(VOV5) - Một vở nhạc kịch đầy cảm xúc, sự lạc quan, tình yêu cuộc sống và thấm đẫm tinh thần cách mạng. Đó là cảm nhận chung của nhiều khán giả sau buổi công diễn vở opera "Lá Đỏ". Đây là tác phẩm hùng tráng về thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, đã lay động người xem bởi tinh thần cách mạng và tình yêu cuộc sống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
|
Vở nhạc kịch "Lá Đỏ" là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều nghệ sỹ tên tuổi thuộc các loại hình nghệ thuật Việt Nam như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn Anh Tú, nghệ sỹ nhân dân, biên đạo múa Anh Phương... cùng với đó là sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam. Với sự tham gia của gần 150 nghệ sỹ, "Lá đỏ" không chỉ có quy mô lớn về mặt dàn dựng mà còn có kịch bản giàu ý nghĩa nhân văn với cuộc sống đương đại. Vở nhạc kịch được lấy cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc với những ca từ nổi tiếng như: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”. Tháng 09/2014, “Lá đỏ” hoàn thành trên văn bản và bắt đầu quá trình dàn dựng để đưa lên sân khấu.Trong "Lá đỏ", khán giả được sống lại một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc, một thời các thanh niên Việt Nam lên đường ra chiến trận, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Về ý tưởng kịch bản vở nhạc kịch, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: "Tôi có nhiều kỷ niệm, tình cảm với Trường Sơn vì năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp tôi được vào Trường Sơn để phục vụ các chiến sỹ. Là người làm thơ nên trong mọi hoàn cảnh tôi đều tranh thủ để cảm nhận và lưu trữ lại những cảm xúc của mình. Và khi được mời viết kịch bản, tôi đã lấy những vốn sống ngày ấy để viết. Tôi chọn ngay các cô thanh niên xung phong và các anh công binh là nhân vật chính. tôi xây dựng cho thành một đôi vừa công việc, vừa chiến đấu, trong công việc và trong cuộc sống họ nảy nở tình yêu. Anh công binh ấy lại có tâm hồn thơ và tôi nhớ ngay đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, một trong những người làm nghệ thuật cũng tham gia chiến trường".
Vở nhạc kịch "Lá đỏ" với thời lượng 2 giờ đồng hồ xoay quanh câu chuyện bi tráng có thật về 8 chiến sỹ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Với họ, hàng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình, ấy là mãn nguyện. Kịch tính của vở nhạc kịch được đẩy lên cao khi trong 1 trận cứu hàng tránh bom, 8 người họ đã bị vùi lấp trong hang. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến phút giây hy sinh. Nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, biên đạo múa vở nhạc kịch "Lá Đỏ", cho biết: "Thế hệ trẻ không tham gia chiến tranh thì qua vở nhạc kịch này họ cũng hiểu được về cuộc sống gian khổ của những người đã gửi tuổi thanh xuân của mình trong Trường Sơn. Tuy câu chuyện phản ánh đề tài chiến tranh nhưng đã được hư cấu thành một câu chuyện để chuyển tải bằng hình thức nghệ thuật opera, bằng những khúc hát, lời thoại để diễn tả lại cuộc chiến đấu rất cam go và oanh liệt thời chiến tranh tại Trường Sơn. Toàn bộ tính kịch, giai điệu âm nhạc rồi những lớp diễn đều được hình thành quanh câu chuyện Hang Tám Cô".
Trong vở diễn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Văn Dung viết về Trường Sơn thời kháng chiến. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi, qua đó tạo thêm sức hấp dẫn cho vở nhạc kịch, “Lá đỏ” thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.Thưởng thức "Lá đỏ", khán giả cảm nhận được ở vở diễn vừa có màu sắc dân tộc, lại vừa có tính nghệ thuật hiện đại. Trong quá trình viết kịch bản, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đưa vào đó những yếu tố đặc trưng của chèo, loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát phân tích:" Kịch hát dân tộc dạy về tính ước lệ, cách điệu, hóa thân. Sân khấu ước lệ cho phép để các chị thanh niên xung phong khi hy sinh hóa thân thành hình tượng vừa thực vừa hư, vừa mang ý nghĩa nhân sinh rất lớn, đó là các chị được bất tử. Và nhân vật thần núi cũng là một sự sáng tạo của tôi. Tôi muốn biến dãy Trường Sơn không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ thoại của các nhân vật mà rõ ràng phải là nhân vật. Tôi biến ông thần ấy thành một người dẫn truyện. Giống như trong các vở chèo cũng có người dẫn truyện, ước lệ của sân khấu dân tộc. Tuy hơi cổ tích một chút, huyền thoại một chút nhưng hoàn toàn hợp lý".
Điểm đặc biệt của vở opera "Lá đỏ" đó là các diễn viên đều phải hát trực tiếp, không sử dụng micro và độ to nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn. Bằng cách xây dựng cốt truyện vừa dồn nén, vừa xúc động, một thời hoa lửa khốc liệt nhưng hào hùng của dân tộc được dựng lên chân thực. Biên đạo múa Phạm Anh Phương cho biết thêm:"Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chọn những giai điệu, những nét âm nhạc, kể cả những bài hát đều rất gần gũi như bài hát “Lá đỏ” hay là bài hát “Hành quân trên dãy Trường Sơn”, đồng thời có những đoạn hò âm hưởng dân ca cũng rất rõ nét, rất đi vào lòng người. Ở đây tất cả các yếu tố âm nhạc dân tộc đã được nâng lên mang tính bác học, được hòa quyện với nhau để tạo thành một vở diễn".
Xuyên suốt tác phẩm, hình ảnh những chiếc lá đỏ ẩn hiện qua từng lời ca, tiếng hát, hành động của nhân vật, đi tới tận phần kết với âm hưởng "Trường Sơn lộng gió, ào ào lá đỏ" đem đến cho người xem những rung động nghệ thuật. Đó là rung cảm về lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, dù gian lao, vất vả các chị vẫn như những chiếc lá đỏ cháy hết mình, cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho đất nước.