(VOV5) - ..Kịch bản không phải tính cổ vũ, khuyến khích, tuyên truyền hoặc minh họa lại những câu chuyện đã qua hoặc những sự kiện đã qua mà phải có những lát cắt mới...
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Mạnh Cường:
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 diễn ra từ ngày 25/09 cho đến ngày 02/10 với 13 tác phẩm của 13 đơn vị nghệ thuật tham gia. Trong 7 ngày liên hoan khán giả thủ đô đã được thưởng thức nhiều vở diễn hay, các vai diễn ấn tượng do nhiều nghệ sỹ thể hiện.
Ban tổ chức trao huy chương vàng tặng các diễn viên xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
|
Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc gồm: Vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, vở “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội, vở “Trung Trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
4 Huy chương Bạc cũng được trao cho các vở diễn: “Đêm trước ngày hoàng đạo” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổ chức biểu diễn Song Việt; “Hoa cúc nhà trời” của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội và “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Nghệ sỹ trẻ Thanh Huyền – diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, vào vai nữ chính trong vở diễn đoạt Huy chương vàng “Trung Trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Cô cho biết: "Mình vui vì được chọn vào vai công chúa An Tư, lại là vai chính nên mình rất thích khi được khám phá, được trải nghiệm một vai mới. Khi biết tin vở diễn được diễn khai mạc, mình cũng nghĩ có lẽ đây là một sự lựa chọn, một sự tin tưởng của Hội thi, có thể là một sự kỳ vọng của Hội thi dành cho Nhà hát chèo Hà Nội. Mình rất thích và hào hứng."
Cảnh trong vở “Trung Trinh liệt nữ”, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô 2022. Ảnh: TH/baotintuc.vn |
Tại liên hoan, dễ nhận thấy bên cạnh niềm vui của các nghệ sỹ tham dự cũng còn không ít sự trăn trở của những người làm nghề về thực trạng chung của sân khấu hiên nay, đó là sự thiếu hụt kịch bản. Tuy đây là Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 nhưng sự thiếu hụt này vẫn chưa được khắc phục, khi còn nhiều vở tham dự trong tổng số 13 vở diễn không mang chủ đề về Hà Nội.
Từng dàn dựng và tham gia nhiều kỳ Liên hoan Sân khấu thủ đô, kể cả trong liên hoan lần này, Đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng hiểu được sự khó khăn hiện nay khi tìm nguồn kịch bản để dàn dựng vở diễn. Trước thực tế đó chị đưa ra kinh nghiệm của mình, tác phẩm thì có đề tài khác biệt, câu chuyện riêng nhưng cái đích của người làm sân khấu vẫn phải hướng tới là Hà Nội: “Thực ra tôi cũng như các nghệ sĩ khác hào hứng bước vào một kỳ liên hoan mang đậm nhiều dấu ấn. Trong đó, dấu ấn lớn nhất là tình yêu đối với Hà Nội. Khi bắt tay vào dàn dựng vở diễn, bản thân tôi với tư cách là một đạo diễn, tôi cũng định hướng cho mình là mỗi tác phẩm có những câu chuyện riêng, có những đề tài khác biệt nhau nhưng mà cuối cùng cái đích hướng tới vẫn phải là tình yêu đối với thủ đô Hà Nội. Tức là mình muốn nói điều gì đó, muốn ca ngợi một điều gì đó, muốn đóng góp hương sắc riêng của mình cho muôn vàn những hương sắc để tạo nên vườn hoa (nghệ thuật) rất đẹp dành tặng cho Thủ đô yêu dấu.”
Là thành viên Hội đồng giám khảo của Liên hoan, NSND Giang Mạnh Hà cũng nhận thấy rõ việc thiếu hụt kịch bản sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của bất kỳ cuộc liên hoan nào chứ không riêng Liên hoan sân khấu thủ đô. Quan điểm của ông, người tác giả không nên dễ dãi, không viết theo kiểu minh họa sự kiện mà phải xây dựng được hình tượng con người trong hoàn cảnh điển hình hiện nay. Và nếu có kịch bản hay, chắc chắn chúng ta sẽ có vở diễn hay tại liên hoan: “Kịch bản ở đây không phải chỉ viết mang tính cổ vũ, mang tính khuyến khích, tuyên truyền hoặc minh họa lại những câu chuyện đã qua hoặc những sự kiện đã qua mà phải có những lát cắt mới, tạo ra được những hình tượng nhân vật điển hình, trong những hoàn cảnh điển hình, thì hiện nay chúng ta cũng còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn các tác giả chú ý, có kịch bản hay chắc chắn sẽ có những vở diễn hay.” - Ông khẳng định.
Tại buổi bế mạc liên hoan, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng thẳng thắn đánh giá về những hạn chế mà nhiều kỳ Liên hoan Sân khấu Thủ đô đã gặp phải. Ông cho rằng: "Các kỳ liên hoan trước, các vở diễn tập trung vào chủ đề về mảnh đất con người Hà Nội cũng ít. Và cho đến giờ này vẫn ít. Chứ không phải là ít hơn thời trước. Sau khi tổng kết nghệ thuật xong, sẽ có sự đóng góp chung của thành viên Hội đồng giám khảo, có tổng kết đánh giá đúng thực trạng của Liên hoan sân khấu Hà Nội, nhìn nhận theo góc độ nghệ thuật, nội dung và tư tưởng của các tác phẩm. Và bên cạnh đó cũng nhìn nhận được những gì mà chúng ta chưa làm được qua 4 kỳ liên hoan. Kỳ này là lần thứ năm. Những gì còn tồn tại để đề xuất ra những giải pháp, để làm sao liên hoan lần thứ 6 khác đi, thực sự là liên hoan có những vở diễn, có những hình tượng nhân vật mà có sự tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ về nhận thức và tư duy và thậm chí là kể cả thay đổi được sự ứng xử, hành động của khán giả khi đi xem. Đấy mới là Liên hoan sân khấu thành công."
Việc không nhiều tác phẩm mang chủ đề về Hà Nội tham gia liên hoan lần này cũng đã được nhiều nghệ sỹ - những người làm nghề nhìn nhận và đánh giá. Bằng sự thẳng thắn ấy hy vọng ở những kỳ Liên hoan Sân khấu Thủ đô tiếp theo khán giả sẽ được chứng kiến nhiều hơn những vở diễn khắc họa được hình tượng con người của Thủ đô văn hiến.