(VOV5)- Tên tuổi đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi gắn với cả một thời kỳ vàng son của sân khấu Việt.
Vở Rừng trúc của Nhà hát Tuổi trẻ, vở diễn từng Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc 1999, đã có một trích đoạn huy hoàng trong đêm diễn Đêm sân khấu Hà Nội, nhân kỷ niệm 40 năm Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1997. Rồi những trích đoạn vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát kịch Việt Nam, đã sáng lên cả những giây phút cuối cùng. Vở kịch từng được nhận Huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990 và là vở kịch nói đầu tiên mang ra nước ngoài công diễn.
Người xem rưng rưng nhận ra một thời hoàng kim của sân khấu kịch Bắc.
Những vở diễn ấy, đều còn nguyên vẹn dấu ấn Nguyễn Đình Nghi…
|
Vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, kịch bản Lưu Quang Vũ, một vở diễn in đậm tài hoa Nguyễn Đình Nghi, với những gương mặt diễn viên tên tuổi của Nhà hát kịch Việt Nam như NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSUT Anh Dũng...
|
Nữ cựu ký giả sân khấu Minh Trang của chương trình Sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam một thời, người từng nhiều năm dõi theo những hoạt động sân khấu của cố đạo diễn lừng lẫy này, nhớ lại: “Tôi rất ấn tượng với vở Hồn Trương Ba da hàng thịt mà ông đạo diễn vào năm 1987 cho Nhà hát kịch Việt Nam, kịch bản Lưu Quang Vũ. Vở diễn này với tất cả những tầm vóc từ dàn dựng cho đến ý nghĩa của kịch bản đã gây một tiếng vang lớn, để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng cả nước”
Như tác giả Quốc Hải viết trên tờ Tuổi trẻ thù đô “Không phải ngẫu nhiên mà “Rừng Trúc” ngày ấy lại có sự góp mặt của hai đạo diễn “cây đa, cây đề” trong làng sân khấu: NSND Nguyễn Đình Nghi và NSND Phạm Thị Thành. Vở Rừng Trúc đã thật sự gây ấn tượng sâu sắc cho người xem đúng như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã nói: “Đi tới một chiều sâu nào đó thì kịch lịch sử sẽ rất thời sự. Chúng ta không chỉ cảm nhận sâu sắc về quá khứ, mà còn thấy hào quang lịch sử của những vấn đề hiện đại. Soi vào tấm gương lịch sử mà tác phẩm sân khấu dựng lên, con người hôm nay có thể nhìn rõ diện mạo của mình một cách bình tĩnh và chân xác hơn”.
Vở kịch nói ấy, mà may mắn, phòng Sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam có thu thanh lại. Trong một lần “ghé cửa” cùng người bạn thân lâu năm của Nguyễn Đình Nghi tới thăm ông, tôi có trót hứa rằng sẽ in lại Rừng trúc ra băng catxet cho ông nghe. Và lời hứa với một người già, như một nghìn lời hứa khác, lẫn đi trong đủ thứ bận rộn không tên vô tâm của tuổi trẻ, cộng với những khó khăn của điều kiện kỹ thuật lúc đó, rồi cuối cùng cũng được tôi thực hiện gần…hai năm sau. Gửi cho ông trong lúc vội, tôi hơi hẫng vì ông đã tưởng nhầm đó là băng ghi hình. Và không biết, ông đã đón nhận nó ra sao…
Rồi cũng năm ấy, một chiều mưa rất nhẹ và trời hơi se lạnh ở Quảng Bình, trong căn phòng nhìn ra sông Nhật Lệ, tôi nhận được một cuộc điện thoại ở Hà Nội, nói rằng, báo vừa đưa tin - ông đạo diễn Nguyễn Đình Nghi ấy, đã mất rồi!...
Như một cơn gió ngao du thoảng qua đời, không hứa hẹn dừng lại nơi nhân thế bao lâu.
Rồi cũng qua báo chí, tôi được biết rằng, những ngày cuối cùng của cuộc đời, vị đạo diễn ấy, chỉ nghe đi nghe lại chiếc băng catxet có ghi âm vở Rừng trúc, một dấu ấn tài hoa cuối cùng của ông trên sân khấu kịch nghệ Việt Nam.
Tên tuổi Nguyễn Đình Nghi gắn với cả một thời kỳ vàng son của sân khấu Việt. Thông thạo tiếng Pháp, được đào tạo sân khấu bài bản cả ở nước ngoài lẫn trong nước, là người có mỹ cảm và trữ lượng văn hoá dồi dào, Nguyễn Đình Nghi đã luôn được các thế hệ trong nghề trân trọng xếp ở chiếu nhất. Nói như cựu ký giả Minh Trang thì: “Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi là một cây đại thụ trong ngành sân khấu, được cả giới sân khấu cũng như khán giả ngưỡng mộ cả về tài năng và tư cách phẩm chất của người đạo diễn sân khấu. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông đã bộc lộ một iến thức uyên bác, am tường về lịch sử sân khấu từ cổ đến kim, từ sân khấu phương Đông đến sân khấu phương Tây. Với một óc tư duy sáng tạo, thể hiện rõ bản lĩnh thép trên sàn diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi có một sức khám phá, phát hiện rộng, đưa được các tác phẩm văn học (là kịch bản) lên một tầm cao mới. Và ông đã đưa một cách rất khéo léo, ngọt ngào những tinh túy của sân khấu dân tộc vào sân khấu hiện đại. Những năm cuối đời ông dự cảm làm sao đưa được sân khấu ước lệ nâng lên thành sân khấu phức điệu, tức là có khả năng mở rộng phạm vi mô tả đến tận cùng. Ở ông có một nét nổi bật là ông rất kén chọn kịch bản sân khấu, có say mê, có thích thú thì ông mới dàn dựng, và mỗi năm ông chỉ dàn dựng một vở, chứ không nhận làm nhiều."
|
Đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi chỉ đạo diễn viên Nhà hát Kịch VN dựng vở. - Ảnh: Báo Sức khỏe đời sống |
Và cả thời kỳ khủng hoảng sau này khi sân khấu kịch lao đao nhất vì những khán giả thực sự yêu sân khấu kịch đã rời xa nó, vì những thay đổi dữ dội trong quan niệm và nhận thức thời đang mở cửa, trắng đen khó phân minh: vở kịch Ôtenlô được Nguyễn Đình Nghi dàn dựng với bao tâm huyết và công sức cho Nhà hát kịch Trung ương đã không có mấy khán giả, Nguyễn Đình Nghi vẫn kiên định với niềm tin của mình: nghệ thuật phải là sự toả sáng của văn hoá.
Giữa thời kỳ mà nhà nhà làm kịch, dựng kịch bươn bải để đáp ứng với… thị trường, bằng mọi cách để kéo khán giả vào rạp, thì tại Hội nghị Liên hoan sân khấu nhỏ toàn quốc tổ chức tại TP HCM năm 1993, Nguyễn Đình Nghi đã có một câu rất nổi tiếng: “Tôi không bao giờ coi khán giả có tiền là Thượng đế”..
Và trên sàn diễn, Rừng trúc, Hồn Trương Ba da hàng thịt, nguyên vẹn những dấu ấn Nguyễn Đình Nghi, đến hôm nay, vẫn làm người xem phải lắng lại, rưng rưng…