(VOV5) - Nếu không đặt trong tình hình chung của điện ảnh Việt Nam chục năm qua, sẽ không thấy hết sự dũng cảm của những người sáng lập dự án điện ảnh phi lợi nhuận “Gặp gỡ mùa thu”, điểm hẹn của những nhà làm phim trẻ.
Khi Việt Nam chưa thực sự có một “nền công nghiệp điện ảnh” đúng nghĩa, và bên cạnh sự èo uột của những hãng phim nhà nước, thì tư nhân chưa có những “ông lớn” thực sự để mắt đến việc nuôi dưỡng hay sản xuất điện ảnh tác giả.
Rõ ràng “Gặp gỡ mùa thu” có sự khởi đầu đầy hy vọng trong thời kỳ nhà nước có những chính sách kêu gọi phát triển điện ảnh tư nhân, tại một nơi chốn được các nghệ sĩ trẻ mong đợi sẽ thành một “vùng trọng điểm” về thu hút văn hóa là Đà Nẵng.
Song điện ảnh tự thân nó, chưa bao giờ là một “cuộc chơi” và chưa bao giờ không tốn kém. Vì thế, việc “Gặp gỡ mùa thu” vững bước đi lên qua 7 mùa, với kết quả thiết thực nhất là những gương mặt mới của một thế hệ làm phim Việt mới từng bước đi ra thế giới và được ghi nhận, nhưng đằng sau đó đồng thời là sự gắng gỏi hết mình của những người sáng lập, những người cùng chung tay tham gia tổ chức sự kiện này.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn Phan Đăng Di (thứ 2, thứ 3 từ trái sang) trao bằng chứng nhận cho các học viên lớp dạo diễn. - (Ảnh - BTC Gặp gỡ mùa thu cung cấp) |
Đạo diễn Phan Đăng Di trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 khi Gặp gỡ mùa thu lần thứ 7 vừa kết thúc tại Đà Nẵng, cũng có thể là lần cuối tại thành phố này, để tiếp tục hành trình mới ở địa phương khác.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa đạo diễn Phan Đăng Di, có thể nói cho đến thời điểm này chưa có một dự án điện ảnh nào do tư nhân tổ chức tại Việt Nam lại đạt được những kết quả thực sự đáng kể như là Gặp gỡ mùa thu, với sự phát hiện và làm bệ đỡ cho những gương mặt mới của ngành điện ảnh, mà truyền thông đã đưa rất đậm những năm vừa rồi. Như anh đã nói với báo chí, thì Gặp gỡ mùa thu sẽ dừng không tổ chức ở Đà Nẵng mà sau này sẽ chuyển về các trung tâm như thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn để đỡ tốn kém hơn. Nhìn lại hành trình 7 năm gặp gỡ mùa thu tại Đà Nẵng với anh và nhà sản xuất Bích Ngọc, thì những điều gì anh cho là đã đạt được.
Đạo diễn Phan Đăng Di: Chúng tôi nghĩ sau 7 năm, nếu nhìn lại cái được nhất, có lẽ là Gặp gỡ mùa thu đã tạo ra được một cộng đồng làm phim có một sự kết nối chắc chắn hơn, thật tâm hơn và vui vẻ hơn với một tinh thần chia sẻ, không chỉ là với những nhà làm phim Việt Nam mà cả những nhà làm phim trong khu vực.
Chúng tôi đã tạo ra được một môi trường mà ở đó điện ảnh được tôn vinh, tất cả những yếu tố chuyên môn của điện ảnh được quan tâm. Và chúng tôi cũng mở ra rất nhiều diễn đàn trao đổi thảo luận để tìm ra hướng đi mới trong việc làm phim, cũng như trong toàn bộ hoạt động sáng tạo điện ảnh, sản xuất phim.
Chúng tôi đặt tất cả những thảo luận đó trong một môi trường quốc tế, một không khí trao đổi thẳng thắn và cập nhật. Chúng tôi không muốn làm chương trình như là một hình thức, hay chỉ có hình thức, mà rất cố gắng để nó đi được vào những nội dung thực tế. Và thực sự đó là những điểm tốt mà chúng tôi đã làm được.
Ngoài ra thì rất là hay là sau 7 năm, cuối cùng chúng tôi đã có rất nhiều sản phẩm từ Gặp gỡ mùa thu đã đi được đến những Liên hoan phim hàng đầu. Những tài năng từ Gặp gỡ mùa thu đã được xuất hiện tại Liên hoan lớn nhất trên thế giới. Rồi rất nhiều dự án cũng sắp sửa bước vào sản xuất. Và cuối cùng thực sự là những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ Việt Nam đã một phần nào đó có thể có được kết nối quốc tế chắc chắn, chính là thông qua những hoạt động ở Gặp gỡ mùa thu.
"Với một tinh thần biết hy sinh cho nhau như vậy, chúng ta sẽ tìm được vẻ đẹp trong tất cả những công việc, lựa chọn của chúng ta" - Ảnh: Một buổi học của Gặp gỡ mùa thu. |
Và điều làm cho tôi thương nhớ nhiều nhất khi chúng tôi làm chương trình và có thể có đủ năng lượng để duy trì chương trình trong 7 năm, đó là khi chúng tôi nhìn vào cái cách mà các em tình nguyện viên trẻ làm việc, hoàn toàn tự nguyện không có lương, thậm chí còn phải tự trả vé máy bay và rất nhiều người, thậm chí bay về từ nước ngoài. Họ phải xin nghỉ phép vì họ về làm Gặp gỡ mùa thu. Họ làm việc rất lặng lẽ rất là khiêm nhường và không nề hà trong bao nhiêu năm với một tinh thần sẵn sàng đứng sau.
