Những câu chuyện chưa kể từ hai cuộc chiến

(VOV5)-   Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức trao giải thưởng văn học - nghệ thuật cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975. Trong số 80 tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật: văn học, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, hội họa... đoạt giải thưởng, tặng thưởng đã phản ánh phần nào cảm hứng của đề tài này đối với văn nghệ sĩ đất nước, có hai tác phẩm đạt giải cao thuộc về đề tài chiến tranh cách mạng. Điều này cho thấy chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi đau, câu hỏi về số phận con người lại được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật đầy sáng tạo.

"Những chiếc lá trước khi rụng về cội nguồn cũng có đời sống, tình yêu của nó. Con người cũng vậy, mỗi cuộc đời, mỗi thân phận là một câu chuyện không thể rơi vào quên lãng". Đó là tâm sự của nhà văn Trầm Hương khi nói về tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" vừa đạt giải A trong cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975. Nhà văn Trầm Hương hiện là trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, kể rằng xuất phát từ nỗi ám ảnh khi được nghe chuyện tình của cô gái lai, con một vị quan người Pháp với một chàng trai Việt Nam xuấ thân nhọc nhằn. Mối tình của họ bắt đầu từ buổi gặp nhau trong thời điểm Cách mạng Tháng Tám, trải qua bao thăng trầm, biệt ly, nặng lòng cho đến lúc ra đi: “Ròng rã 10 năm trời mình đã viết xong cuốn sách. Hai cuốn, nếu in ra là 1000 trang. Khi viết xong mình cảm thấy hạnh phúc vì gần như mình đã trả xong một món nợ chứ mình không nghĩ là sẽ được giải thưởng. Mình chỉ nghĩ sao có thể viết xong cuốn sách thôi vì đó đã là phần thưởng lớn của mình rồi. Vấn đề là sức mình viết được tới đâu, làm được tới đâu vì những món nợ phía trước vẫn còn trĩu nặng trên đôi vai mình.”

Với tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy", cuộc chiến sinh tử được nhà văn tái hiện bằng nhiều sắc thái, góc độ. Đó không chỉ là cuộc chiến giữa địch và ta mà còn là sự đấu tranh thầm lặng trong nội tâm mỗi con người giữa biết bao sự lựa chọn mà ranh giới giữa đúng, sai chỉ trong gang tấc. Những giọt nước mắt đã rơi, những hi sinh thầm lặng đã nhường chỗ cho nhiệm vụ cao cả, cho lý tưởng cách mạng. Nhà văn Trầm Hương giữ nguyên mẫu nhân vật chính, với những tình cảm, hoài niệm cùng những đắng cay, mất mát, chia ly mà người phụ nữ phải gánh chịu trong dòng chảy của hai cuộc chiến tranh. Nhà văn Trầm Hương viết tác phẩm này như một cách trả nợ ân tình, thể hiện sự đồng cảm dành cho những giọt nước mắt thầm lặng của bao con người trong chiến tranh, đặc biệt là phụ nữ.


Những câu chuyện chưa kể từ hai cuộc chiến - ảnh 1
Một cảnh trong sân khấu kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” - Ảnh: Nguyễn Hoa - Báo Thế giới Việt Nam

Cũng là một đề tài cách mạng về người phụ nữ nhưng với tâm thế của người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hà Nội đã tái hiện hình ảnh anh hùng Võ Thị Sáu trong vở kịch múa "Khoảnh khắc bất tử". Bằng ngôn ngữ hình thể, hình ảnh nữ chiến sĩ công an nhân dân đầu tiên hiện lên với ý chí sắt đá, sự hi sinh anh dũng, trở thành niềm động viên, khích lệ cho các chiến sĩ cách mạng đằng sau song sắt ngục tù đoàn kết chiến đấu. Nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết ngôn ngữ múa là ngôn ngữ đặc thù và tương đối khó hiểu hơn các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Để xây dựng vở kịch "Khoảnh khắc bất tử" tác giả đã lấy hình ảnh hàng dương Côn Đảo xuyên suốt tác phẩm, sắp đặt tạo nên những hình khối chứa đựng nhiều dụng ý: “Khi sắp đặt vào một không gian khác, tạo nên những hình khối như những lát cắt trên sân khấu như là đường thẳng, hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo thì nó trở thành những song sắt lạnh giá của nhà tù. Và có những lúc hàng dương đó ngả xuống và treo lên bởi một sợi dây cáp căng từ trên xuống dưới thì nó lại như thiên đường. Thiên đường ở đây có thể là những ước mơ, tinh thần chiến đấu của những người chiến sĩ cộng sản ở trong lao tù.”  

Tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" và kịch múa "Khoảnh khắc bất tử" là hai tác phẩm đạt giải A từ cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh, cách mạng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Với nhà văn Trầm Hương và nghệ sĩ múa Tuyết Minh, có thể họ được sinh ra ở hai thời kì lịch sử khác nhau, góc nhìn về chiến tranh mỗi người một khác nhưng cảm xúc và những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật vẫn luôn được chắt lọc theo thời gian, với sự trải nghiệm và hơn hết là tinh thần trách nhiệm cùng tư duy khách quan, nhân văn hơn trước số phận con người.

Phản hồi

Các tin/bài khác