(VOV5) - Một mình một lối, Phong Thu "thủy chung" với con đường mình đã chọn, với hơn 80 đầu sách thiếu nhi đã được xuất bản.
Nhà văn Phong Thu đã rời xa dương thế ngày 30-12-2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi. Cần mẫn cầm bút cho tới những giây phút cuối đời, số đầu sách của nhà văn Phong Thu đã xuất bản gần bằng số tuổi của ông.
Nhà văn Phong Thu tên thật là Nguyễn Phong Thu sinh năm1934 tại tỉnh Thái Bình. Ngoài bút danh Phong Thu, ông còn có bút danh khác là: Hồng Trang, Hồng Hương… Gần 60 năm kể từ ngày truyện ngắn đầu tay của nhà văn Phong Thu viết cho thiếu nhi được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong, đến nay, chưa lúc nào ông ngưng viết cho các em. Một mình một lối, Phong Thu "thủy chung" với con đường mình đã chọn, với hơn 80 đầu sách thiếu nhi đã được xuất bản, đóng góp không biết mệt mỏi trong việc bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ thơ thông qua văn học. Nhiều tác phẩm của ông được trích đưa vào sách giáo khoa bậc Tiểu học.
Chiếc bàn viết dị biệt của nhà văn Phong Thu và những dấu tích trên bàn viết. - Ảnh: suckhoedoisong.vn |
"Tôi viết cho các em như một cơ duyên, rất bản năng tự nhiên. Tôi vào đời bằng nghề dậy học, cộng với những ký ức tuổi thơ nhọc nhằn trong kháng chiến. Khi ấy tôi khoảng 13 tuổi, có một ước mơ mình sẽ trở thành nhà văn. Nhưng nhà văn là như thế nào thì tôi cũng chưa hình dung được. Cho tới khi trở thành giáo viên, được đọc tờ báo Thiếu niên Tiền phong. Và tôi thấy rằng nếu viết truyện như thế này thì mình cũng viết được. Thế là tôi viết truyện ngắn đầu tiên “Cái mỏ phấn” có nội dung miêu tả về cảnh học tập của các em nhỏ vùng cao. Sau đó tôi gửi về tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong tháng trước, thì tháng sau được đăng. Vậy từ một ước mơ tưởng như không có thật, lại được sự khích lệ động viên của tòa soạn, nên từ đó tôi liên tục viết cho các em." - Sinh thời, nhà văn Phong Thu đã chia sẻ như vậy.
Mong muốn giản đơn đó được bồi đắp qua năm tháng đã khiến nhà văn Phong Thu lúc nào cũng thích cầm bút sáng tác cho các em. Bất kể đi đâu hay làm gì thấy có đám trẻ thơ là ông lại hòa đồng để cùng chơi, cùng mạch suy nghĩ và cảm xúc với các bạn nhỏ. Nhiều câu chuyện giản dị mà xúc động đầy tính giáo dục của ông được viết nên từ những chuyến đi "la cà dọc đường" ấy. Nhiều thế hệ học trò còn nhớ những tác phẩm đầy chất thơ in trong sách giáo khoa bậc Tiểu học như: "Bàn tay mẹ", "Chim sâu", "Xe lu và xe ca", "Cua đồng thức giấc", "Chim sẻ"… của nhà văn Phong Thu. Cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con nhà Cua trong bài "Cua đồng thức giấc" đã giúp các em hiểu hơn về loài vật tám cẳng hai càng, cũng như niềm vui của bác Trâu già khi từ có máy cày hỗ trợ. Hay trong truyện “Xe lu và Xe ca”, các em biết tôn trọng công việc và sở thích của người khác… Nhà văn Phong Thu thích đọc các truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài. Có lẽ chính từ tác phẩm “Dế Mèn Phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã giúp nhà văn Phong Thu tìm ra cách viết riêng cho mình.
"Trong lòng tôi tự tôn nhà văn Tô Hoài là thầy. Vì tôi đọc truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” từ năm 10 tuổi. Tôi thấy văn phong của Tô Hoài rất phù hợp với trẻ em. Tôi nghĩ, anh ấy viết như thế này, thì mình viết như thế kia. Anh ấy kể chuyện vui, thì mình kể chuyện buồn. Anh ấy viết thơ thơ mộng mộng thì mình viết nhi nhảnh, nghịch ngợm. Anh ấy viết truyện nông thôn, thì mình viết truyện nhà trường, sau đó là đi vào khai thác tình cảm gia đình, bạn bè." - Nhà văn kể lại.
