (ngày trước gọi là thằng Cục mỡ, vì nó cũng mũm mĩm một chút, bây giờ nó lại giống thằng anh nó là Cục xương rồi), xưa ưu tiên nó là trẻ con bé nhất nhà vào xông nhà, chẳng chọn hướng cũng chẳng chọn tuổi, cứ ai tươi tỉnh nhất tôi cho xông nhà trước.
Những món đồ mà một gia đình Việt ở Wernigerode (CHLB Đức) chuẩn bị cho mâm cỗ Tết Tân Sửu - Ảnh: Lê Quang Vinh. |
PV: Những trang viết rất hay về món ăn đó, chị có đưa vào cuốn sách mới chứ, cuốn sách nghe nói đã nên hình và dự kiến xuất bản rồi? Bạn đọc sẽ được thưởng thức những gì từ tác phẩm mới này của Lê Minh Hà?
Nhà văn Lê Minh Hà: Gần như là ngẫu nhiên thôi corona virus làm cho tôi cũng có một khoảng thời gian rơi vào tình trạng chân không, không phải vì lockdown. Ở trong trạng thái chân không đấy quá lâu tôi thấy cũng mệt, tôi thoát ra ngoài. Trước khi bị nhiễm corona virus tôi đã ép được mình ngồi tập hợp lại những bài viết đã có sẵn, làm ba bản thảo.
Một bản thảo có lẽ sẽ bộc lộ tôi rõ nhất, Lê Minh Hà nhất, nhưng trong điều kiện hiện nay thì hơi khó in. Đấy là một tiểu thuyết khá dài mà tôi định đặt tên là Vọng những tôi.
Còn lại là hai tập gọi là tùy bút cũng được, tản văn cũng được, truyện ngắn cũng được, vì với tôi nghệ thuật hiện đại không có ranh giới rõ ràng lắm về các thể loại. Hai tập này đều liên quan tới Hà Nội, liên quan khá nhiều đến chuyện ăn nhưng tuyệt nhiên không phải là tác phẩm viết về cách nấu ăn. Tôi không đảm đang khéo léo đến thế đâu. Ngoài chuyện ăn, còn có rất nhiều chuyện yêu nữa.
Tại sao lại nói nhiều đến cái đó? Bởi vì nghĩ cho cùng ăn là một cái gì đấy khá cụ thể, món ăn là vật thể, yêu thì ngược lại. Hai cái đấy chỉ là hai mặt của một cái gì ta quý giá, không đối chọi lẫn nhau. Ăn đối với tôi không phải chỉ là ăn. Ăn là văn hóa. Nhưng văn hóa cũng không phải là thứ mà người ta tưởng rằng có thể sờ nắm được, rồi có phát triển, có mai một. Ăn nghĩ cho cùng thì nó chỉ là lối sống, nó là một cách sống. Nó chỉ là, nhưng có lẽ đấy lại là hạt nhân của văn hóa ở bất kỳ đâu, ở bất kể một tộc người nào. Thế nên qua một món ăn, một bữa ăn, qua việc ngồi với đôi ba người trong một bữa ăn người ta có thể học được hoặc tránh được khá nhiều điều trong lẽ sống cũng như trong cách sống. Bạn sẽ thấy ngay thôi nếu có dịp ăn cùng với những người rất giống mình, hoặc tưởng rất giống mình, cũng như là với những người mình tưởng rất khác mình.
Tôi nhớ những bữa ăn ở nhà bạn bè mình. Tôi nhớ những bữa ăn ở nhà người Việt bên này mà có xuất thân cực kỳ khác tôi, là những người sống ở miền Trung. Tôi nhớ rất nhiều. Và ở mỗi nơi tôi đều học được một vài cách nấu, một vài món, tôi học được cách ăn và cũng biết rằng có những cái tôi không nên học. Ăn là như thế với tôi. Và viết về nó với tôi vẫn luôn luôn là viết về một lề lối Nghĩ và Sống của những người Việt như mình. Và nếu có thể, tôi vẫn luôn luôn muốn được quan tâm, muốn trở lại những ngày tháng định hình tính cách của mình, những ngày mình còn rất trẻ.
PV: Xin cảm ơn nhà văn Lê Minh Hà về cuộc trò chuyện này. Xin chúc chị và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và niềm vui. Một lần nữa xin cảm ơn chị!