Khi nhìn vào tinh thần làm việc đó của các em, tôi và chị Trần Bích Ngọc có một niềm tin rất lớn, là chúng ta sẽ làm được. Với một tinh thần biết hy sinh cho nhau như vậy thì chúng ta sẽ tìm được vẻ đẹp trong tất cả những công việc lựa chọn của chúng ta.
PV: Và những điều gì còn nuối tiếc?
Đạo diễn Phan Đăng Di: Thực ra có rất nhiều vấn đề chương trình chưa giải quyết được đâu. Ví dụ như trong công tác tổ chức chúng tôi chỉ có thể làm tốt được các lớp học thôi.
Còn nếu mà chúng tôi có những điều kiện tốt hơn về tài chính thì hoàn toàn chúng tôi có thể khiến cho tất cả những dự án của Gặp gỡ mùa thu đi được nhanh hơn.
Bởi vì suy cho cùng,tất cả những chương trình như thế này, nếu không đều đặn ra được tác phẩm, không có những tác phẩm mà có thể trong một chừng mực nào đó làm thay đổi quan điểm về điện ảnh hoặc là làm thay đổi thị trường phim thương mại Việt Nam, thì lúc đó chương trình cũng chưa thành công.
Cho dù có những sản phẩm ban đầu rồi. nhưng cái mà chúng tôi mong ước nhất, mà chúng tôi vẫn thấy mình chưa làm được tốt nhất, chính là việc mình chưa đủ sức thuyết phục, để có thể có những khoản đầu tư tài chính, không chỉ để một hoạt động chương trình, mà cho chính những dự án mà chúng tôi chọn vào chương trình.
Những khoản tiền hỗ trợ giải thưởng mà năm nào Gặp gỡ mùa thu cũng trao, rất là nhỏ cho một dự án phim. Vì thế cái mà chúng tôi mong ước nhất cho đến nay, là làm sao có được nhiều sự quan tâm bằng tài chính, sẽ được thể hiện trong một Quỹ điện ảnh chẳng hạn. Cái Quỹ để chúng ta thực sự dùng tiền đó hỗ trợ cho những nhà làm phim trong bước đầu khởi nghiệp của họ. Đó là điều chúng tôi mong mỏi và chúng tôi vẫn chưa làm được.
Ngoài ra, tất nhiên đây cũng chỉ là một chương trình nhỏ. Và tất cả những người làm trong ban tổ chức chúng tôi cũng chỉ có thể làm tốt được mảng về các lớp học, về đào tạo.
Đạo diễn Trần Anh Hùng trong một buổi giảng dạy cho các học viên - Ảnh: BTC Gặp gỡ mùa thu cung cấp. |
PV: Theo anh, những điều gì các nhà làm phim Việt Nam thực sự cần để phát triển tài năng cũng như trở thành một đội ngũ lớn mạnh?
Đạo diễn Phan Đăng Di: Tôi nghĩ cái chính mà có thể là một thách thức lớn cho những nhà làm phim Việt Nam trong thời gian tới, chính là việc họ đã chuẩn bị đủ chưa để bước vào nền công nghiệp một cách rất chắc chắn.
Tôi thì tôi vẫn có hy vọng vào nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Tôi có hy vọng vào mảng phim nghệ thuật, nơi mà chúng ta bắt đầu có những nghệ sĩ trẻ mà họ có tiếng nói riêng và đồng thời họ có được một năng lượng rất lớn để khởi đầu.
Nhưng nền điện ảnh không chỉ được xây bằng những phim nghệ thuật hoặc phim độc lập, mà nền điện ảnh muốn được xây dựng một cách chắc chắn thì phải là một nền điện ảnh mà những phim thương mại phát triển tốt, hay và nó phải có một sức sống, một sức quyến rũ mạnh mẽ để giành được thị trường Việt Nam.
Để chuẩn bị cho việc đó, là một chuyện rất phức tạp, trong đó bản thân những nhà làm phim phải là những người thường xuyên trau dồi cập nhật và nắm bắt những xu thế mới, thì mới có thể làm được những tác phẩm.
Tôi nghĩ để điện ảnh Việt Nam và phát triển vững chắc trong tương lai, một trong những mảng yếu nhất chính là chúng ta thiếu một đội ngũ được đào tạo bài bản, được đào tạo một cách chắc chắn về mọi mặt, không chỉ là hiểu biết về quy trình sản xuất, sự nhanh nhạy về thị trường, mà thậm chí là những hiểu biết cơ bản về điện ảnh, về thẩm mỹ...Vì tất cả những cái đó nếu mình không thay đổi được, không nâng cao được qua việc giáo dục và không có sự nỗ lực không ngừng từ chính những nhà làm phim thì nó sẽ trở nên là lực cản lớn. Và không có cách gì trong tương lai chúng ta có thể có một nền điện ảnh mạnh, thú vị, đủ sức chinh phục khán giả trong nước và có một tiếng nói quốc tế được
Và chúng tôi - Gặp gỡ mùa thu cũng chỉ là một phần nhỏ trong quá trình mà mọi người có thể cùng nhau để đào tạo lại mình. Vì thế, tôi cũng hy vọng với sự duy trì tiếp tục cuộc Gặp gỡ mùa thu, dù không phải ở Đà Nẵng nữa, thì tất cả những quan tâm của chúng tôi vẫn là để tạo ra một cộng đồng. văn minh, được học hành bài bản và được gặp gỡ, cập nhật thường xuyên với thế giới; cũng như để hoàn toàn có sự nhanh nhạy nắm bắt tất cả những cơ hội đang đến trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn anh!