Một số tác phẩm của nhà văn Phong Thu |
Nhiều mảng đề tài đã được nhà văn Phong Thu sáng tác. Nhưng có lẽ viết cho thiếu nhi vẫn luôn là thế mạnh khiến ngòi bút của ông không bao giờ muốn ngưng nghỉ. Chưa bao giờ ông thấy mảng đề tài này cũ, không thấy mình bị cùn mòn và tình yêu với con trẻ trong ông chưa bao giờ vơi cạn. Nhiều tác phẩm thiếu nhi đã mang đến cho nhà văn hàng chục giải thưởng như: "Hoa mướp vàng" (Giải Nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn, NXB Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tổ chức); Tập truyện "Điểm 10" (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội); kịch bản phim hoạt hình "Cá sấu ngứa răng" (Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1970) cùng nhiều truyện ngắn thiếu nhi yêu thích như: "Bức tường có nhiều phép lạ", "Bồ nông có hiếu", "Xe lu và xe ca", "Vì sao đuôi cò lại ngắn"…
Chị Nguyễn Thúy Loan- Biên tâp viên Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng những truyện ngắn của nhà văn Phong Thu đã góp phần bồi đắp tâm hồn của nhiều thế hệ nhỏ: "Nhà văn Phong Thu có một di sản viết cho thiếu nhi vô cùng phong phú. Từ thơ, đến truyện, những cuốn sách lịch sử về Đội. Nhiều bạn nhỏ vẫn nhớ lời thơ được phổ nhạc của ông: Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh… Hay nhiều bài thơ ở tuổi mẫu giáo. Tác phẩm của nhà văn Phong Thu rất giản dị, thường là những câu chuyện nhỏ nhắn, xinh xắn. Nhưng ở đó ẩn chứa lời dặn dò, nhắn nhủ của một người thầy, một người cha, người ông dành cho thế hệ trẻ. Ông là người có những cống hiến cho nền Văn học thiếu nhi nước nhà"
Nhà văn Phong Thu là một người tính tình đôn hậu, sống tình cảm. Bởi thế mà ông chọn thiếu nhi làm đối tượng chính trong tác phẩm của mình. Đã có lần nhà văn bộc bạch: “Mình thích sáng tác về thiếu nhi bởi vì hợp với cái "tạng" của mình. Vì thế giới của thiếu nhi rất trong trẻo, hiền lành, vui vẻ, nhân hậu. Còn thế giới của người lớn vốn nhiều gai góc, buồn phiền nên tôi không thích viết bằng. Hơn nữa, "sân" dành cho thiếu nhi vốn ít người viết, nên khi đã chìm đắm trong thế giới ấy rồi, tôi cứ một mình một ngựa rong ruổi và chưa bao giờ có ý định ngưng viết…" Chính vì vậy mà tác phẩm của ông luôn đầy ắm tiếng cười, tình bạn và cả những vui buồn, yêu ghét trong tâm hồn trẻ thơ.
Nhà văn Phong Thu đã có hơn 60 năm cầm bút sáng tác cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm của ông có thể xem là truyện cổ tích hiện đại với cách viết tung tẩy, hồn nhiên, mang đậm bài học sâu sắc về tinh thần nhân văn, tử tế của con người. Những năm cuối đời, nhà văn Phong Thu sống kiêm nhường trong căn nhà tập thể ở khu phố Trương Hán Siêu- Hà Nội.
Một ngày chính Đông ông đã lặng lẽ ra đi để lại những trang viết bình dị, gửi tấm lòng thiện lành cho các thế hệ mai sau, đúng như mong muốn của nhà văn Phong Thu khi còn ở dương thế: Người kể chuyện hóm hỉnh của trẻ thơ: "Viết cho các em không phải là để dạy dỗ, mà là để hướng dẫn các em làm những việc đúng, tránh những việc sai để trở thành con ngoan. Tôi luôn luôn băng khoăn là chúng ta dễ bắt gặp những trẻ em hư, hơn là trẻ em ngoan. Thế thì khi trông thấy trẻ em đánh nhau, thì tôi viết truyện “Không đánh nhau, thương nhau”. Thấy trẻ nói tục chửi bậy, thì tôi viết truyện “Nói lời hay làm việc tốt”. Thấy cháu bé lười học thì tôi viết truyện mang tính chất động viên, tìm hứng thú trong học tập, mà điển hình là truyện “Bức tường có nhiều phép lạ”. Khái quát lại là tôi phải hiểu các em, nghĩ như các em nghĩ, chơi như các em chơi, thích như các em thích và ghét như các em ghét… theo kiểu của trẻ con."